Tin mới

Pha chế thuốc trường sinh, vô tình tạo ra loại "hỏa dược" gây chấn động chiến trường cổ

Thứ tư, 21/11/2018, 22:28 (GMT+7)

Ra đời vào thế kỷ 10, đây là vũ khí uy lực vượt xa cả cung nỏ hay đao kiếm, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đội quân lúc bấy giờ.

Ra đời vào thế kỷ 10, đây là vũ khí uy lực vượt xa cả cung nỏ hay đao kiếm, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đội quân lúc bấy giờ.

Trải qua hơn 1000 năm, vũ khí này đã có nhiều ảnh hưởng trong các cuộc chiến và sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với nhiều loại khác. Đó chính là súng. Theo đó, những khẩu súng đã  trở thành một vũ khí quan trọng trong quân sự, thay đổi bộ mặt, cách chiến đấu của nhiều đội quân trên chiến trường cổ xưa.

Ít ai biết được rằng, những cư dân Trung Quốc cổ xưa là chủ nhân của phát minh này. Cụ thể, vào thế kỷ thứ 9, với mục tiêu ban đầu là nghiên cứu, tìm ra cách pha chế "tiên dược" để trẻ mãi không già, các nhà giả kim thuật thời nhà Đường đã vô tình tạo ra loại thuốc có sức sát thương lớn, gọi là "hỏa dược" hay thuốc súng, chứ không phải là thứ thuốc trường sinh.

Trong khi pha chế "tiên dược", các nhà giả kim thuật thời nhà Đường vô tình tạo ra thuốc súng. Ảnh: Internet

Sau đó, quân đội lúc bấy giờ đã nhanh chóng sử dụng loại thuốc nổ này vào việc điều chế bom, mìn, pháo hoa cùng nhiều vũ khí uy lực khác.

Theo các nhà nghiên cứu, thuốc súng đã được vận chuyển đến châu Âu vào khoảng thế kỷ 13, có khả năng là nhờ "Con đường tơ lụa" qua Trung Á. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần, người ta cuối cùng cũng tìm ra công thức tối ưu để pha chế thuốc nổ, đó là tỷ lệ: 75% kali nitrat (KNO3), 15% than củi và 10% lưu huỳnh.

Thuốc súng được coi là phát minh nổi tiếng của Trung Quốc. Ảnh: Thinklink

Đáng chú ý là sau khi thuốc nổ ra đời, vào thế kỷ 10, Trung Quốc còn phát minh ra "hỏa thương". Theo các sử gia nhận định thì hỏa thương được coi là loại súng đầu tiên trong lịch sử.

Thiết kế ban đầu của hỏa thương là các ống tre rỗng gắn một loại vũ khí nhọn như mũi giáo được phóng ra như viên đạn kèm với thuốc súng, gây ra các vụ nổ và làm sát thương đối phương. Mặc dù có uy lực nổi trội hơn so với đao kiếm, nhưng tầm ngắm bắn của loại vũ khí này vẫn còn thấp.

Sau đó, người ta tiếp tục sử dụng thuốc nổ trong quân sự khi điều chế và cải tiến nhiều loại vũ khí như hỏa tiễn, hỏa cầu,...

Bước ngoặt thay đổi từ việc sử dụng súng trên chiến trường

Vào khoảng năm 1320, những khẩu đại bác đầu tiên xuất hiện ở Italy và chúng được chế tạo để phục vụ cho nhiều cuộc chiến nổ ra ở châu Âu. Trong thế kỷ 15, mặc dù người ta đã tạo ra được chốt, hay hệ thống kích nổ cho những loại súng, nhưng tốc độ bắn của chúng vẫn còn khá chậm. Chính vì vậy, số lượng cung thủ vẫn còn nhiều hơn so với xạ thủ.

Cho đến thế kỷ 16, các loại súng đạn ở châu Âu ngày càng trở nên tiến bộ, thậm chí còn vượt trội và nguy hiểm hơn so với những người bạn của chúng ở phương Đông.

Tên lửa từ thời nhà Tống được chế tạo bằng cách đốt cháy thuốc súng để tạo ra phản lực cần thiết. Ảnh: Ancientorigins

Sau đó, súng dần thay thế những loại vũ khí khác với lý do không chỉ có khả năng sát thương lớn hơn mà chúng còn dễ sử dụng và giúp tiết kiệm chi phí, thời gian.

Trên thực tế, để trở thành một cung thủ hay kiếm sĩ có tay nghề cao thì phải mất rất nhiều năm để rèn luyện, nhưng chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng huấn luyện thì đã có thể biến một binh sĩ bình thường trở thành xạ thủ với khả năng sử dụng thành thạo súng.

Tựu chung lại thì những ứng dụng từ thuốc súng trên chiến trường cổ xưa đã mở đường phát triển cho ba loại vũ khí riêng biệt, đó là súng, tên lửa và pháo. Đây là phát minh quan trọng và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong lịch sử.

Tham khảo nguồn: Howstuffworks, Thoughtco

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news