Tin mới

Phạm nhân vô tư dùng điện thoại di động: Trách nhiệm quản giáo ở đâu?

Thứ bảy, 06/09/2014, 10:35 (GMT+7)

Theo quy định, khi vào tù, tất cả các phạm nhân sẽ bị quản thúc và bị tước quyền công dân nhưng việc một số phạm nhân vẫn vô tư dùng điện thoại di động và ma túy đã khiến hình phạt tù bớt đi ít nhiều tính răn đe.

 

 

Theo quy định, khi vào tù, tất cả các phạm nhân sẽ bị quản thúc và bị tước quyền công dân nhưng việc một số phạm nhân vẫn vô tư dùng điện thoại di động và ma túy đã khiến hình phạt tù bớt đi ít nhiều tính răn đe.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao vì phát hiện một tài khoản Facebook có nickname Nguyễn Đức Hùng đã đăng tải nhiều hình ảnh đời sống sinh hoạt của mình trong trại giam lên trên mạng.

Bên cạnh đó còn có những hình ảnh các tù nhân khác đang sử dụng điện thoại di động, xăm trổ cho nhau cùng một cái chai nhựa được “chế” giống như đồ để sử dụng ma túy “đá”. Thậm chí còn có cả những hình ảnh được chính chủ nhân trang Facebook này nhận là thuốc phiện ở trong tù. Kèm theo là những lời bình luận của các thành viên trong nhóm Facebook bạn bè, trong đó có nhiều thành viên là phạm nhân đang cải tạo, thi hành án tại trại giam.

Điều đáng nói, những hình ảnh sinh hoạt trong trại giam cùng với những dòng chia sẻ tâm trạng trên Facebook của phạm nhân Nguyễn Đức Hùng được cập nhật một cách đều đặn trong suốt một thời gian dài nhưng không bị bất kỳ cán bộ quản giáo nào phát hiện và xử lý.

Một trong số những hình ảnh về cuộc sống trong tù được phạm nhân Nguyễn Đức Hùng cập nhật trên Facebook cá nhân

Trên thực tế, tù giam là hình phạt nghiêm khắc dành cho các tội phạm nhằm răn đe, giáo dục bằng phương án cách ly các đối tượng này với xã hội. Thời gian bị cải tạo và giam giữ trong tù, các phạm nhân vừa được giáo dục, vừa được cảm hóa để không tái phạm sai lầm. Việc bị cách ly xã hội trong một thời gian nhất định trước tiên nhằm mục đích để các đối tượng này không tiếp tục gây hại cho xã hội, và còn mục tiêu khác lớn hơn là để họ thay đổi và hướng tới các giá trị lương thiện, giá trị xã hội.

Tuy nhiên, đối với trường hợp ở trại giam Tân Lập, một số phạm nhân vẫn có thể dễ dàng sử dụng các phương tiện kết nối xã hội: thông qua điện thoại di động. Tài khoản Facebook cá nhân của phạm nhân được cập nhật thường xuyên, đều đặn là một minh chứng. Trong khi theo quy chế quản lý, phạm nhân không được sử dụng điện thoại trong trại giam.

Đáng ra, việc phát hiện những sai phạm của phạm nhân phải xuất phát từ chính đội ngũ cán bộ quản giáo của trại – lực lượng quản lý phạm nhân trực tiếp. Tuy nhiên, vụ việc chỉ được biết đến khi Cộng đồng mạng lên tiếng về trang Facebook “lạ” của nickname Nguyễn Đức Hùng.

Dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của lực lượng cán bộ quản giáo ở đâu trong việc để xảy ra tình trạng này. Bởi dùng điện thoại di động trong trại giam để đăng nhập tài khoản Facebook không phải là hình thức vi phạm lén lút, bí mật mà hoàn toàn công khai.

Thông tin về vụ việc, ông Nguyễn Văn Ninh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an cho biết, quy trình giám sát kiểm tra ở trại giam là rất ngặt nghèo. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp cá biệt lọt qua. Và đơn vị sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phạm nhân sử dụng di động tròng trại giam.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là xử phạt phạm nhân vi phạm nội quy mà những sai phạm trong quản lý của cán bộ trại giam cũng cần được làm rõ. Vì chính công tác quản lý sơ hở, kiểm tra lỏng lẻo của trại mới xảy ra những việc vi phạm nêu trên.

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news