Tin mới

Những bộ phim thua lỗ nặng nề nhất năm 2016

Thứ hai, 02/01/2017, 15:53 (GMT+7)

Các tác phẩm điện ảnh lớn cần thu 200-250\% kinh phí sản xuất mới bắt đầu có thể thu lời. Tuy nhiên, đây là những bộ phim kém rất xa mức đó trong năm qua.

Các tác phẩm điện ảnh lớn cần thu 200-250% kinh phí sản xuất mới bắt đầu có thể thu lời. Tuy nhiên, đây là những bộ phim kém rất xa mức đó trong năm qua.

Ben Hur: Được làm lại từ tác phẩm kinh điển cùng tên, nhưng Ben-Hur của Timur Bekmambetov chỉ thu 26,4 triệu USD nội địa, và tổng cộng 94,1 triệu USD toàn cầu. Paramount đã bỏ ra tới 110 triệu USD để sản xuất tác phẩm, cùng một khoản chi phí khổng lồ cho chiến dịch marketing. Song, sự thờ ơ của khán giả và giới phê bình khiến Ben-Hur phiên bản 2016 bị cho là gây lỗ tới hơn 120 triệu USD. Ảnh: Paramount.

The BFG: Trong một năm đại thắng tại phòng vé, Disney vẫn có những cú “bước hụt”, mà điển hình là The BFG. Tác phẩm hướng đến đối tượng gia đình của đạo diễn Steven Spielberg trở thành “bom xịt” sau khi ra mắt trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Kinh phí sản xuất chưa kèm các khoản marketing của The BFG lên tới 140 triệu USD do phần kỹ xảo phức tạp, nhưng dự án rốt cuộc chỉ thu lại được 178 triệu USD. Theo ước tính của giới quan sát, Người Khổng lồ Thân thiện đã gây lỗ cho Disney khoảng 90-100 triệu USD. Ảnh: Disney.

Gods of Egypt: Ra rạp hồi tháng 2, Gods of Egypt được Lionsgate kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu điện ảnh mới. Nhưng giấc mơ đó tan biến khi phim chỉ thu 31,1 triệu USD nội địa, và 150,7 triệu USD toàn cầu. Được Lionsgate và một số đơn vị ngoại quốc rót cho khoản ngân sách tới 140 triệu USD, tác phẩm xoay quanh các vị thần thời Ai Cập cổ đại cuối cùng khiến nhà sản xuất thất thu một khoản lên tới 90 triệu USD. Ảnh: Lionsgate.

The Huntsman: Winter’s War: Được coi như phần tiếp theo kiêm ngoại truyện của Snow White and the Huntsman (2012) bởi nay loại bỏ nhân vật Bạch Tuyết của Kristen Stewart, Winter’s War bị đánh giá là tẻ nhạt, dù có sự góp mặt của hàng loạt minh tinh như Charlize Theron, Jessica Chastain, Emily Blunt, cùng “Thần Sấm” Chris Hemsworth. Universal bỏ ra 115 triệu USD để thực hiện bộ phim, nhưng cuối cùng chỉ thu được 164,6 triệu USD và hứng chịu khoản lỗ lên tới hơn 75 triệu USD. Ảnh: Universal.

Allied: Khoản lỗ ước tính đến từ tác phẩm mang đề tài Thế chiến thứ II của đạo diễn Robert Zemeckis là 75-90 triệu USD. Ra mắt khán giả Bắc Mỹ đúng dịp Lễ Tạ ơn, cũng như chỉ có kinh phí thực hiện 85 triệu USD, nhưng Allied gây thất vọng tràn trề khi tới nay mới thu khoảng 80 triệu USD toàn cầu. Sự tỏa sáng của Marion Cotillard trong phim không thể bù đắp cho bê bối ly dị ngoài đời của Brad Pitt và khiến khán giả không mấy mặn mà với tác phẩm. Ảnh: Paramount.

The Finest Hours: Trước khi thống trị phòng vé bằng loạt tác phẩm ăn khách gồm Zootopia, The Jungle Book, Captain America: Civil War và Finding Dory, Disney vấp ngã bởi The Finest Hours. Tác phẩm có kinh phí 80 triệu USD xoay quanh chiến tích kỳ diệu có thật của lực lượng tuần duyên nước Mỹ hồi năm 1952 không được khán giả quan tâm, và chỉ thu vỏn vẹn 52,1 triệu USD toàn cầu. Chủ tịch của Disney là Bob Iger thẳng thắn thừa nhận thất bại hồi tháng 3 khi tiết lộ dự án gây lỗ cho “nhà chuột” khoảng 75 triệu USD. Ảnh: Disney.

Teenage Mutant Ninja Turtles: Out of the Shadows: Năm 2014, bộ phim live-action của Ninja Rùa thu gần nửa tỷ USD, bất chấp hứng chịu vô số lời chỉ trích từ giới phê bình. Sau hai năm, điều đó không còn xảy ra với phần hai. Out of the Shadows đòi hỏi quá trình hậu kỳ kỹ xảo phức tạp và khoản ngân sách 135 triệu USD chưa kể chi phí marketing. Song, do chỉ thu 245 triệu USD toàn cầu hồi mùa hè, dự án khiến Paramount bị lỗ ít nhất 75 triệu USD. Theo chính ê-kíp sản xuất, khán giả khó lòng có thể theo dõi phần ba của Ninja Rùa trong tương lai gần. Ảnh: Paramount.

Assassin’s Creed: Hãng Fox mở đầu 2016 đầy mỹ mãn bằng Deapool, nhưng lại đang trải qua nỗi buồn trong những ngày cuối năm bởi tác phẩm điện ảnh dựa trên trò chơi cùng tên của Ubisoft. Sau 6 ngày trình chiếu, Assassin’s Creed mới thu được 22,4 triệu USD nội địa khi bị Rogue One và Sing lấn át. Ngay cả khi phim có thu 150 triệu USD toàn cầu, khoản lỗ đến từ tác phẩm có thể lên tới 75 triệu USD, bởi Fox đã bỏ ra tới 125 triệu USD cho quá trình sản xuất (chưa kể marketing). Có lẽ lời nguyền dành cho các tác phẩm điện ảnh dựa trên trò chơi vẫn chưa thể chấm dứt. Ảnh: Fox.

Ghostbusters: Sony từng tuyên bố họ cần phải thu ít nhất 300 triệu USD mới đủ thu hồi vốn từ Ghostbusters - dự án tái khởi động thương hiệu phim bắt ma huyền thoại của Hollywood. Song, việc cộng đồng fan chỉ trích và tẩy chay bộ phim khi chuyển đổi giới tính nhóm nhân vật chính từ nam sang nữ đã gây hại nghiêm trọng. Ghostbusters phiên bản 2016 chỉ thu 229 triệu USD toàn cầu và gây lỗ ước tính 70 triệu USD. Ảnh: Sony.

Alice Through the Looking Glass: Mùa xuân năm 2010, Alice in Wonderland gây bão tại phòng vé nhờ cơn sốt phim 3D và mang về cho Disney hơn 1 tỷ USD, bất chấp chất lượng nội dung chỉ ở mức trung bình. 6 năm sau, phần tiếp theo được “nhà chuột” rót cho 170 triệu USD. Hai ngôi sao Mia Wasikowska và Johnny Depp vẫn trở lại, nhưng họ thất bại trong việc thổi hồn cho tác phẩm mới. Hậu quả là Alice Through the Looking Glass chỉ thu chưa đầy 300 triệu USD, và gây lỗ ít nhất 70 triệu USD. Ảnh: Disney.

The Divergent Series: Allegiant: Tập ba của Dị biệt gây thất vọng về mặt kinh doanh tới nỗi Lionsgate tuyên bố thôi làm phần cuối, và sẽ tìm cách kể nốt câu chuyện trên sóng truyền hình, bất chấp sự hoang mang và phản đối đến từ dàn diễn viên chính của loạt phim. Allegiant thu 179,2 triệu USD so với kinh phí sản xuất 110 triệu USD, và được cho là đã gây lỗ ít nhất 50 triệu USD. Ảnh: Lionsgate.

Deepwater Horizon: Nhờ được giảm thuế, tác phẩm điện ảnh kể lại vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon hồi năm 2010 của đạo diễn Peter Berg có kinh phí sản xuất chỉ là 110 triệu USD, so với mức ban đầu lên tới 156 triệu USD. Nhưng Deepwater Horizon với ngôi sao Mark Wahlberg không thể thu hút đủ lượng khán giả tới rạp, và chỉ thu 118,7 triệu USD toàn cầu. Hậu quả là Lionsgate cùng các đơn vị sản xuất phải cùng nhau hứng chịu khoản lỗ lên tới 60 triệu USD vì bộ phim. Ảnh: Lionsgate.

Billy Lynn’s Long Halftime Walk: Dự án hoài bão và mang tính đột phá về công nghệ làm phim của Lý An không thể tái lập thành công của Life of Pi (2012). Mang đề tài phản chiến, Billy Lynn’s Long Halftime Walk có kinh phí sản xuất 40 triệu USD, nhưng Doanh thu nội địa của bộ phim chỉ là... 1,7 triệu USD. Các thị trường quốc tế giúp tác phẩm nay có khoảng 26,2 triệu USD, và Sony đang đứng trước khoản lỗ ít nhất 40 triệu USD vì bộ phim. Ảnh: Sony.

Rules Don’t Apply: Đạo diễn nổi tiếng Warren Beatty bỏ ra 10 năm để thực hiện bộ phim xoay quanh một đôi trẻ và ông chủ của họ - tỷ phú Howard Hughes. Câu chuyện lấy bối cảnh Hollywood vào những năm 1960 được nhiều tên tuổi lớn ủng hộ, nhưng rốt cuộc chỉ thu 3,65 triệu USD nội địa. Đây là một trong những mức doanh thu thấp kỷ lục tại thị trường Bắc Mỹ, và toàn bộ 25 triệu USD kinh phí sản xuất của Rules Don't Apply coi như đã bị đổ sông đổ bể.

Hoàng Nguyễn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news