Tin mới

Những câu nói kinh điển phủ sóng mạng xã hội năm 2019

Thứ tư, 18/12/2019, 13:54 (GMT+7)

Tiền nhiều để làm gì?; Nhà bao việc; Lúc đi hết mình lúc về hết tiền; Toang thật rồi bu em ạ,... là những câu nói kinh điển làm mưa làm gió mạng xã hội năm 2019.

1. Tiền nhiều để làm gì?

Trong phiên tòa xét xử ly hôn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ cũ của ông Vũ) không ngừng tranh cãi gay gắt về vấn đề tài sản và trách nhiệm.

Quá bực bội và thất vọng, ông chủ Trung Nguyên đã lớn tiếng thốt lên với vợ: 'Tiền nhiều để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?'.

Câu nói này nhanh chóng gây bão trên mạng xã hội với nhiều ý kiến khác nhau. Có người bày tỏ tiền rất quan trọng nhưng cũng có người cho rằng bao nhiêu tiền cũng không mua được hạnh phúc.

2. Nhà bao việc

'Nhà bao việc' được xem là một trong những câu nói 'hot' nhất 2019 bởi độ phổ biến của nó. Mọi người có thể dễ dàng bắt gặp câu nói này ở bất cứ đâu, ngay cả ở ngoài cuộc sống đời thường bởi nhiều người đã quen sử dụng nó như một câu cửa miệng.

Câu nói này xuất phát từ một câu thoại của nhân vật Thịnh Ngựa (Đỗ Duy Nam đóng) trong phim Mê Cung phát trên VTV3. Trong phân cảnh bị thẩm vấn, nhân vật Thịnh Ngựa trả lời: 'Nhà em còn bao việc'. Ngay lập tức, chỉ với một câu nói ngắn gọn bỗng chốc trở thành 'hot trend' được giới trẻ ưa chuộng.

3. Chị hiểu hông?

'Chị hiểu hông?' là câu nói bắt nguồn từ một vụ cãi vã về việc cầm nhầm túi xách giữa hai cô gái. Người 'cầm nhầm' túi xách liên tục thanh minh 'Em không lấy túi của chị, tự nhiên nó rớt em lụm lên, chị hiểu hông?'.

Chỉ sau 1 ngày, câu nói 'Chị hiểu hông?' đã trở thành trào lưu của giới trẻ, được các page lớn chế ảnh liên tục. Các shop bán hàng online cũng tranh thủ cơ hội này để quảng bá sản phẩm theo trend.

4. Cục sì lầu ông bê lắp

'Cục xì lầu ông bê lắp' có một khoảng thời gian là cụm từ gây sốt trong Cộng đồng mạng. Vì đi đâu chúng ta cũng có thể nghe được giai điệu quen thuộc này.

Đây là một câu hát của ca khúc Pump It Up, nguyên văn cụm từ này là 'Don't you know, pump it up' thế nhưng khi được truyền tai nhau trên ứng dụng Tiktok thì lời ca khúc này bị vietsub qua Tiếng Việt và trở thành trào lưu.

5. Đấm cho không trượt phát nào

Câu nói này xuất phát từ một đoạn clip livestream hàng ngày của giang hồ mạng Ngô Bá Khá - hay còn được gọi là Khá Bảnh. Trong đó, có một bạn comment rằng: 'Anh Bảnh ơi, em cắt tóc giống anh, bố em đấm em không trượt phát nào' và được Khá Bảnh đọc lại trên livestream.

Kể từ đó, câu nói này cũng trở thành hiện tượng và được bình luận ở khắp mọi nơi trong mọi tình huống.

Câu bình luận này thường xuất hiện trong các câu chuyện mà kết quả có thể dẫn đến việc phải dùng tới bạo lực để giải quyết như ẩu đả, đánh nhau.

6. Thanh xuân như một ly trà

Sau khi bộ phim ăn khách Về nhà đi con kết thúc, cô em út Ánh Dương với những phát ngôn 'chất phát ngất' là một trong những nhân vật nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.

Câu nói 'Thanh xuân như một ly trà, ăn thêm miếng bánh hết bà thanh xuân' của cô trong phim không cần mất công sức quảng cáo, chỉ sau một đêm đã trở thành 'hot trend' thời điểm đó và còn liên tục được chế lời hài hước.

7. Lúc đi hết mình lúc về hết tiền

Bắt nguồn từ MV Đi đu đưa đi của ca sĩ Bích Phương, đoạn điệp khúc 'Lúc đi hết mình lúc về hết buồn' được cư dân mạng chế thành 'Lúc đi hết mình lúc về hết tiền' để thể hiện trạng thái vui chơi hết mình rồi hết tiền.

Câu nói này còn có nhiều phiên bản khác nhau nhưng nổi bật nhất vẫn là 'Lúc đi hết mình lúc về hết tiền'.

8. Giận tím người

Xuất phát từ một bức ảnh người đàn ông mặc cả cây đồ tông xoẹt tông màu tím, nhiều người đã lồng câu nói 'Giận tím người' vào đó để bày tỏ khi gặp phải điều gì đó tức giận, bực dọc.

Ngay lập tức câu nói này đã trở thành trend được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Sau đó cư dân mạng còn chế thêm niều bức ảnh 'giận tím người' có sự xuất hiện của nhiều người nổi tiếng như huấn luyện viên Park Hang Seo, cầu thủ Đức Chinh.

9. Toang thật rồi bu em ạ

Xuất hiện trong clip Chị Dậu Parody - Kỷ nguyên hắc ám của 1977 Vlog, câu nói này lập tức được cư dân mạng yêu thích và sử dụng với tần xuất dày đặc.

Toang ở đây có nghĩa là xong, kết thúc, câu nói muốn ám chỉ sự không còn nguyên vẹn, không như lúc đầu. Còn 'bu em' là một từ chỉ người vợ - thường được sử dụng trong dân gian khi người chồng gọi vợ một cách thân thiết.

10. Thế tại sao mình phải trả lời bạn

Xuất phát từ đoạn chat hỏi về việc mua mèo của 2 bạn trẻ, câu nói 'Thế bạn nói xem sao mình phải trả lời bạn' từng rầm rộ khắp nơi trên mạng xã hội.

Theo đó, một chàng trai tên R.C đã đăng tải đoạn chat hỏi mua mèo ở đâu của một cô gái lên trang Facebook cá nhân và nhận xét người này không biết cách đặt câu hỏi. Không những không trả lời cô, anh này còn còn có câu nói khiến nhiều người khó chịu: 'Thế bạn nói xem sao mình phải trả lời bạn?' Thái độ của anh nhận cơn mưa 'gạch đá' từ dân mạng và dĩ nhiên câu nói của anh lập tức là nguồn cảm hứng cho những bộ ảnh, video chế.

11. Liêm sỉ gì tầm này nữa

'Liêm sỉ gì tầm này nữa' đang là câu nói cửa miệng quen thuộc trong giới trẻ. Bắt nguồn từ việc có những người quá lâu không có người yêu nên 'đại hạ giá' bản thân để tìm gấu hoặc vì trai xinh gái đẹp bất chấp để nhận làm người yêu mà câu nói 'Liêm sỉ gì tầm này nữa' được ra đời.

Liêm sỉ có ý nghĩa là phẩm chất ngay thẳng trong sạch của con người. Tự biết hổ thẹn khi làm chuyện sai trái, đi ngược lại với lương tâm. Câu nói 'Liêm sỉ gì tầm này nữa' thường được cư dân mạng sử dụng để tự bao biện cho bản thân khi họ biết điều gì đó là không đúng, đáng hổ thẹn nhưng vẫn làm.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news