Tin mới

Nữ MC khiếm thị dẫn bản tin trực tiếp trên VTV3 và những chuyện chưa kể: "Mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng"

Thứ tư, 25/07/2018, 10:51 (GMT+7)

Người ta hay nói, người khuyết tật là một ngọn nến cong. Nhưng giữa một ngọn nến cong và một ngọn nến thẳng, điểm chung của chúng là đều toả sáng. Có thể chặng đường để Giang đứng lên sân khấu với vai trò MC còn rất dài và cả những thử thách, nhưng với nụ cười tươi, cô sẽ truyền được cho mọi người niềm vui, sự lạc quan.

Người ta hay nói, người khuyết tật là một ngọn nến cong. Nhưng giữa một ngọn nến cong và một ngọn nến thẳng, điểm chung của chúng là đều toả sáng. Có thể chặng đường để Giang đứng lên sân khấu với vai trò MC còn rất dài và cả những thử thách, nhưng với nụ cười tươi, cô sẽ truyền được cho mọi người niềm vui, sự lạc quan.

Hương Giang mò mẫm bước về phía cổng trường sau giờ tan học. Khung cảnh nhốn nháo khiến cô vô tình va phải bác bán hàng rong bên đường rồi té ngã. Người phụ nữ bực mình quay lại quát tháo: "Mù à!!!"

Về nhà, Giang đóng cửa ngồi một mình trong phòng.

"Cái từ mình không thích nhất chính là từ "mù". Khi người ta sử dụng từ "mù" thường sẽ nói theo cách miệt thị. Có vẻ người mù, người khiếm thị thường đi kèm với định kiến ngu dốt và đói nghèo. Cuộc sống hàng ngày của mình cũng như những người mắt sáng khác thôi, mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng.

Ta làm được khi ta tin mình có thể!".

Ngày 21/7 vừa qua, Chương trình đặc biệt Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 (phiên bản WeTalk số tháng 7) dành để bàn về những câu chuyện giữa ranh giới "có thể" và "không thể". Và cũng bởi lẽ đó, cuộc sống này luôn tồn tại 2 mảng màu khác nhau. Có những người đủ bản lĩnh và can đảm vượt qua ranh giới để đi tiếp trên đường đời. Nhưng cũng có những số phận chấp nhận dừng lại. Họ chọn cách đầu hàng và buông xuôi tất cả.

Điểm khác biệt lớn nhất là từ đâu?

Một trong những điều quan trọng nhất, là những người lạc quan luôn tin vào sức mạnh nội tại của chính mình. Nếu chúng ta có đủ niềm tin và mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, thì chúng ta sẽ có được điều gì? Là sự trường thành và cái tôi được tôi luyện đủ chín chắn. Đó là một nguồn cảm hứng bất tận cho những ai đang phân vân giữa "có thể" và "không thể".

Nữ MC khiếm thị dẫn bản tin trực tiếp trên VTV3 và những chuyện chưa kể: Mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng - Ảnh 1.

Lê Hương Giang - nữ MC khiếm thị đầu tiên dẫn bản tin trực tiếp trong chương trình "Cafe sáng với VTV3".

"Giang à, bạn không giống một người khiếm thị"

Lê Hương Giang (SN 1995) là một cô gái khiếm thị từ năm 12 tuổi. Năm lớp 6, một căn bệnh về mắt đã cướp đi cơ hội được ngắm nhìn cuộc sống của cô. Một khoảng thời gian khi mọi thứ bắt đầy chìm hẳn vào bóng tối, Giang từng nghĩ: Ngày mai, cuộc đời mình rồi sẽ ra sao?

Thị lực không còn, điều đáng sợ lúc này không phải là bóng tối, mà chính là việc bản thân bị cô lập với xã hội. "Mình sẽ kết nối với mọi người như thế nào?" - Giang đã từng nghĩ rất nhiều về câu hỏi này, và trốn vào một góc nghe mọi người xung quanh chuyện trò. Cô ước, giá như có ai đó quay lại nhìn mình hay tuyệt vời hơn là cười với mình một cái. Nhưng thời điểm đó, đến ước mơ giản đơn kia thôi cũng là điều gì đó quá xa xỉ.

Giang bắt đầu làm quen với những người bạn khiếm thị, và chính họ là người đã hướng dẫn cô làm quen với bóng tối. Cách di chuyển bước chân để không bị vấp ngã, làm thế nào để tự phục vụ bản thân, cuộc sống độc lập mà không cần hỗ trợ quá nhiều sẽ được hoạch định như nào. Giang dần học từng bước một để trở thành một người khiếm thị thông thái và linh hoạt.

Nữ MC khiếm thị dẫn bản tin trực tiếp trên VTV3 và những chuyện chưa kể: Mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng - Ảnh 2.

Hương Giang bước ra sân khấu của chương trình đặc biệt Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 (phiên bản WeTalk số tháng 7) với sự giúp đỡ của một người bạn.

Cuộc sống của một người thiếu sáng khó khăn và chật vật, ấy là suy nghĩ trong mắt của những người vốn quen với ánh sáng như chúng ta. Nhưng Giang không nghĩ thế! Đón nhận mọi thứ bằng tâm thế bình thản, Giang chia sẻ cuộc sống của cô bình thường như bao người khác.

"Một ngày bình thường của mình bắt đầu từ 6h sáng và sẽ kết thúc vào khoảng 11, 12h đêm. Ngoài đi học ra, mình còn dạy kĩ năng sống, tham vấn tâm lý cho trẻ khuyết tật".

Ngày trước mỗi lần cầm dao cắt hoa quả, ngón tay Giang cứ thế chảy máu liên tục vì những lần đưa dao không chuẩn xác. Lên lớp 8, lớp 9, Giang hoàn toàn tự chủ trong mọi hoạt động của mình. Và bố mẹ hoàn toàn yên tâm khi để cô con gái một mình đi xe buýt đến trường hoặc tham gia các hoạt động ngoại khoá khác.

Có rất nhiều người nói với Giang, rằng cô không giống một người khiếm thị.

"Chị ơi, có phải chị nói dối không? Chắc chắn chị nhìn thấy mà chị giả vờ không nhìn thấy" - một cô bé cùng trường đã thốt lên đầy sững sờ khi gặp Giang. Với bề ngoài của mình, Giang không giống một người thiếu sáng chút nào. Cô linh hoạt, năng động, luôn giữ trên môi nụ cười tươi và đặc biệt là đôi mắt sáng, trong veo.

Những người khiếm thị thường mang nỗi mặc cảm khá lớn mỗi khi giao tiếp. Bởi thế họ thường tìm cách cúi đầu xuống hoặc ngửa đầu lên, nghiêng tai sang một bên. Tuy nhiên, khi học hoà nhập, mọi người nói với Giang hãy cứ nhìn thẳng mặt người đối diện cho dù không đủ chuẩn xác, nhưng để thể hiện sự tự tin và khát khao của mình. Từ đó cô tập nhìn về phía phát ra âm thanh.

Nữ MC khiếm thị dẫn bản tin trực tiếp trên VTV3 và những chuyện chưa kể: Mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng - Ảnh 3.

Nụ cười tươi và đôi mắt trong veo là tài sản quý giá nhất với Giang.

"Có những người khuyết tật nói rằng, cuộc của họ đã thay đổi từ sau những phóng sự của mình"

Có người nghĩ người khiếm thị sẽ đi hát rong, xoa bóp bấm huyệt và thậm chí làm... thầy bói! Thực ra công việc nào cũng đáng trân trọng, nhưng Giang là một cô bé nhiều ước mơ và hoài bão. Khiếm khuyết về mắt nhưng Giang còn cả một trái tim cháy khát với niềm đam mê đáng trân trọng: đấy chính là được trở thành một nữ MC tài năng và xinh đẹp. Giang thấy có duyên với công việc này, thực sự rất vui và phấn khích.

"Khi mình đi thực tập, mình đến đó và mọi người lúc đầu rất tươi cười với mình. Họ vẫn nói rằng: "Ừm, em có thể làm được!" nhưng thực tế khi bắt tay vào công việc, mình không được giao việc gì cả".

Lần đầu tiên được làm MC cho một chương trình truyền hình thực tế, Giang rất run và không biết mình phải đứng với tư thế như nào, cầm máy ghi âm làm sao để tránh tiếng gió, tiếng tạp âm. Cũng có những lúc đi lấy tin nhanh, Giang nhảy nhầm xe buýt. Và cả những điều tưởng như ngớ ngẩn khi lỡ quên bấm nút ghi âm, nhưng với Giang mọi chuyện thật hạnh phúc!

"Rất nhiều sự cố đã xảy ra nhưng đó là một cảm giác hạnh phúc khi mình được làm những công việc giống như người bình thường. Khi dẫn chương trình cảm giác như mình là một người kết nối, kết nối những câu chuyện, kết nối những điều tốt đẹp.

Có những người khuyết tật nói rằng, cuộc của họ đã thay đổi từ sau những phóng sự của mình".

Nữ MC khiếm thị dẫn bản tin trực tiếp trên VTV3 và những chuyện chưa kể: Mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng - Ảnh 4.

Giang thích gấu bông nhiều lắm. Nếu là quà người yêu tặng, vui thì Giang sẽ để ôm, còn buồn buồn thì... kê chân!

Năm 2016, Giang tham gia cuộc thi "The Next MC" do Thành đoàn kết hợp với CLB MC Hà Nội tổ chức và xuất sắc giành giải nhất. Trước đó gần 1 năm ròng rã đi casting nhiều nơi nhưng không thu được kết quả gì, Giang từng nghĩ: Phải chăng mình không có duyên với nghề MC? Sau bao nỗ lực, cả những tủi hổ về vẻ ngoài và thiếu kinh nghiệm, giải thưởng quán quân là trái ngọt dành riêng cho Giang, cũng là bước đệm để cô phấn đấu trở thành MC truyền hình.

"Khi một cánh cửa khép lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra, đó là chương tình The Next MC. Chưa bao giờ mình nghĩ có ngày sẽ được đứng trên sân khấu với vai trò MC".

Tháng 9 năm 2017, Giang nhận được một dòng tin nhắn rất đặc biệt từ một chị biên tập viên của VTV4: "Hương Giang, em có muốn trờ thành MC của chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp không?".

Lần đầu tiên, chương trình phải quay đi quay lại 10 lần, 5 lần đầu chỉnh chân, 5 lầu sau chỉnh tay cho Giang. Giang buồn chứ, vì cô sợ ảnh hưởng tới công việc chung của cả đoàn. Nhưng khi đó, các chú quay phim đã thủ thỉ với Giang: "Nếu sai thì mình làm lại, không phải sợ gì cả!".

Có một vài người từng hỏi Hương Giang, liệu một chương trình sinh ra dành cho người khiếm thị thì sẽ tốt hơn cho Giang không? Nhưng thực sự đấy không phải là điều cô mong muốn. Một trong những điều kiện cần cho việc kết nối, hoà nhập cộng đồng chính là khi chúng ta cùng làm một công việc, cùng hướng đến một mục tiêu, chỉ là cách thức khác nhau thôi. Những bạn khuyết tật mạnh mẽ như Giang đều tự khẳng định với chính bản thân: Mình có thể làm được và thậm chí còn làm rất tốt!

Lời nói dối ngọt ngào của chương trình "Điều ước thứ 7"

Hương Giang tiết lộ, cô bị các anh chị trong ekip thực hiện "Điều ước thứ 7"... lừa! Đặc biệt, đó còn là một chuỗi những lời nói dối và những lời nói ấy rất ngọt ngào. Các anh chị đã gọi cho Giang với mong muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn cho chương trình "Cafe sáng với VTV3". Mới đầu Giang cũng có ý từ chối vì đang ở nhà và không có hoạt động gì đặc biệt. Thế nhưng với sự thuyết phục từ những người làm chương trình, Giang đã đồng ý để các anh chị đến nhà và quay lại cuộc sống của cô trong vài ngày.

"Mọi người bảo vì câu chuyện của mình hấp dẫn nên phải quay dài để biên tập còn khoảng 7 phút, nên mình cũng không nghi ngờ gì. Khi được gọi đến trường quay mình vẫn đến thôi, mình vẫn nghĩ là mình quay chương trình "Cafe sáng với VTV3" hoặc một chương trình nào đó khác.

Phải đến tận khi anh Lê Anh hỏi mình có hay xem VTV3 không, có thấy những gì đang diễn ra giống với một chương trình nào đó không, mình mới bật ra suy nghĩ "Ồ điều ước thứ 7". Đến tận lúc đó mình mới biết mình bị lừa".

Nữ MC khiếm thị dẫn bản tin trực tiếp trên VTV3 và những chuyện chưa kể: Mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng - Ảnh 5.

Cô gái bé nhỏ giữa sân khấu rực sáng của chính mình. Ở Giang toát lên sự tự tin và bản lĩnh.

Lần đầu tiên được dẫn sóng trực tiếp Giang rất run. Người cô run lên, chỉ nói được một nửa rồi không biết phải nói gì nữa. Khi dẫn talkshow hay hiện trường, Giang đã có kinh nghiệm, nhưng dẫn bản tin thì không có kịch bản sớm, nên cô phải làm quen với kịch bản rất là nhanh. Có rất nhiều sự cố trong buổi lên sóng hôm đó, nhưng Giang nhớ nhất là nụ cười của anh Lê Anh.

"Khi mình cảm thấy lo sợ nhất, mình quay sang nhìn anh rất cầu cứu. Điều duy nhất anh Lê Anh làm, là nhìn về phía mình và mỉm cười".

Có một bí mật khá thú vị, là Giang rất thích làm gốm và đam mê môn nghệ thuật này. Điều đặc biệt trong từng sản phẩm của cô là những lỗ hổng mà cô gọi là những ô cửa sổ hứng ánh sáng. Dù là một chiếc cốc hay chiếc bình hoa, đều sẽ có một ô cửa dù to dù bé. Việc làm gốm đối với Giang là một cách bày tỏ cảm xúc, thể hiện sự tưởng tượng về thế giới xung quanh. Cảm giác cầm một miếng đất trong tay rồi vo viên nó, nhiều người không hiểu Giang đang làm gì, nhưng mà đấy chính là cách cô nhìn nhận thế giới.

"Thầy giáo muốn bọn mình hoàn thành miếng ghép nhỏ của cuộc sống để hoàn thành miếng ghép của cuộc đời cho dù cuộc đời có cả những mảng sáng và cả những mảng tối. Mình sẽ vẽ lên những bức tranh tưoi sáng hơn cho cuộc sống của mình".

- "Bạn tưởng tượng bầu trời như nào?

- Với mình, nó như một hàng rào nhưng nó ở trên cao".

Khiếm khuyết không phải một điều gì đó quá to lớn, Hương Giang vẫn có thể lắng nghe, đôi chân vẫn có thể đi đến những nơi mình mong muốn, đôi tay vẫn có thể dang rộng ôm lấy người thương yêu. Đó là những điều quá đỗi tuyệt vời!

Nữ MC khiếm thị dẫn bản tin trực tiếp trên VTV3 và những chuyện chưa kể: Mình cứ thử rồi sai, rồi lại thử cho đến khi nào đúng - Ảnh 6.

Giang tin, một ngày nào nó cô sẽ được công chúng đón nhận. Với sức trẻ và sự nhiệt huyết, cô sẽ truyền được cho mọi người niềm vui, sự lạc quan và niềm tin yêu trong cuộc sống.

Những người bạn đến với Giang không phải vì cô là người khuyết tật. Họ không đến để trợ giúp Giang. Họ như những người bạn cùng học cùng chơi, cùng làm nhiều thứ, cùng nhau đi đến nhiều nơi. Họ giúp Giang tìm tòi mọi thứ xung quanh. Đó là mối quan hệ 2 chiều, mà như chúng ta dễ dàng nhận ra, Giang không tạo cảm giác cô là người khuyết tật. Cô rất tự nhiên và tự tin vào chính mình.

Có những lúc, mọi người như quên mất Giang là người khiếm thị, họ coi Giang là một người bạn bình thường.

Chưa bao giờ Hương Giang nghĩ đến việc dừng chân và không thể bước tiếp. Trong khi những người bình thường có quá nhiều sự lựa chọn đến nỗi họ chẳng biết lựa chọn cái nào, thì Giang chỉ có hai:

Một là đóng cửa lại, chỉ sống với nỗi lo lắng và buồn bã.

Hai là phải bước tiếp về phía trước và vượt qua mọi thử thách.

"Mình muốn có nhiều bạn hơn, sống lạc quan hơn nên chỉ có thể bước về phía trước. Mình chưa bao giờ dừng lại cả. Các bạn thường hỏi mình có làm được điều này, điều kia không? Thật khó để trả lời ngay lập tức. Chỉ khi mình bắt tay vào làm mình mới biết được".

Người ta hay nói, người khuyết tật là một ngọn nến cong. Nhưng giữa một ngọn nến cong và một ngọn nến thẳng, điểm chung của chúng là đều toả sáng. Có thể chặng đường để Giang đứng lên sân khấu với vai trò MC còn rất dài và cả những thử thách, nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, một ngày nào đó Giang sẽ được khán giả đón nhận.

"Hy vọng, ngày hôm đó với nụ cười tươi, mình sẽ truyền được cho mọi người niềm vui, sự lạc quan và niềm tin yêu trong cuộc sống. Khi bạn chưa thực hiện được ước mơ thì hãy giúp những người khác thực hiện ước mơ của họ".

Theo Minh Nhân - Ảnh Mai Lân/Afamily/Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news