Tin mới

Ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ không phải đứng trước vành móng ngựa

Thứ tư, 03/01/2018, 15:30 (GMT+7)

Trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo vào ngày 8/1, TAND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện mô hình phòng xét xử mới, vì vậy các bị cáo sẽ không phải đứng trước vành móng ngựa.

Trong phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo vào ngày 8/1, TAND thành phố Hà Nội sẽ thực hiện mô hình phòng xét xử mới, vì vậy các bị cáo sẽ không phải đứng trước vành móng ngựa.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến phân tích: Thời điểm bị cáo ra tòa để khai báo vẫn được coi là người chưa phạm tội, trong khi vành móng ngựa lại tạo tâm lý coi họ như họ đã có tội. 

Ngày 28/7/2017, TAND Tối cao đã ban hành Thông tư 01 Quy định về phòng xử án. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Theo đó, Thông tư này quy định về sắp xếp vị trí của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong quá trình Tòa án xét xử vụ án hình sự, hành chính; xét xử và giải quyết vụ việc dân sự, phá sản; xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và một số quy định khác về phòng xử án.

Về hình thức phòng xử án, Thông tư nêu rõ: Phòng xử án được bố trí 2 bục, trừ phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Vị trí của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự, phá sản, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, chủ trì phiên họp ở bục cao nhất; bục thứ hai là vị trí của những người tiến hành tố tụng khác, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa, phiên họp.

Như vậy, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo vào ngày 8/1 tới đây, sẽ thực hiện theo mô hình phòng xét xử mới. Các bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa để khai, thay vào đó là đứng trước bục để khai.

Lịch sử vành móng ngựa

Theo nguyên Chánh tòa Hình sự TAND tối cao Đinh Văn Quế cho biết, vành móng ngựa có từ bao giờ chưa ai xác định chắc chắn nhưng có thể khẳng định là nó du nhập vào nước ta từ khi thực dân Pháp xâm lược. Chiếc vành móng ngựa từ thời Pháp thuộc ở trụ sở TAND tối cao có lẽ giờ cũng không còn nhưng các phiên bản của nó thì tòa án nào cũng na ná nhau.

Có nhiều giả thuyết giải thích về nguồn gốc ra đời của vành móng ngựa. Nhưng đa số cho rằng lúc đầu nó chỉ là một hàng chấn song ngăn cách giữa bị cáo với HĐXX. Sau đó, do việc vận chuyển khó khăn nên người ta đã thu bớt nó lại. Qua nhiều thời kỳ, đến khi nó có hình giống như chiếc vành móng ngựa nên người ta gọi nó là “vành móng ngựa”.

Đã không ít các hội thảo khoa học bàn về mô hình tố tụng hình sự nhưng ít thấy ai bàn về chỗ ngồi cho bị cáo là nhân vật trung tâm của phiên tòa. Thực tiễn xét xử cho thấy không chỉ bị cáo mà cả các chiến sĩ cảnh sát tư pháp cũng đứng vào đó nhưng đứng cạnh, đứng sau.

Hình ảnh này khiến người ta cảm thấy không ổn nên thay bằng cái bục thì hay hơn. Khổ nhất vẫn là bộ phận chuẩn bị phiên tòa lưu động. Họ phải vận chuyển vành móng ngựa từ trụ sở tòa án đến địa điểm mở phiên tòa. Có khi vùng sâu, vùng xa phải đi cả ngày đường, chở bằng xe máy, xe đạp hay khiêng vác đều vất vả, có khi té gãy cả vành móng ngựa, người thì xây xát.

Vành móng ngựa là bộ phận không thể thiếu trong phiên tòa hình sự. Nhưng trong luật không quy định rõ bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa. Thế nên mới có chuyện khi ra tòa, bị cáo nhất quyết không chịu đứng vào và cho rằng đứng vào đó là phải đi tù.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news