Tin mới

Những cú lừa “quái ác” gây chấn động dư luận trong ngày Cá tháng Tư

Thứ ba, 01/04/2014, 11:32 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Trong lịch sử ngày Cá tháng Tư (1/4), nhiều trò đùa, cú\nlừa ngoạn mục, hài hước, đôi khi là quái ác đã khiến dư luận và cả giới\ntruyền thông tin sái cổ.

(Tinmoi.vn) Trong lịch sử ngày Cá tháng Tư (1/4), nhiều trò đùa, cú lừa ngoạn mục, hài hước, đôi khi là quái ác đã khiến dư luận và cả giới truyền thông tin sái cổ.

Ngày Cá tháng Tư (1/4) còn gọi là ngày nói dối. Trong ngày này, người ta có thể thoái mái nói đùa, nói dối để lừa, chơi khăm nhau mà không sợ bị giận. Bên cạnh sự hài hước, vui vẻ, không ít trò đùa khiến người bị lừa dở khóc dở cười.

Các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần tung ra nhiều cú lừa “quái ác” khiến xỏ mũi hàng triệu độc giả ngây thơ – “những kẻ ngốc tháng tư”.

Cùng điểm lại một số trò đùa nổi tiếng trong lịch sử ngày Cá tháng Tư:

Youtube tung clip tuyên bố sẽ đóng cửa

Ngày 1/4/2013, YouTube đăng tải đoạn clip thông báo sẽ đóng cửa vào ngày này với lí doYoutube đã tròn 8 tuổi, thực chất đây là một cuộc thi về video và đã đến lúc cuộc thi kết thúc.

Theo clip trên, YouTube sẽ đóng cửa 10 năm để chấm điểm tất cả video đã đăng tải và quay lại vào năm 2023 để tuyên bố người thắng cuộc. Không những thế, Youtube còn tổ chức hẳn một cuộc thi, trong đó người dùng sẽ chọn ra video được xem nhiều nhất trên dịch vụ này trong những năm qua. Và giải thưởng dành cho người chiến thắng sẽ được trao vào 10 năm sau, tức năm 2023, khi dịch vụ này hoạt động trở lại.


Đoạn clip khá thuyết phục khi có sự góp mặt của nhiều ngôi sao YouTube trong các năm qua như Antoine Dodson, David Devore Jr…

Dĩ nhiên, khi xem xong đoạn video này, nhiều người có thể nhận ra ngay đây chỉ là một trò đùa ngày Cá tháng Tư của Google. Việc đóng cửa Youtube tại thời điểm này là hoàn toàn không thể bởi đây hiện là dịch vụ video lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ lượt truy cập mỗi tháng.

Chim cánh cụt bay tới Amazon tránh rét

Ngày 1/4/2008, kênh BBC phát một đoạn video về bầy chim cánh cụt biết bay và khẳng định rằng họ đã phát hiện ra loài này tại đảo King George gần Nam Cực.

Người dẫn chương trình Terry Jones có mặt tại đây thậm chí còn tỏ ra như thật khi nói rằng: “Thay vì tụ tập nhau thành bầy để tự bảo vệ mình khỏi cái lạnh, chúng đã làm một điều không ngờ tới, điều mà không loài chim cánh cụt nào khác có thể làm, đó là bay hàng nghìn dặm tới rừng nhiệt đới Amazon”.

Thực tế là các nhà làm phim đã sử dụng hình ảnh về những loài chim trông giống chim cánh cụt và bắt chước chuyển động của chúng để tạo ra hình ảnh về một loài mới được phát hiện.

Một ngày sau khi được đăng tải, đoạn video “động trời” này đã thu hút hơn 100.000 lượt xem.

Bill Gates bị ám sát tại Los Angeles

CNN đưa tin vào ngày 1/4/2003 rằng, Chủ tịch tập đoàn Microsoft William H. Gates III (Bill Gates) đã bị ám sát tại Los Angeles trong khi đang tham gia một sự kiện Từ thiện được tổ chức tại MacArthur Park. Vị tỷ phú hàng đầu thế giới này đã bị trúng 2 phát đạn bắn từ khách sạch Park Plaza gần đó và nhanh chóng được đưa tới Trung tâm Y tế St.Vincent. Các bác sĩ thông báo Gate đã chết khi tới bệnh viện vào hồi 12h46 giờ chuẩn Thái Bình Dương.

Những cú lừa quái ác gây chấn động dư luận trong ngày Cá tháng Tư

Thông tin Bill Gates bị ám sát chỉ là trò đùa ngày Cá tháng Tư

Cảnh sát cho biết, kẻ giết người được xác định là Alek Hidell đã bị một nhân viên LAPD bắn gục trong tầng hầm khách sạn sau khi tên này làm bị thương một nhân viên khác. Hidell đã chết tại Trung tâm Y tế County-USC vào hồi 2h55 giờ PST do bị thương nặng.

Trong khi đó, hãng thông tấn BBC đã đăng với tiêu đề: "Trò chơi khăm Bill Gates đã ảnh hưởng tới thị trường Hàn Quốc". Bài báo cho biết, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm thêm 1,5% - khoảng hơn 3 tỷ USD - sau khi đài truyền hình địa phương thông báo, Chủ tịch Microsoft Bill Gates đã bị ám sát.

Tin ông Gates bị ám sát đã đồng loạt được 3 kênh truyền hình MBC, YTN và SBS của Hàn Quốc đồng loạt đưa tin. Theo BBC, trên thực tế, thông tin đó là một trò lừa bịp lấy từ website CNN.

Tháp Effeil bị dỡ bỏ

Ngày 1/4/1986, báo Le Parisienn làm cho bạn đọc được một phen hoảng hồn vì đưa ra thông tin chính phủ Pháp quyết định dỡ bỏ tháp Effeil. Sau khi dỡ bỏ, tháp sẽ được chuyển đến và dựng lại tại công viên Disneyland. Thay cho tháp sẽ là sân vận động dành cho Thế vận hội 1992.

Đồng hồ Big Ben chuyển sang dạng kỹ thuật số

Năm 1980, BBC đưa tin, đồng hồ Big Ben sẽ chuyển sang chế độ đồng hồ điện tử và người ta sẽ sớm lắp bảng hiện số mới thay cho mặt đồng hồ cũ.

Tin tức này ngay lập tức khiến thính giả Anh bị sốc, họ bức xúc, thậm chí giận dữ gọi điện đến yêu cầu phải bảo vệ đồng hồ Big Ben.
Bản tin cũng nói rằng 4 thính giả gọi điện về sớm nhất sẽ được tặng kim đồng hồ của Big Ben. Thật khó tin khi có cả những người đang ở nước ngoài cũng gọi điện về BBC với mong muốn sẽ trở thành người may mắn.

Tivi đen trắng thành tivi màu bằng... túi nilon

Năm 1962, chỉ có duy nhất một kênh truyền hình ở Thụy Điển và chỉ phát sóng trên hệ màu đen trắng. Nhưng ngày 1/4/1962, chuyên gia kỹ thuật của trạm, ông Kjell Stensson, xuất hiện trên các tin tức thông báo rằng nhờ có Công nghệ mới mà người xem có thể chuyển đổi ti vi của mình để có thể xem hình ảnh với màu sắc sinh động.

Tất cả những gì chủ nhân của các ti vi cần làm là trùm một chiếc nilon màu lên màn hình tivi. Để thuyết phục hơn, Stensson đã làm mẫu ngay trong chương trình. Hàng ngàn người bắt chước theo. Nhiều người bây giờ đã trưởng thành nhớ lại, hồi ấy cha mẹ họ đã vội vã lục tung nhà để tìm chiếc nilon như thế.

Nhưng tất nhiên, sau đó thì họ biết mình đã bị “bịp”. Và thú vị hơn, đúng 4 năm sau, ngày 1/4/1970, chương trình truyền hình màu đầu tiên được phát sóng tại Thụy Điển.

Người Thụy Sĩ thu hoạch cây mỳ Ý spaghetti

Vào ngày 1/4/1957, kênh truyền hình tin tức Panorama của đài BBC đưa tin: “nhờ vào thời tiết tốt và sự hạn chế của các loại mối mọt, người dân Thụy Sỹ đã có một vụ mùa bội thu hạt mầm ngũ cốc mọc ra...mì spaghetti”.

Trong bản tin, Pamorama cũng đưa kèm đoạn video chiếu cảnh các nông dân Thụy Sĩ kéo các sợi mì spaghetti từ các cành cây xuống.

Những cú lừa quái ác gây chấn động dư luận trong ngày Cá tháng Tư

Hình ảnh thu hoạch mì ống tại miền Nam Thụy Sĩ trên đài BBC

Hàng trăm khán giả xem truyền hình đã tin “sái cổ” vào bản tin này và gọi đến BBC nhờ tư vấn cách trồng cây mì spaghetti.

BBC đã trả lời rằng: “Hãy gieo một cọng mì vào hộp chứa nước sốt cà chua và sau đó hãy... cầu nguyện để hi vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến”.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc chương trình phát sóng ngay trong buổi tối ngày 1/4, BBC đã cho đăng tải thông báo rằng, bản tin chỉ là một trò đùa Cá tháng Tư mà thôi.

D.M (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news