Tin mới

Những điều còn chưa rõ về quy chế kỳ thi quốc gia THPT 2015

Thứ hai, 22/12/2014, 15:54 (GMT+7)

Vì sao lại phải dùng thang điểm 20? Điểm liệt là 2 điểm là tính theo thang điểm nào? Đề thi sẽ ra như thế nào để đáp ứng cả hai kỳ thi? Những thí sinh thi lại tốt nghiệp có gặp khó khăn với quy chế mới?...là những băn khoăn của nhiều giáo viên học sinh sau trước dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015. 

Vì sao lại phải dùng thang điểm 20? Điểm liệt là 2 điểm là tính theo thang điểm nào? Đề thi sẽ ra như thế nào để đáp ứng cả hai kỳ thi? Những thí sinh thi lại tốt nghiệp có gặp khó khăn với quy chế mới?...là những băn khoăn của nhiều giáo viên học sinh sau trước dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015. 

Theo một số giáo viên, học sinh, việc dùng điểm 20 thay cho thang điểm 10 được cho là điểm “lạ” nhất trong quy chế năm nay. Với thang điểm này, liệu điểm sàn, điểm xét tuyển ĐH sẽ thay đổi như thế nào và liệu có tạo ra sự mất cân đối giữa điểm số các môn khi xét tuyển? 

“Mọi năm điểm sàn vào ĐH ở mức 13 điểm, vậy năm nay nếu tính thang điểm 20 thì liệu có phải là gấp đôi lên không? Nếu tính như thế sẽ có thí sinh có môn 18 điểm nhưng hai môn còn lại chỉ cần 4-5 điểm vẫn có cơ hội trúng tuyển?”, Nguyễn Văn Tuấn, học sinh lớp 12 THPT Xuân Đỉnh, Hà Nội băn khoăn. 

Theo đó, Tuấn cho rằng, Bộ GD-ĐT nên có thông tin và hướng dẫn cụ thể hơn để học sinh yên tâm ôn tập. 

Nguyễn Thị Hương, học sinh THPT Tây Hồ (Hà Nội) thì lại băn khoăn về đề thi năm nay. Hương chia sẻ: “Bộ nói, cấu trúc đề thi cơ bản vẫn như những năm trước nhưng năm nay là đề thi chung cho cả kỳ thi, vậy chắc sẽ có sự thay đổi nào đó. Như mọi năm, nhiều thí sinh có thể dễ dàng đạt 7-8 điểm môn thi tốt nghiệp nhưng thi đại học chỉ được 2-3 điểm. Vậy, với kỳ thi năm nay liệu thí sinh như thế có gặp khó khăn trong việc đỗ tốt nghiệp?”.

Những điều còn chưa rõ về quy chế kỳ thi quốc gia THPT 2015

Theo nhiều học sinh, giáo viên trong dự thảo quy chế của kỳ thi THPT quốc gia còn nhiều điều  chưa rõ. Ảnh minh họa

Tại hội thảo hướng nghiệp 2015, nhiều băn khoăn của về dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 cũng được đại diện các trường ĐH, THPT nêu ra. 

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc Gia TP.HCM, dự thảo quy chế tuyển sinh 2015 có rất nhiều điểm mới nhưng chưa rõ ràng khiến nhiều trường ĐH CĐ, THPT băn khoăn và chưa hiểu mục đích của những thay đổi ấy. 

“Lúc đầu, Bộ cho các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng. Sau đó, Bộ lại yêu cầu các trường giữ nguyên khối thi truyền thống để đảm bảo tính ổn định. Tuy nhiên, nếu trường nào muốn xét tuyển thêm tổ hợp ba môn nào thì phải báo về Bộ trước ba năm. Vậy các trường đã lên kế hoạch tuyển sinh riêng rồi thì phải tính sao?”, TS Nghĩa nói. 

Cũng theo TS Nghĩa, vấn đề cụm thi cũng cần tính toán như thế nào để thuận lợi cho học sinh và tiết kiệm kinh phí. Bởi, theo quy chế, HS dự thi tối thiểu bốn môn (ba môn bắt buộc) nhưng phần lớn sẽ chọn thi 5-6 môn để xét tuyển tất cả các khối. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng có những môn thi rất ít thí sinh dự thi như Lịch Sử, Địa Lý. 

Ngoài ra, theo TS Nghĩa, hồ sơ đăng ký dự thi nên thay đổi lại. Theo tính toán của Bộ, sẽ có khoảng 20% HS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, nghĩa là các em chỉ thi 4 môn. Tuy nhiên, lựa chọn này chỉ tương đối, có thể lúc đầu các em không tính xét tuyển ĐH CĐ nhưng sau đó muốn đổi ý. Nếu yêu cầu đăng ký ngay từ đầu có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của HS về sau. 

Ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt  (TP HCM) thì băn khoăn về việc 10.000 học sinh trượt tốt nghiệp năm trước năm nay liệu có bị thiệt thòi trước những quy định mới. 

Như tin tức đã đưa, chiều 18/12, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 với lịch thi dự kiến tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015.

Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015 với 8 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Theo quy chế dự thảo, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu), gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn thi còn lại. Riêng đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

 

Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế trong số các môn tự chọn. Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ quyết định việc này và báo cáo Bộ Giáo dục.

Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ ngoài 4 môn thi tối thiểu phải dự thi thêm các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định. 

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước dự thi để được xét tuyển sinh ĐH, CĐ, phải thi đủ số môn theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo do trường ĐH, CĐ quy định.

Về đề thi, theo dự thảo, đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Cũng theo dự thảo, kế thừa những ưu điểm của việc tổ chức thi theo cụm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” những năm qua, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi. Bộ trưởng GD-ĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news