Tin mới

PGS Văn Như Cương "bức xúc" chuyện nộp, rút hồ sơ xét tuyển ĐH

Thứ sáu, 21/08/2015, 16:23 (GMT+7)

Trước những bất cập trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, PGS Văn Như Cương không giấu được bức xúc và đã chỉ ra nguyên nhân khiến mọi việc "loạn xì ngầu" như vậy.

Trước những bất cập trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, PGS Văn Như Cương không giấu được bức xúc và đã chỉ ra nguyên nhân khiến mọi việc "loạn xì ngầu" như vậy.

PGS Văn Như Cương bức xúc chuyện nộp rút hồ sơ một cách "loạn xì ngầu"

Trên trang cá nhân, PGS viết: "Từ A đến Z

Để đào tạo được một cử nhân, các trường ĐH phải làm nhiều công đoạn khác nhau: A, B, C, …, X, Y, Z. Công đoạn đầu tiên là tuyển sinh (A), và công đoạn cuối cùng là cấp bằng tốt nghiệp (Z)…Nhưng họ chỉ được làm B,C, D,…, X, Y,Z thôi, còn A thì phải để Bộ GD&ĐT làm…

Để đào tạo được một Tú tài, các Sở GD&ĐT phải làm nhiều công đoạn khác nhau: A, B, C, …, X, Y, Z. Công đoạn đầu tiên là tuyển sinh vào lớp 1 (A), và công đoạn cuối cùng là cấp bằng tốt nghiệp PT (Z). Nhưng họ chỉ được phép làm A,B, C, …, X, Y thôi, còn Z thì phải đế Bộ GD&ĐT làm…

Thế mới trái khoáy,

Thế mới dở hơi,

Thế mới loạn xì ngầu như bây giờ…".

Bài viết của PGS Văn Như Cương đã nhanh chóng gây được sự chú ý của nhiều người. Chỉ sau vài giờ đăng tải, bài viết của ông đã thu hút được hơn 6000 lượt thích và hơn 400 lượt chia sẻ.

Trước đó không lâu, trả lời phỏng vấn trên phunuonline, trước câu hỏi "Ưu điểm của việc thí sinh biết điểm kỳ thi THPT Quốc gia và Bộ GD đưa ra những đề án xét tuyển khá tỉ mỉ?"

Ông Cương cho biết: "Thí sinh khi biết điểm và điểm đủ tiêu chuẩn có quyền nộp 4 khoa / trường/ nguyện vọng 1, 12 khoa/3 trường/ nguyện vọng 2... tiếp đó là các trường phải luôn cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển 3 ngày/ lần để thí sinh nắm rõ được vị trí của mình, khả năng có thể đỗ của mình như Bộ đã đưa ra trước đó. Cách làm này không có bất cứ một ưu điểm nào hết. Thí sinh không hề được định hướng rõ ràng như vẫn nghĩ mà đang lao vào "cuộc chơi đỏ đen", không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán".

Cũng theo PGS, kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức hứa hẹn sẽ hạn chế bớt kinh phí cho gia đình thí sinh, nhưng thực chất là tốn kém và căng thẳng hơn rất nhiều.  Số lượng lớn thí sinh phải chạy đua trong vòng 20 ngày luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Các em không có thời gian nghĩ đến những khoa ngành mà mình thích mà cố gắng làm sao để đỗ được đại học.

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news