Tin mới

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9

Thứ năm, 01/09/2016, 09:22 (GMT+7)

Những chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/9

Từ tháng 9, hàng loạt Chính sách mới có hiệu lực, như hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho học sinh đặc biệt khó khăn; Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng; Nhân viên lãnh sự nước ngoài được cấp thẻ tạm trú đến 5 năm; Cán bộ quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền...

Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho học sinh đặc biệt khó khăn

Nghị định 116/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ ngày 1/9. Theo đó, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định này được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo.

Cụ thể, hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh; tiền nhà bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh nếu phải tự túc chỗ ở và 15kg gạo/tháng/học sinh (các mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh).

Ngoài ra, trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh.

Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng

Từ ngày 1/9, Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH điều chính mức lương hưu và trợ cấp cho nhiều đối tượng bắt đầu có hiệu lực.

Cụ thể, người bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong thời gian từ ngày 1/1/2015 đến trước ngày 1/5/2016: tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Thời điểm điều chỉnh tính từ tháng bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.

Người có mức lương hưu, trợ cấp dưới 2.000.000 đồng/tháng. Cụ thể, đối với người có mức lương hưu từ 1.750.000 đồng/tháng trở xuống thì mức lương hưu sau điều chỉnh bằng mức lương hưu trước điều chỉnh cộng thêm 250.000 đồng/tháng. Đối với người có mức lương hưu từ trên 1.750.000 đồng/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/tháng thì mức lương hưu sau điều chỉnh đúng bằng 2.000.000 đồng/tháng.

Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng từ 1.850.000 đồng/tháng trở xuống thì mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp háng tháng sau điều chỉnh bằng mức trợ cấp trước điều chỉnh cộng với 150.000 đồng/tháng. Đối với người có mức trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng từ trên 1.850.000 đồng/tháng đến dưới 2.000.000 đồng/tháng thì mức trợ cấp sau điều chỉnh đúng bằng 2.000.000 đồng/tháng.

Đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh thêm 8% mà vẫn thấp hơn 1,15 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,15 triệu đồng/tháng (áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến 30/4/2016).

Mức lương thấp hơn 1,21 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,21 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/5/2016 trở đi.

Nhân viên lãnh sự nước ngoài được cấp thẻ tạm trú đến 5 năm

Thông tư 04/2016/TT-BNG của Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9.

Thông tư quy định, người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG4, sau khi nhập cảnh Việt Nam nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú thì phải thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam để gửi hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP.HCM.

Thời hạn tạm trú được gia hạn và thời hạn thị thực mới được cấp phải phù hợp với mục đích nhập cảnh, đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và có thời hạn tối đa 12 tháng, ngắn hơn thời hạn hộ chiếu của người nước ngoài ít nhất 30 ngày.

Thẻ tạm trú cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức liên Chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc đi cùng có ký hiệu NG3, có thời hạn tối đa là 5 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.

Cán bộ quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền

Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 có hiệu lực từ 1/9, quy định công chức quản lý thị trường không được làm các việc sau:

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.

Cản trở lưu thông hàng hóa, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên thị trường; đe dọa, mua chuộc, lừa dối đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành hoặc xử lý vi phạm hành chính.

Thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, biện pháp nghiệp vụ không có căn cứ, không đúng chức năng, thẩm quyền, phạm vi nhiệm vụ, địa bàn hoạt động được giao, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Cũng theo pháp lệnh này, công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường; thẻ có thời hạn sử dụng 05 năm kể từ ngày được cấp.

Thêm đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 bổ sung và bãi bỏ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005, có hiệu lực từ 1/9, quy định thêm những trường hợp chịu thuế mới như: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

Theo quy định hiện hành, những trường hợp chịu thuế gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.

Luật này cũng quy định những trường hợp hàng hóa được miễn, giảm thuế, hoàn thuế cụ thể như: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam trong định mức phù hợp với Điều ước quốc tế; tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại...

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc

Có hiệu lực từ ngày 22/9/2016, quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

Cụ thể, viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại địa phương ít nhất 2 năm kể từ khi đi đào tạo về sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề luật sư.

Mức hỗ trợ là 80 triệu đồng/lớp/trung tâm/năm; hỗ trợ thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý: 20 triệu đồng/trung tâm; chi phí tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở (chi cho báo cáo viên, chi công tác phí, chi hành chính và các chi phí khác theo quy định) là 2 triệu đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/lần/năm…

H.Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news