Tin mới

Những người từng mượn danh “Nhân dân” để đòi tổ chức ASIAD 18

Thứ sáu, 18/04/2014, 17:00 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Không đăng cai ASIAD 18 là quyết định rất hợp lòng dân của Thủ tướng. Nhưng trước đó, nhiều người muốn “bất chấp tất cả” để tổ chức Á vận hội đã liên tục mượn danh Nhân dân, lấy Nhân dân ra làm lá chắn cho các lập luận của mình.>> Việt Nam rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18>> Bộ VH-TT-DL “trần tình” về kinh phí cho ASIAD 18

(Tinmoi.vn) Không đăng cai ASIAD 18 là quyết định rất hợp lòng dân của Thủ tướng. Nhưng trước đó, nhiều người muốn “bất chấp tất cả” để tổ chức Á vận hội đã liên tục mượn danh Nhân dân, lấy Nhân dân ra làm lá chắn cho các lập luận của mình.

 

Ngày 17/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) vào năm 2019 với các bộ, ban, ngành liên quan. Sau cuộc họp, Thủ tướng đã kết luận chính thức: Việt Nam rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội.

Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, hoan nghênh và được cho là quyết định hợp lòng dân.

Nhưng trước đó, khi vấn đề Việt Nam nên hay không nên đăng cai ASIAD 18 năm 2019 tại Hà Nội đang gây tranh cãi gay gắt, bên cạnh lập luận quen thuộc đến mức cũ mòn là “nâng cao hình ảnh đất nước, quảng bá du lịch…”, những người ủng hộ việc nước ta “bất chấp tất cả” để tổ chức Á vận hội đã liên tục mượn danh Nhân dân, lấy Nhân dân ra làm lá chắn cho các lập luận của mình.

Ông Đoàn Thao - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao, người luôn gắn bó với chặng đường phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua – phát biểu rằng: “Việc đăng cai Asian Games 2019 đã được Chính phủ đồng ý và trên thực tế đó cũng là ý nguyện của toàn dân nên giờ đừng nói chuyện thoái thác nữa, trừ khi đất nước có sự cố, thiên tai, chiến tranh. Việc rút lui là hạ sách bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hình ảnh, uy tín đến vị thế của đất nước sau bao nhiêu nỗ lực mới có được... Đến giờ này đừng bàn tới chuyện rút lui không đăng cai Asian Games mà hãy chọn việc nào tốt cho dân, cho nước thì làm”.

Chưa nói đến việc thông tin không chính xác là “Chính phủ đồng ý”, không biết ông Đoàn Thao dựa vào thống kê nào mà phát ngôn rằng “đó (việc đăng cai tổ chức ASIAD 18 – PV) là ý nguyện của toàn dân”?

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí - người từng phục vụ 8 đời thủ trưởng ngành Thể dục Thể thao (các Bộ trưởng, Tổng cục trưởng) - phân tích: “Giờ chúng ta đã nhận đăng cai Đại hội rồi thì cũng không nên nói tới việc rút lui nữa, bởi như thế chúng ta sẽ đẩy các nước khác trong châu lục vào thế bị động trong việc chuẩn bị cho Đại hội, vì thời gian bây giờ không còn nhiều. Chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai Asian Games là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác... Còn những lo lắng về chuyện lãng phí, tôi cho rằng nếu chúng ta làm bài bản, căn cơ trên tinh thần tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí, tránh tham nhũng, thì dân người ta sẽ hiểu”.

Ông Chí cũng lôi Nhân dân vào trong câu chuyện và cho rằng “dân người ta sẽ hiểu”. Theo ông Chí, người dân sẽ hiểu gì, cần hiểu như thế nào? Phải chăng, người dân phải hiểu là: dù đất nước ta chưa giàu có, còn nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện đăng cai tổ chức ASIAD, nhưng vì cái sĩ diện hão mà phải cắm đầu mua “cục nợ” chỉ để “không đẩy gánh nặng cho các nước khác”? Người viết bài này tin rằng, không một người dân Việt Nam nào có ý nghĩ kì cục như ông Giáo sư, Tiến sĩ kia.

Những người từng mượn danh “Nhân dân” để đòi tổ chức ASIAD 18

Cựu Đại sứ Du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ (phải) là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc nước ta đăng cai tổ chức ASIAD 18.

Được biết đến như là một trong những người có công lớn trong việc giành quyền đăng cai ASIAD 18 cho Việt Nam, cựu Đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ đã viết thư ngỏ để chia sẻ quan điểm riêng của mình trong lúc những tranh cãi về việc nên hay không nên đăng cai tổ chức Á vận hội đang diễn ra quyết liệt giữa các bên ủng hộ và phản đối.

Lý Nhã Kỳ đã viết: “ASIAD không chỉ là cơ hội riêng của ngành Thể thao trên đấu trường châu lục mà còn là ngày hội trọng đại của nhân dân”.

Không biết có bao nhiêu người dân Việt Nam hưởng ứng lời của cô cựu Đại sứ du lịch để coi ASIAD 18 (nếu thực sự được tổ chức ở Hà Nội) là “ngày hội trọng đại” khi mà kinh tế đất nước và cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, khi sau kì đại hội thể thao hao tiền tốn của sẽ là những khoản nợ lớn mà họ và con cháu sau này sẽ phải oằn lưng để gánh trả?

Trong khi đó, được hỏi về ý nghĩa của ASIAD 18 đối với nước ta, ông Lê Bửu - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao – cho rằng: “Qua sự kiện ASIAD này, quan trọng nhất đó là khơi dậy niềm tin, niềm tự hào về dân tộc của người dân”.

Không biết người dân nào nói với ông Lê Bửu rằng, họ cần phải chờ tới khi Việt Nam đăng cai ASIAD 18 thì “niềm tin, niềm tự hào dân tộc” trong họ mới được “khơi dậy”?

Ngay sau khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc Việt Nam rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 được công bố, thông qua báo chí truyền thông và mạng xã hội… nhiều người dân đã bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh, cho đây là một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân.

Theo khảo sát của một tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam, hơn 86.000 độc giả đã tham gia trả lời câu hỏi “Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với ASIAD 18?” với hai phương án lựa chọn là “Rút đăng cai” và “Vẫn tổ chức”. Kết quả là, hơn 75.000 phiếu (87%) lựa chọn phương án “Rút đăng cai” và chỉ có hơn 11.000 phiếu (13%) biểu quyết cho phương án “Vẫn tổ chức”.

Những người từng mượn danh “Nhân dân” để đòi tổ chức ASIAD 18

Theo kết quả khảo sát của một tờ báo điện tử uy tín, 87% người tham gia đã lựa chọn phương án Việt Nam nên "Rút đăng cai" ASIAD 18 (Ảnh chụp màn hình).

Những con số cụ thể như vậy rõ ràng là thuyết phục khi phần nào cho thấy, đa số người dân Việt Nam không ủng hộ việc nước ta đăng cai tổ chức ASIAD 18. Nó hoàn toàn trái ngược với những “ý nguyện của toàn dân”, “dân người ta sẽ hiểu” hay “là ngày hội trọng đại của nhân dân” mà một vài nhân vật ở trên đã đưa ra, “vơ vào” một cách chủ quan.

Là người được Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội mời phản biện đề án đăng cai ASIAD 18, ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, cựu Trưởng đoàn thể thao Việt Nam – cho rằng: "Xin đăng cai ASIAD là công việc hệ trọng, nhưng khi tiến hành, ngành thể thao lại chỉ xoay quanh ý kiến chủ quan của một số người”.

Đúng như ý ông Nguyễn Hồng Minh đã nói, “một số người” đã lấy ý kiến chủ quan của mình rồi gắn cho nó cái mác “Nhân dân” để mong đạt được mục đích. Để rồi khi những “ý kiến chủ quan” đó gây ra hậu quả, chính Nhân dân thực sự sẽ phải gánh chịu chứ không phải ai khác.

Ngày 17/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch, báo cáo của  Văn phòng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự họp, qua cân nhắc các mặt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận: Việt Nam sẽ rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội vào năm 2019. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội.

Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.

Duy Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news