Tin mới

Những câu nói làm trẻ tổn thương: Lợi bất cập hại

Thứ ba, 02/06/2015, 15:15 (GMT+7)

Nhiều bố mẹ thường có những lời lẽ đổ lỗi, dọa nạt hay so sánh con mình với con người khác và cho rằng đó là cách kích thích, khích lệ con tiến bộ. Nhưng bố mẹ chính những câu nói vô tình đó có thể sẽ làm trẻ tổn thương và ám ảnh trẻ suốt thời gian dài trong quá trình phát triển.

 

Nhiều bố mẹ thường có những lời lẽ đổ lỗi, dọa nạt hay so sánh con mình với con người khác và cho rằng đó là cách kích thích, khích lệ con tiến bộ. Nhưng chính những câu nói vô tình đó có thể sẽ làm trẻ tổn thương và ám ảnh trẻ suốt thời gian dài trong quá trình phát triển.  

Bố mẹ thường có tâm lí so sánh con cái mình với con cái người khác như: "Sao con ngoan như con cô A" hay "Bạn B học giỏi thế, năm nào cũng được giấy khen còn con thì kết quả học tập lúc nào cũng lẹt đẹt"...

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu bố mẹ có thói quen so sánh bé với người khác thậm chí với anh (chị) mình khiến bé dần hình thành tâm lý bi quan, mặc cảm hoặc cáu kỉnh, khó chịu. Không những vậy, trong lòng bé sẽ sinh ra nhiều thói ghen ghét, bé sẽ ghét những người mà bé bị so sánh hay thậm chí là ghét bỏ chính bố mẹ. Không có gì khiến một đứa trẻ cảm thấy khổ sở hơn là bị cho là kém cỏi hay hư đốn hơn bạn bè, anh chị em.

 

Những câu nói của cha mẹ có thể sẽ làm trẻ tổn thương và ám ảnh trẻ suốt thời gian dài

Chê bai con cái, trách con cái vô dụng cũng là những câu nói bố mẹ hay gặp phải trong cách giáo dục con mình. Không ít bố mẹ buột miệng mà tuyên bố con là một đứa ngốc, một đứa vô dụng. Những câu này được sử dụng nhiều lần sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng thật sự là những người chẳng có ích lợi gì. Trẻ cũng không muốn cố gắng để thay đổi nữa vì chúng sẽ nghĩ rằng: “Dù mình có cố gắng thể nào thì trong mắt bố/mẹ, mình đã là người như thế”.

Một số phụ huynh lại dùng những câu nói đe dọa con cái như: "Con cứ liệu đấy"; "Mẹ sẽ đánh con nếu con hư"..Khi thốt ra những lời lẽ này, có lẽ các ông bố, bà mẹ chỉ nghĩ nó là lời đe dọa, cảnh báo để trẻ biết điều nhưng với con trẻ đó lại là những lời lẽ "khủng bố" tâm hồn non nớt của chúng.

Theo ông Nguyễn An Chất - người nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực tâm lý cho rằng, bố mẹ thường bắt các cháu phải làm theo, phê phán, đổ lỗi...nhưng những thứ đó đều không được các cháu tiếp thu.

"Điều các cháu cần là những lời nói khích lệ, những lời khen nhẹ nhàng, cần những việc làm phù hợp với năng lực của nó. Nhưng các phụ huynh bây giờ không làm được điều đó mà luôn bắt ép, mắng chửi", ông Chất nói.

Theo ông Chất, muốn giáo dục con cái tốt bố mẹ nên thay vì hét lên với bé, trước hết nên gần gũi, nói một vài câu thể hiện sự đồng cảm, sau đó nhẹ nhàng phân tích cho bé như vậy là không ngoan.

"Bạn nên nhớ, thông thường với trẻ con phải vừa dạy vừa dỗ mới đạt hiệu quả tốt nhất. Cũng đừng so sánh con, dù là khen hay chê. Thay vào đó, hãy cho con biết rằng bạn yêu con vì con là một cá thể khác biệt. Ngay khi con quấy, không ngoan, hãy xử lý vấn đề xảy ra lúc đó. Đừng thể hiện bạn thương ai nhiều hơn bằng cách mong ước những cá tính làm con khác biệt biến mất", ông Chất gửi lời khuyên tới các phụ huynh.

Tương tự, việc đổ lỗi cho con là điều không nên. Bác sĩ nhi tâm thần Tia Horner cảnh báo rằng, “những lời đổ lỗi không công bằng và bất hợp lý lên con trẻ về những vấn đề của người lớn như thế này sẽ phá hủy hoàn toàn cảm nhận của trẻ về tình yêu vô điều kiện, gây ra sự bất an và hủy hoại sự tự tin của trẻ”. 

Như nhiều chuyên gia tâm lý khác, ông Chất cũng cho rằng, giáo dục con theo phương pháp "kỷ luật không nước mắt" mới là phương pháp giáo dục cần thiết mà cha mẹ nên áp dụng để nuôi dạy con cái.

Lê Vy

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news