Tin mới

Những vụ vỡ đập thủy điện thảm khốc nhất thế giới, hậu quả khiến ai cũng phải rùng mình

Thứ tư, 25/07/2018, 10:21 (GMT+7)

Sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Nam Lào vào lúc 20h ngày 23/7/2018 là một trong nhiều thảm họa kinh hoàng trên thế giới.

Sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Nam Lào vào lúc 20h ngày 23/7/2018 là một trong nhiều thảm họa kinh hoàng trên thế giới.

VietNamNet đưa tin, vụ vỡ đập đã gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản ở huyện Sanamxay bị ngập hoàn toàn, gồm bản May, bản Hinlath, bản Nhaythe Sanong Tay, bản Thaxengchan, bản Thahin, trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 bị ảnh hưởng.

Dân làng trú trên mái nha sau khi đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu của Lào bị vỡ tối 23.7

Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại do đường sá đi lại rất khó khăn. Ban cứu hộ trung ương đang phối hợp với cơ quan các tỉnh Xekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ, tiếp tế lương thực thực phẩm... Nguyên nhân vỡ đập được cho là do mưa lớn trong nhiều ngày.

Trước vụ vỡ đập thủy điện ở Lào vừa diễn ra vào ngày 23.7.2018, đã có nhiều vụ vỡ đập khủng khiếp xảy ra trên thế giới.

Năm 1802, cơn mưa lớn lịch sử tại Tây Ban Nha đã khiến con đập Pantano de Puentes nằm ở vùng Lorca không chịu nổi sức nước và vỡ tràn khiến ít nhất 608 người thiệt mạng. Hàng ngàn m 3 nước đổ ập xuống khu dân cư và ảnh hưởng tới 1.800 ngôi nhà và hơn 40.000 cây cối.

Con đập Pantano de Puentes.

Tại Mỹ, vụ vỡ đập South Fork xảy ra năm 1889 đã đi vào lịch sử nền kinh tế số 1 thế giới với 2.209 người thiệt mạng. Trước khi “thảm họa” xảy ra, con đập ở bang Pennsylvania liên tục được cảnh báo rò rỉ nước ở nhiều chỗ nhưng các kỹ sư… không thể vá xuể.

Vụ vỡ đập South Fork khiến 2.209 người chết đã đi vào lịch sử.

 

Và chuyện gì tới cũng phải tới, khi lượng mưa vào tháng 5/1889 vượt quá sức chứa của hồ thủy điện này, 20 tấn nước đã khiến đập South Fork đổ sập và gây thiệt hại ít nhất 17 triệu USD, đồng thời khiến 2.209 người chết.

Sự cố vỡ đập thủy điện Bản Kiều là một trong những sự cố vỡ đập lớn nhất trong lịch sử thế giới. Trung Quốc gọi đây là “sự cố 75.8” (vụ vỡ đập xảy ra vào tháng 8/1975).

Công trình thủy điện Bản Kiều được xây dựng năm 1952 trên sông Hoài Nam, tỉnh Hà Nam là một trong những thủy điện quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc.

Hình ảnh đập thủy điện Bản Kiều năm 1975

Đầu tháng 8/1975, siêu bão Nina đổ bộ vào Trung Quốc (đây là một trong năm siêu bão gây thiệt hại lớn nhất thế giới), lượng mưa đo được trong ba ngày lên đến 1605,3 mm.

Sự cố vỡ đập thủy điện Bản Kiều xảy ra vào ngày 7/8.  Khi đó, lượng nước trong hồ thủy điện là 697 triệu mét khối, lưu lượng xả nước lên đến 13.000m/giây.

Một tấm bia lớn phía trước nhà máy thủy điện Bản Kiều

Sự cố “75.8” xếp thứ 3 trong số những vụ vỡ đập lớn nhất thế giới. Sự cố này cũng đã phá hủy một nguồn năng lượng khổng lồ đang cung cấp cho Trung Quốc. 

Theo báo cáo của cơ quan thủy văn tỉnh Hà Nam, sự cố “75.8” đã khiến gần 170.000 người thiệt mạng, trong đó 26.000 người chết trong lũ, số còn lại thiệt mạng do dịch bệnh và nạn đói.

Thêm vào đó, khoảng 11 triệu dân trở nên vô gia cư khi hơn 5 triệu ngôi nhà bị phá hủy. Sự cố kinh hoàng đã đòi hỏi chính quyền Trung Quốc phải tâp trung cao độ vào việc sửa chữa những con đập có nguy cơ bị vỡ.

Đập vòm Gleno nhiều tầng tại Ytalia bị vỡ. Ngày 1/12/1923: Một phần của đập vòm Gleno nhiều tầng được xây dựng trên sông Gleno ở Valle di Scalve, Italy bị vỡ chỉ sau 40 ngày sau khi nước được chứa đầy phần lòng hồ, làm 356 người thiệt mạng. 

Đập sau khi nó bị vỡ vào năm 1923

Khi sự cố xảy ra, những nỗ lực khắc phục đã hoàn toàn thất bại. Một lượng nước khoảng 4,5 triệu m3 đã tràn ra từ độ cao 1.535m xuống vùng thung lũng phía dưới. Thảm họa chỉ ngừng lại khi mực nước chỉ còn 186m.

Mặt ngược dòng của đập năm 2006

Theo những điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố của đập Gleno phần nhiều là do chủ quan. Việc thiếu kinh phí đã làm các nhà thầu thay đổi thiết kế và thiết kế mới đã không phù hợp với loại móng được thi công từ trước. Ngoài ra, tay nghề công nhân kém và những sai phạm trong sử dụng vật liệu như dùng lưới chống lựu đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất làm để gia cố các phần của công trình cũng như sử dụng bê tông kém chất lượng đã dẫn đến thảm họa.

Đập Machchu - 2 nằm trên sông Machhu, Morbi, Ấn Độ bị vỡ vào ngày 11/8/1979, tạo ra một bức tường nước khổng lồ, quét qua thị trấn Morbi gây ra thiệt hại rất lớn khi số người thiệt mạng lên đến 25.000 người.

Đập thủy điện Machhu II sau sự cố

Nguyên nhân của sự cố là những trận mưa lớn ở đầu nguồn, làm con đập đắp bằng đất dài 4km bị tan rã. Khả năng thiết kế của đập chỉ chịu được lưu lượng 5.663 m3/s trong khi trận mưa lớn năm đó làm lưu lượng lên đến 16.307 m3/s, gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình.

Thi thể nạn nhân vụ vỡ đập Machhu II chờ xe tải chở đi thiêu 

Trong vòng 20 phút, nước lũ đã dâng từ 3,7 lên 9,1m, nhấn chìm toàn bộ thị trấn công nghiệp Morbi nằm sau con đập 5 km. Trong quá trình tái xây dựng, con đập mới đã được tăng cường khả năng chịu đựng với lưu lượng lên đến 21.000 m3/s.

Vào tháng 4.1986, một đập thủy lợi bị vỡ tại thị trấn Kantalai, khiến gần 120 người chết và mất tích, theo con số chính thức do giới chức công bố. Trong khi đó, Hội chữ Thập đỏ đưa ra con số tử vong là 2.500 người.

Ngày 6/11/1977: Mưa lớn đã khiến đập thủy điện Kelly Barnes, một đập đắp bằng đất ở bang Georgia, Mỹ, bị vỡ làm 39 người thiệt mạng và thiệt hại về tài sản lên đến 3,8 triệu USD.

Ngày 6/11/1977, mưa lớn đã khiến đập thủy điện Kelly Barnes bị vỡ.

Theo điều tra sau đó, nguyên nhân dẫn đến sự cố là khi xây dựng các kĩ sư đã tính toán sai về độ dốc mái đập. Điều này đã làm thay đổi trọng tâm và khả năng chịu lực của con đập trong điều kiện trời mưa lớn. Con đập này đã không bao giờ được xây dựng lại và tại nơi xảy ra sự cố người ta đã xây dựng một đài tưởng niệm để thu hút khách du lịch.

Trang Vũ (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news