Tin mới

Những nguy hiểm đến sức khỏe khi bị nhiễm độc thủy ngân mọi người cần biết

Thứ sáu, 30/08/2019, 15:33 (GMT+7)

Thông tin thủy ngân rò rỉ sau vụ cháy CTCP Rạng Đông, chuyên gia cho rằng thủy ngân có thể gây ra căn bệnh ung thư nhiều biến chứng khác nhau nếu tích lũy trong cơ thể.

Sau khi đám cháy tại nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được dập tắt, chính quyền địa phương đã phát đi khuyến cáo không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Tuy nhiên đến ngày 30/8, đơn vị này đã thu hồi văn bản này.

Thế nhưng, nhiều người hoang mang không biết thủy ngân lan tràn ra ngoài có tác hại gì?

Trao đổi với PV Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng, hợp chất thủy ngân và kim loại thủy ngân là một loại kim loại độc cho cơ thể, có thể gây ra căn bệnh ung thư nhiều biến chứng khác nhau nếu tích lũy trong cơ thể. Ngoài ra, các hạt bụi thủy ngân này có thể rơi xuống đất, vườn rau, làm phơi nhiễm thủy ngân cho thực phẩm.

Được biết, theo Viện Y tế Quốc gia (Mỹ), thủy ngân, tên hóa học là Hg, có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các hợp chất vô cơ ít độc hơn so với hợp chất hữu cơ của thủy ngân. Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong các cơ thể sinh vật. Một trong những hợp chất độc nhất của nó là đimêtyl thủy ngân, độc đến mức chỉ vài micrôlít rơi vào da có thể gây tử vong.

Thủy ngân. Ảnh minh họa (internet)

Cũng nói về tác hại của Thủy ngân, trao đổi với PV Sức khỏe và đời sống, bác sĩ Ngô Minh Hạnh cho biết, kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi.

  1. Thủy ngân tồn tại ở ba dạng, nguyên tố, vô cơ và hữu cơ

- Với dạng nguyên tố, thủy ngân gây độc cho người rất nhanh nếu hít vào, nó gây tổn thương đường hô hấp, phổi, gan, hệ thần kinh trung ương. Các triệu chứng ngộ độc thủy ngân nguyên tố bao gồm nôn, khó thở, ho, sưng và chảy máu chân răng. Thậm chí một lượng nhỏ nguyên tố thủy ngân cũng dễ ngấm qua mạch máu và qua nhau thai, gây ảnh hưởng lâu dài đến não bộ và thai nhi.

- Với dạng vô cơ, thủy ngân cũng rất độc hại. Nếu thủy ngân vô cơ xâm nhập vào máu, nó sẽ tích lũy ở thận và não, gây tổn thương vĩnh viễn. Một liều lượng lớn có thể làm mất máu, nước do tiêu chảy, suy thận và tử vong. Các triệu chứng phổ biến khi nhiễm độc thủy ngân vô cơ là nóng trong dạ dày, cổ họng, tiêu chảy ra máu và nôn mửa.

- Với dạng hữu cơ, thủy ngân ảnh hưởng rất lớn đối với thai phụ. Tiếp xúc với một lượng thủy ngân hữu cơ mythylmercury trong khi mang thai có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho phát triển trí não của thai nhi.  Các triệu chứng chủ yếu do ngộ độc thủy ngân hữu cơ là:  Tê hoặc đau ở một số khu vực trên da, Run rẩy không kiểm soát; Khả năng di chuyển bị hạn chế; Không nhìn rõ; Mất trí nhớ; Co giật và tử vong.

Tùy thuộc dạng thủy ngân (Hg) gây ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà biểu hiện lâm sàng ngộ độc khác nhau. Hít Hg nguyên tố và nuốt Hg vô cơ gây ngộ độc cấp, trong khi tiếp xúc với dạng hữu cơ như ăn phải cá chứa Hg thường gây ngộ độc mạn

2. Cách điều trị nhiễm độc thủy ngân

Để điều trị khi nhiễm độc thủy ngân, bước đầu phải cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm.

- Nếu ngộ độ do ngộ độc thủy ngân hữu cơ thì không gây nôn và cũng không rửa dạ dày, do nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt do không có tác dụng hấp phụ kim loại.

- Nếu ngộ độc thủy ngân vô cơ thì cần được truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều, nên đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp.

3. Cách phòng tránh nhiễm độc thủy ngân

Để tránh nhiễm độc thủy ngân, mọi người nên thực hiện những biện pháp sau:

- Giới hạn những chất thải chứa thủy ngân ra khỏi môi trường sống

- Kiểm soát ngưỡng cho phép tiếp xúc với các dạng khác nhau của thủy ngân để phòng chống bị ngộ độc

- Không để nhiệt kế thủy ngân trên bàn, nơi trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ để tránh trẻ bị nuốt vào.

Nếu phát hiện trẻ nuốt thủy ngân thì không được móc họng, gấy ói vì càng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.Nếu không hít sặc, chỉ cần theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định và đánh giá lượng Hg đã nuốt được bài tiết ra ngoài. Lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ để tránh táo bón.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news