Tin mới

Nước mắt người đàn bà sau 24 năm bị bán đi Trung Quốc

Thứ sáu, 15/05/2015, 08:42 (GMT+7)

Bẵng đi nhiều năm, anh Hùng đã lớn, biết chuyện mẹ mất tích nên nhiều lần đi tìm. Anh chẳng thể ngờ, người mẹ của anh đã 24 năm tủi nhục vì bị bán đi Trung Quốc...

Bẵng đi nhiều năm, anh Hùng đã lớn, biết chuyện mẹ mất tích nên nhiều lần đi tìm. Anh chẳng thể ngờ, người mẹ của anh đã 24 năm tủi nhục vì bị bán đi Trung Quốc...

Khi anh Nguyễn Văn Hùng (con trai cả bà Đào) đã lớn, biết chuyện mẹ mất tích nên nhiều lần đi tìm. Anh về quê ngoại hỏi nhưng mọi người đều nói mẹ không về. Thời gian ấy, nhiều người trong họ nội nói với anh rằng, mẹ đã mất tích như thế và lành ít dữ nhiều nên gia đình hãy lấy ngày mẹ bỏ đi làm ngày giỗ. Tuy nhiên, bằng linh cảm của người con, anh Hùng không tin mẹ đã mất nên quyết định không lập bàn thờ mẹ...

Mẹ mất tích, họ hàng khuyên lập bàn thờ

Bà Nguyễn Thị Đào (SN 1956) vốn quê gốc ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, lập nghiệp tại nông trường Chè Bắc Sơn (thị trấn Bắc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Sau đó, bà quen biết và xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1958), người thị trấn Bắc Sơn. Sống với nhau được khoảng chục năm, ông Vinh dần thay tính đổi nết và “phải lòng” một cô gái địa phương. Thấy chồng như vậy, bà Đào nhỏ to khuyên can nhưng ông Vinh không tỉnh ngộ. Đáp lại là những trận đòn không thương tiếc đến với bà, khiến tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách. Không biết phải làm sao, bà Đào đành phải chấp nhận, một mình làm việc nuôi dạy ba con.

Bà Đào tâm sự với PV về câu chuyện buồn của mình.

Những tưởng, sự oan nghiệt của tạo hóa đã tránh xa gia đình mình, nhưng một thời gian sau, do làm ăn không hiệu quả, nông trường chè giải thể. Bà Đào bị nghỉ việc, ông Vinh cũng vậy. Ở nhà, không có việc làm, lại phải lo cái ăn, cái mặc cho ba đứa con thơ khiến tình cảnh của bà Đào vô cùng khó khăn. Bà Đào kể, đầu hè năm 1991, trong một lần theo đám bạn đi hái chè thuê tại gia đình nhà bà Cúc, người cùng xã Phúc Thuận, bà được một người phụ nữ tên Mùi (người Hải Dương) bắt chuyện.

Biết hoàn cảnh khốn khó của bà, người phụ nữ kia nói: “Biết hoàn cảnh của em khó khăn, chị thương lắm. Giờ, chị đang đi tìm người sang Trung Quốc chặt mía, tiền công khá lắm. Đi chỉ khoảng dăm bữa nửa tháng là về và em có một số vốn mà làm ăn”. Người phụ nữ đó còn vẽ ra một viễn cảnh công việc với thu nhập khá khiến bà Đào rất háo hức. Trong suy nghĩ của bà lúc bấy giờ, bà chỉ đi khoảng một tháng, kiếm tiền về mua lấy cặp lợn giống. Thấy bà Mùi nói chắc như đinh đóng cột về công việc cũng như thu nhập, bà Đào đã đồng ý đi cùng sang Trung Quốc.

Khi sang đến Trung Quốc, bà Mùi nói với bà Đào: “Em ở đây đợi chị đi kiếm việc làm. Đến chiều, chị quay lại dẫn em đi làm nhé”. Và rồi, bà Mùi một đi không trở lại. Về phía bà Đào, vẫn tin tưởng trông ngóng “chị tốt” đi tìm việc làm cho mình, nhưng đợi mãi không thấy bà Mùi quay lại nên cũng lo lắng. Nơi đất khách quê người, không thông thuộc địa hình, không biết tiếng, bà Đào chỉ biết ôm mặt khóc trong tuyệt vọng. Người đàn ông Trung Quốc tiến đến cho bà Đào biết là bà đã bị bán để làm vợ ông ta.

Nghe được tin này, bà Đào như chết lặng, tai ù đi, bà khóc không thành tiếng. Cũng từ đây, chuỗi ngày đau buồn, tủi nhục của người phụ nữ ba con bắt đầu. "Khi bị bán, tôi cũng không biết mình đang ở đâu của Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là một nơi xa xôi và nghèo. Người mua tôi nói, “mày không có đường về Việt Nam đâu. Ở lại đây làm việc vài năm, tao cho về”. Lúc này cũng biết phải tin bấu víu vào nên tôi nghe người đàn ông Trung Quốc nói vậy, đành cắn răng chịu đựng. Công việc theo mùa, khi thì đi chặt mía, khi thì làm nông nghiệp, dọn dẹp nhà cửa...", bà Đào tâm sự.

Khi ở nhà người đàn ông này, bà Đào bị nhốt vào một căn phòng gần đó, ngày thì đi làm, đêm về và bị cấm không được đi đâu. Mọi sinh hoạt chỉ nằm trong không gian chật hẹp đó... Bà bị tra tấn, hành hung không chỉ về thể xác mà cả tinh thần. Trong khoảng 5 năm bị nhốt ở đây, bà Đào đã có con với người đàn ông này. Bẵng đi một thời gian, bà Đào gặp một người phụ nữ Việt Nam.

"Người phụ nữ này tỏ ra “thông cảm” với hoàn cảnh của tôi và khuyên tôi nên đi cùng để trốn về Việt Nam. Trước những lời nói đúng với “tâm sự” thầm kín bấy lâu của mình, tôi đã mụ mị nghe theo. Khoảng năm 1996, tôi đã trốn khỏi nhà “chồng hờ” để theo người phụ nữ kia. Không ngờ khi đi đến Quảng Đông (Trung Quốc) thì lại bị người đàn bà mới quen “bán” cho một người đàn ông Trung Quốc khác tên Hà Duy Trung...”, bà Đào kể lại.

Lần này, sức khỏe giảm sút, bà Đào cũng đã ngoài 40, công việc chính là trông nom, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc một số đứa cháu cho người đàn ông này. Trong suy nghĩ của mình, bà Đào những tưởng, mình vĩnh viễn không có cơ hội về Việt Nam gặp mặt các con nữa.

Mẹ chồng con dâu không nhận ra nhau

Làm việc trong gia đình người đàn ông Trung Quốc mới này được 10 năm, sức khỏe bà Đào giảm sút nhiều. "Họ không giữ tôi trong nhà nữa, nhưng lúc này trong người không có tiền, sức khỏe yếu, lại không biết đường đi lối lại nên tôi không về Việt Nam được...", bà Đào cho biết.
   

Bà Đào hiện đang đoàn tụ cùng gia đình con trai.

Trong khoảng thời gian này, có một số người Việt Nam trong cộng đồng địa phương ở đó, trong đó có người tên Phượng quý mến, có ý định giúp đỡ nhưng vì đã hai lần bị lừa bán nên bà Đào rất cảnh giác. Chị Phượng thực sự là người tốt, đã xin cho bà vào làm thêm tại trung tâm Chăm sóc người cao tuổi tại địa phương đó. Dù rằng, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày nên chưa thể tích cóp lộ phí để tìm đường về quê.

Ngồi trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1976), con dâu bà Đào nhớ lại, năm 1998, chị lấy anh Nguyễn Văn Hùng (con trai cả bà Đào) và được kể lại câu chuyện mẹ chồng mất tích. Khi đó, gia đình nhà chồng cũng đã tỏa đi tìm nhiều nơi, về cả quê ở Ý Yên (Nam Định) dò hỏi nhưng không ai biết thông tin gì. Ngày đó, nhiều người trong gia đình cũng đồn đoán rằng, bà Đào bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc, tuy nhiên không có chứng cứ và điều kiện kinh tế nên chẳng ai đi tìm. Nhiều người trong dòng họ có nói với anh Hùng rằng, bà đã đi biệt tích như thế, lành ít dữ nhiều, nên lấy ngày bà bỏ đi làm ngày giỗ. Tuy nhiên, khi đó bằng linh cảm của người con, anh Hùng không tin mẹ đã mất nên đã quyết định không lập bàn thờ mẹ.

Thế rồi một ngày cuối tháng 11/2014, khi đang ở nhà thì có một thanh niên tên Nguyên (người Bắc Giang) đi xe máy tới tìm. Anh Nguyên cho biết, khi làm việc bên Trung Quốc, gặp và được bà Đào kể về cuộc đời tha hương của mình. Sau đó, bà Đào có nhờ anh về Việt Nam thì nhắn tin tới gia đình.

Chị Thúy liền thông báo tin tức cho chồng đang làm việc bên Đài Loan và anh em trong gia đình biết. Và những cuộc điện thoại đường dài từ Việt Nam sang Trung Quốc hỏi thăm, nắm bắt thông tin cũng như lên kế hoạch đưa bà Đào về Việt Nam đã được thực hiện từ thời điểm đó. Biết được tất cả các thông tin về bà Đào, người thân ở Việt Nam muốn đón bà về ngay, nhưng bà nói, việc đi lại bây giờ chưa tiện, để bà sắp xếp thời gian. Khi nào điều kiện cho phép, bà sẽ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Nhớ lại buổi đoàn viên với mẹ chồng, chị Thúy cho biết, hôm đó, chị cùng với hai người thím lên bến xe Thái Nguyên đón bà Đào. Do không biết mặt mẹ chồng nên khi giáp mặt, hai người không nhận ra nhau. Chỉ khi hai người em dâu hỏi han bà Đào và khẳng định đúng thì cả bốn mới ôm chầm lấy nhau thổn thức. Đó là ngày 28/4, ngày mà bà Đào như được sinh ra lần thứ hai. Sau 24 năm xa cách quê hương, bà Đào đã trở về đoàn viên cùng gia đình.

Thế nhưng, sau ngần ấy năm xa cách, quê nhà có nhiều đổi thay. Mẹ mất tích, bố thì theo dì hai, không quan tâm chăm sóc ba đứa con thơ nên cuộc sống hàng ngày của ba anh em Hùng nhờ cả vào bà nội già và anh em họ hàng. Cuộc sống thiếu sự quan tâm của bố, sự chăm sóc của mẹ khiến hai người con Nguyễn Văn Hiếu (SN 1979), Nguyễn Văn Hậu (SN 1981) không đủ bản lĩnh sống, “dính” vào nghiện ngập và đều chết vì căn bệnh thế kỷ – HIV/AIDS.

 

Chính quyền địa phương hết sức tạo điều kiện

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Công an xã Phúc Thuận cho biết, ngay sau khi trở về địa phương, bà Đào đã làm đơn trình báo việc mình bị lừa bán sang Trung Quốc cách đây 24 năm. Công an xã đã tiến hành lập hồ sơ báo cáo lên Công an huyện Phổ Yên. Ngoài ra, phía công an xã cũng báo cáo trường hợp này lên phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phổ Yên và chương trình chống buôn bán người của tỉnh Thái Nguyên để họ có biện pháp hỗ trợ cho bà Đào.

   

Dương Phạm – Quang Sơn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news