Tin mới

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể bảo toàn tài sản sau ly hôn nếu có bản hợp đồng này

Thứ năm, 25/04/2019, 06:10 (GMT+7)

Từ vụ ly hôn với việc phân chia cả nghìn tỷ đồng của 2 vợ chồng ông chủ Trung Nguyên, có lẽ nhiều doanh nhân nên học tập Donald Trump với bản hợp đồng tiền hôn nhân.

Câu chuyện về vụ án ly hôn nổi tiếng của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo luôn được dư luận quan tâm bởi số tài sản phân chia của hai vợ chồng quá lớn.

Theo đó, chiều ngày 27/3, TAND TP. HCM đã tuyên án vụ ly hôn nghìn tỉ giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và Đặng Lê Nguyên Vũ. Theo quyết định của tòa án, ông Vũ vẫn là người điều hành tập đoàn Trung Nguyên với tỉ lệ 60/40, số cổ phần còn lại ở Trung Nguyên của bà Thảo được chuyển đổi thành tiền.

Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ caffee Trung Nguyên chưa có hồi kết.

Về vấn đề nuôi con và cấp dưỡng, bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người trực tiếp nuôi con, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ cấp dưỡng 10 tỷ/năm cho 4 người con.
Không đồng ý với bản án, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn kháng cáo đến TAND cấp cao tại TP .HCM.

Trong đơn, bà Thảo bày tỏ mong muốn được đoàn tụ với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bên cạnh đó, bà Thảo cũng bày tỏ quan điểm không đồng ý với việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ.

Về phía Đặng Lê Nguyên Vũ, trong đơn kháng cáo, ông chủ Trung Nguyên mong muốn chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% như quan điểm trình bày ở tòa.

Dư luận dễ dàng nhận ra Điểm mấu chốt gay gắt nhất dẫn đến không thể hòa giải giữa hai vợ chồng, đó là tỷ lệ chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ đòi chia 70% cổ phần; bà Thảo đòi 51% cổ phần. Cổ phần không chỉ có giá trị về mặt tài sản mà còn có giá trị đặc biệt về quyền biểu quyết, điều hành phát triển Trung Nguyên trong tương lai.

Cuộc chiến giữa hai vợ chồng bắt đầu bùng nổ năm 2015 khi ông Vũ cùng Hội đồng quản trị bãi nhiệm bà Thảo với chức danh Phó TGĐ điều hành. Đến giờ ông Vũ, bà Thảo và các công ty của Trung Nguyên có đến hàng chục vụ tranh chấp trên khắp các mặt trận và đang chờ Tòa án xét xử.

Qua vụ án này, đứng từ góc nhìn của doanh nhân, muốn kiểm soát được sự nghiệp kinh doanh của mình thì phải làm gì để tránh khỏi cảnh “mất lái khi ly hôn”?.

Câu trả lời lại vô cùng đơn giản. Và một ví dụ để chứng minh rõ nhất chính là Tổng thống Donald Trump với 2 lần ly hôn vẫn sống tốt, giữ được tài sản, vợ cũ hài lòng, con cái vui vẻ. Tất cả nhờ vảo bản hợp đồng tiền hôn nhân.

Tổng thống Trump nổi tiếng là một doanh nhân tài giỏi và cũng là một người đàn ông tỉnh táo trong hôn nhân. Mặc dù trải qua hai lần ly hôn với người vợ đầu Ivana Trump (năm 1992) và vợ thứ hai Marla Maples (năm 1999) nhưng ông Trump không chịu quá nhiều tổn thất nặng nề về tài chính mà vẫn làm hài lòng hai người vợ cũ của mình.

Ba người vợ của Donald Trump đều ký hợp đồng tiền hôn nhân. Ảnh: Celebrity Insider.

Bí quyết đơn giản của ông chỉ nằm ở chỗ ông có hợp đồng tiền hôn nhân. Trong cuốn sách "Nghĩ lớn để thành công" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông viết: "Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi khuyên bạn hãy có một hợp đồng tiền hôn nhân. Đây không phải là chuyện bạn có tin tưởng vào người bạn đời hay không, mà đơn giản, nó giúp bạn tránh được các rắc rối sau này".

Tổng thống Mỹ từng phân tích rằng nếu tình yêu mất đi, không có gì khủng khiếp hơn là việc người cũ sẽ dùng mọi cách để chiếm đoạt tài sản và không có thỏa thuận nào về tài sản chung của hai người.

"Những cuộc tranh cãi về tài sản sẽ dẫn tới cuộc chiến tàn khốc hơn bất cứ cuộc chiến pháp lý nào trong kinh doanh, có thể dễ dàng dẫn đến sự hủy hoại về tài chính và cảm xúc của bạn. Vì vậy, luôn luôn phải có hợp đồng tiền hôn nhân", Trump nhấn mạnh một lần nữa về việc cần có hợp đồng trước khi kết hôn với bạn đời.

Tổng thống Trump và người vợ đầu tiên.

Chính nhờ những thỏa thuận từ trước, Donald Trump tránh bị hao hụt nhiều tài sản khi ly hôn. Ông chỉ mất số tiền rất nhỏ so với khối tài sản hàng tỷ đô la mà ông nắm giữ. Sau ly dị, người vợ đầu tiên là Ivana được nhận 14 triệu đôla tiền mặt, 350.000 đôla tiền lãi hàng năm và các khoản thanh toán hỗ trợ nuôi con 300.000 đôla/năm cho ba đứa con của họ.

Người vợ thứ hai Marla, chỉ nhận được khoảng 2 triệu đôla tiền mặt, và những khoản chi tiền học phí trường tư cho con gái họ (Tiffany Trump), chi phí bảo mẫu và bảo hiểm y tế.

Ông Trump trong đám cưới với vợ thứ hai.

Với người vợ hiện tại, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump, ông cũng đã ký vào bản hợp đồng tiền hôn nhân trước khi làm đám cưới vào năm 2005. Chia sẻ trên New York Magazine, Donald Trump từng nói điều này là tốt cho mối quan hệ của cả hai.

Trước đó trên Trí Thức Trẻ, luật sư Đỗ Đăng Khoa bày tỏ quan điểm trước vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên: "Các doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể bảo vệ tài sản, sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn hoặc thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân".

Lời khuyên của ông Trump và vụ ly hôn của ông Vũ, bà Thảo gắn liền với thành bại của Tập Đoàn Trung Nguyên quả là một bài học đắt giá. Với quy định pháp luật hiện hành, các doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng để bảo vệ tài sản, sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn hoặc thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Lời khuyên của ông Trump có lẽ khá xa lạ và rất phản cảm trong văn hóa của người Việt Nam nhưng pháp luật của Việt Nam thì đã khác. Luật hôn nhân gia đình năm 2014, lần đầu tiên cho phép vợ chồng được thỏa thuận về chế độ tài sản khi kết hôn. Theo Điều 47 - Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news