Tin mới

Ông Tất Thành Cang và những bí ẩn đằng sau 4 con đường đắt đỏ ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

Thứ sáu, 16/11/2018, 08:35 (GMT+7)

Khi giữ chức Giám đốc Sở GTVT, ông Tất Thành Cang đã ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.

Khi giữ chức Giám đốc Sở GTVT, ông Tất Thành Cang đã ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.

Hôm qua (15/11), Phó bí thư Thường trực Thành uỷ TP HCM Tất Thành Cang bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm "rất nghiêm trọng" trong nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về chuyển nhượng dự án.

Bên cạnh đó, ông Cang còn bị cho sai phạm trong thời gian là Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.

Những sai phạm của ông là rất nghiêm trọng, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Ký tắt hợp đồng

Ngày 12/11/2013, UBND TP HCM và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng xây dựng - chuyển giao dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ông Tất Thành Cang bị kết luận liên quan nhiều sai phạm.

Cụ thể, ông Tất Thành Cang khi đó là giám đốc Sở Giao thông vận tải (Ủy viên UBND TP HCM) thừa ủy quyền chủ tịch UBND TP đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức hợp đồng, tổng mức đầu tư dự án gần 12.200 tỷ đồng.

Theo đó, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường này.

Hợp đồng ký tắt này giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đổi lại, công ty này được giao 79 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản.

4 tuyến đường có tổng chiều dài 11,9 km, mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Các tuyến đường này đặt ký hiệu R1 (đại lộ Vòng Cung), R2 (đường ven hồ trung tâm), R3 (đường ven sông Sài Gòn), R4 (đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông - khu dân cư).

Dự án còn bao gồm 10 cây cầu với tổng chiều dài khoảng 1,8 km. Các con đường này được mong chờ là 4 tuyến huyết mạch, thúc đẩy sự phát triển giao thông và thu hút đầu tư cho Khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

Mỗi tuyến đường trị giá gần 700 tỷ đồng

Dự án khởi công từ tháng 6/2013, trong đó tuyến lớn nhất là đại lộ Vòng Cung (R1) dài 3,4 km vẫn đang dở dang nhiều đoạn, do chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Đường ven hồ trung tâm (R2) dài 3 km đã hoàn thiện phần lớn chiều dài, nhưng khu vực cầu số 8 kết nối với đường Trần Não, Lượng Định Của dừng thi công hơn 2 năm qua.

4 tuyến đường trị giá 12.200 tỷ đồng ở Thủ Thiêm. (Ảnh: LP)

Tuyến đường ven sông Sài Gòn (R3), mặt cắt ngang 28,1 m, chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn. Hiện đoạn từ hầm Thủ Thiêm tới cầu Thủ Thiêm 2 vẫn chưa tiếp tục thi công. Đường ven sông (R4) dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m chủ yếu được xây dựng trên khu vực ngập nước, lau sậy ở phía nam Thủ Thiêm.

4 tuyến đường có tổng chiều dài gần 12 km, chiều rộng từ 11,6 m đến 55 m với tổng mức đầu tư là hơn 8.265 tỷ đồng. Nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn lên đến hơn 12.200 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi km đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm có giá gần 700 tỷ đồng - gấp 4 lần suất đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km) và hơn gấp 3 lần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km). Số tiền xây dựng đường này được đánh giá là khá đắt đỏ, chủ yếu phục vụ khu đô thị Sala.

Bất thường trong việc thanh toán bằng 79 ha đất

Để thanh toán hợp đồng xây dựng 4 con đường trị giá 12.200 tỷ đồng, UBND TP đã đổi cho Công ty Đại Quang Minh khu đất 79 ha giữa phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông, bao gồm cả diện tích của toàn bộ bến du thuyền, hai nhà văn hóa, hai trường học.

UBND TP đề nghị Bộ Tài chính đồng ý để thành phố thực hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT theo các nguyên tắc: TP thanh toán dự án BT 4 tuyến đường bằng việc giao cùng thời điểm cho nhà đầu tư toàn bộ các khu đất.

Khi được giao đất, chủ đầu tư sẽ tiến hành đồng thời với việc khởi công các tuyến đường mà không đợi đến khi việc xây dựng đường hoàn thành.

Điều bất thường là lô đất nói trên được sử dụng để xây dựng khu dân cư, khu đô thị nhưng giá đất chỉ tương đương 15 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá thị trường lên đến 400 triệu/m2.

Vị trí đất được giao cho chủ đầu tư nằm lọt ngay chính giữa 4 con đường được xây dựng theo hợp đồng.Như vậy, những con đường này phục vụ cho chính dự án của chủ đầu tư.

 

Đường thăng tiến của ông Tất Thành Cang

Ông Tất Thành Cang (SN 1971 quê tỉnh Long An) từng học ĐH Tổng hợp TP HCM và giữ các chức vụ Chủ tịch Hội sinh viên trường ĐH Tổng hợp TP HCM, Phó bí thư Đoàn trường ĐH Luật, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội sinh viên TP HCM.

Từ năm 2004 đến năm 2009, ông Cang là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành Đoàn TP HCM.

Từ năm 2009 đến năm 2012, ông Cang là Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 2. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Tất Thành Cang được bầu giữ chức vụ Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2014, ông Cang nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Sở GTVT TP HCM. Từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2015, ông Cang là Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Từ tháng 11/2015 đồng thời là Phó Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020.

Tháng 12/2015, ông được miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhiệm kỳ 2011 - 2016. Ngày 26/1/2016, ông Cang được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng. Tháng 2/2016, ông được Thành ủy phân công làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM thay ông Võ Văn Thưởng nhận nhiệm vụ khác.

Quốc Chiến

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news