Tin mới

Những "ông lớn" chịu đòn nếu kinh tế Nga suy sụp

Thứ tư, 17/12/2014, 11:26 (GMT+7)

Việc đồng ruble của Nga đang trong trạng thái “rơi tự do” do giá dầu giảm cộng thêm các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây khiến các đối tác kinh tế của nước này, bao gồm các quốc gia và tổ chức thương mại “đứng ngồi không yên”.

 

Việc đồng ruble của Nga đang trong trạng thái “rơi tự do” do Giá dầu giảm cộng thêm các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây khiến các đối tác kinh tế của nước này, bao gồm các quốc gia và tổ chức thương mại “đứng ngồi không yên”.

Dưới đây là một số nạn nhân lớn nhất nếu kinh tế Nga rơi vào suy thoái:

Đức: nền kinh tế lớn nhất châu Âu này có liên quan mật thiết đến nước Nga. Năm ngoái, trao đổi thương mại giữa Đức và Nga đạt hơn 95,4 tỷ USD. Những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay của phương Tây do khủng hoảng Ukraine đã lấy đi một lượng giá trị xuất khẩu lớn và khiến các công ty phải hãm phanh trong các kế hoạch đầu tư.

Tháng trước, Đức tuyên bố “khủng hoảng địa chính trị” đã dẫn đến sự cắt giảm lớn trong các dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này vào năm sau và năm sau nữa. Những rắc rối ở Đức thực sự ảnh hưởng đến toàn bộ châu Âu, bởi giá trị tiền tệ của khu vực này phụ thuộc rất nhiều vào “ông lớn” Đức.

Phần còn lại của châu Âu: Nga nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ các quốc gia châu Âu. Trước đó, các nhà bán lẻ Nga đã phản ứng lại các lệnh trừng phạt của phương Tây hồi tháng 8 bằng cách cấm nhập khẩu các loại hoa quả, rau, thịt, cá, sữa và các sản phẩm từ sữa của châu Âu, cũng như Mỹ, Australia và Canada. Đây là một tin không mấy tốt lành cho các nhà sản xuất châu Âu vì họ xuất khẩu một lượng lớn hoa quả, pho mai, thịt lợn sang Nga.

Năm ngoái, khoảng 10% thực phẩm xuất khẩu của châu Âu, trị giá 15 tỷ USD, được chuyển đến Nga. Đây là khách hàng lớn thứ hai tại châu lục này. Trước tình hình trên, châu Âu đã phải chi ra khoảng 156 triệu USD để bồi thường cho các nhà sản xuất.

Những ông lớn chịu đòn nếu kinh tế Nga suy sụpĐồng ruble Nga liên tục giảm trong những ngày qua. Ảnh: Xinhua

Các công ty năng lượng: việc đồng ruble mất giá đã dẫn đến những khó khăn cho các các công ty làm ăn với Nga. BP trước đó đã cảnh báo những lệnh trừng phạt cứng rắn có thể gây ra “tổn hại sâu sắc”. BP sở hữu lượng cổ phần lớn ở Rosneft, công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga cũng là đối tượng trong các lệnh cấm vận của Mỹ. Cổ phiếu của công ty này đã giảm 25% trong năm nay khi giá dầu tụt dốc.

Công ty Total của Pháp đã phải “xếp xó” kế hoạch sáp nhập với Lukoil của Nga trước lệnh trừng phạt của phương Tây. Các công ty năng lượng khác như Exxon Mobil (XOM) cũng có mối quan hệ đối tác quan trọng với Nga.

Các nhà sản xuất ô tô: “ông lớn” Ford của Mỹ là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở Nga và chắc chắn đồng ruble mất giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của hãng này. Trong khi đó, Volkswagen cho rằng những căng thẳng về chính trị khiến hãng này mất 8% lợi nhuận bán hàng tại thị trường Nga trong vòng 6 tháng đầu năm 2014. Cổ phiếu của hãng ô tô Đức này cũng giảm 12% trong năm nay.

Hãng Renault của Pháp cũng cho biết Doanh thu tại Nga của hãng thất thu đáng kể, trong khi Peugeot Citroen cảnh báo đồng ruble yếu thế đã gây tổn hại cho công ty.

Các ngân hàng: lợi nhuận trong quý thứ hai của Societé Generale từ chi nhánh tại Nga đã giảm 36%. Các ngân hàng khác chịu ảnh hưởng lớn phải kể đến là Radobank của Hà Lan và Unicredit của Italy.

McDonald, Adidas và các thương hiệu khác: quan hệ ảm đạm giữa Mỹ và Nga được cho là nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm của McDonald tại Moscow. Chính quyền địa phương đã buộc thương hiệu này phải tạm thời đóng cửa 12 nhà hàng do các cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt.

Hãng thể thao lớn của Đức, Adidas cũng phải đóng các ccửa hàng và hạn chế mở rộng ở thị trường Nga. Adidas cho biết lợi dự đoán lợi nhuận trong năm 2014 của hãng này đã giảm từ 20% đến 30%, chủ yếu là do thị trường Nga.

Carlberg, hãng sản xuất bia của Đan Mạch cũng cảm nhận được những “rung chấn” về lợi nhuận sụt giảm do nhu cầu từ phía Nga đột ngột tụt mạnh.

Coca-Cola cũng chịu chung số phận. Cổ phiếu của Coca-Cola HBC, chuyên phân phối sản phẩm tại thị trường Nga, cũng giảm tới 32% trong năm nay.

Nga rơi vào khủng hoảng tiền tệ trầm trọng?

Theo Reuters, tỷ giá đồng ruble Nga so với đồng USD sụt thêm 11% trong phiên giao dịch hôm qua (16/12), cú giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này vào năm 1998. Mở đầu phiên giao dịch, dưới tác động tức thời của việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% vào đêm trước đó, tỷ giá đồng ruble tăng vọt 10% so với đồng USD. Tuy vậy, sự hồi phục này bị đảo ngược ngay sau đó, và đồng ruble liên tục thiết lập thêm những mức tỷ giá thấp kỷ lục mới.

Những ông lớn chịu đòn nếu kinh tế Nga suy sụpHình ảnh nước Nga rơi vào khủng hoảng tiền tệ những năm 1990. Ảnh: Moscow Times

Điều này khiến nhiều người nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998 khi đồng ruble suy sụp chỉ trong vòng vài ngày, khiến Nga rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu. Hiện tại, sức khỏe tài chính công và dự trữ ngoại hối của Nga đều mạnh hơn năm 1998, tuy vậy, giới phân tích vẫn cho rằng Nga đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện.

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Sergei Shvetsov cho biết, cơ quan này sẽ áp dụng thêm biện pháp để ổn định thị trường tiền tệ. “Nếu việc tăng lãi suất như vậy không gây được ấn tượng với thị trường, thì Ngân hàng Trung ương chỉ còn cách can thiệp bằng cách bán ra 10 tỷ USD mỗi ngày, ngày nào cũng bán”, chuyên gia kinh tế trưởng Natalia Orlova của ngân hàng Alfa Bank nhận xét.

Trong khi đó, Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Obama nhận định: “Nếu tôi là cố vấn kinh tế của ông Putin, tôi sẽ cực kì lo lắng trước tình hình này. Đây là tình hình kinh tế nghiêm trọng mà phần lớn bắt nguồn từ chính quyết định của họ và hậu quả của việc đi ngược lại các quy tắc quốc tế”.

Ông Furman cũng không quên nói rằng, Mỹ sẽ hành động rất hạn chế trước tình hình khủng hoảng đồng rúp Nga, bởi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Nga chỉ chiếm 1/10 của 1/100 tổng sản phẩm quốc nội Mỹ.

Các nhà quan sát nhận định, đồng ruble mất giá mạnh là một “bài kiểm tra” lớn đối với ông Putin bởi sự ủng hộ của người dân Nga đối với người đứng đầu điện Kremlin một phần phụ thuộc vào uy tín của ông trong vấn đề bảo vệ sự thịnh vượng và ổn định của đất nước.

Tuệ Minh (theo CNN, Reuters, FT)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news