Tin mới

Phân bổ nguồn vốn dàn trải… nhiều công trình tiền tỷ bỏ hoang

Thứ tư, 12/11/2014, 10:18 (GMT+7)

Tình trạng các công trình tiền tỷ bị bỏng hoang không chỉ ở 2 thành phố lớn, mà hầu như nó xảy ra ở tất cả các địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong cơ chế phân bổ vốn đầu tư như ở nước ta hiện nay thì những chuyện ấy là bình thường.

Tình trạng các công trình tiền tỷ bị bỏng hoang không chỉ ở 2 thành phố lớn, mà hầu như nó xảy ra ở tất cả các địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong cơ chế phân bổ vốn đầu tư như ở nước ta hiện nay thì những chuyện ấy là bình thường.

Đó là nội dung mà TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN và ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) chi sẻ trong chương trình bàn tròn trực tuyến: Tái cơ cấu đầu tư công – Bài học từ những công trình tiền tỷ bỏ hoang của báo Vietnamnet.

Cơ chế xin cho tuỳ tiện

Theo TS. Trần Đình Thiên (Viện nghiên cứu Việt Nam), cách phân bổ vốn ở nước ta hiện nay dàn trải, lại không có cơ chế ràng buộc về tính hiệu quả,  tính toán nguồn vốn từ đâu ra. Hơn nữa, cơ chế xin cho dự án về mặt chuẩn mực rất tùy tiện, dựa trên quan hệ chứ không phải là trên những nguyên tắc ưu tiên trong phát triển kinh tế hay quy hoạch. Vì vậy, cách đặt vấn đề của người xin dự án là xin được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, chứ không phải xin để hoàn thành công trình đúng kỳ hạn. 

“Đấy là người xin dự án, còn người cho thì không hẳn là công trình ấy dứt khoát phải hoàn thành, mà chỉ nhằm xử lý những vấn đề có tính nguyên tắc khác như là phân bổ vốn phải công bằng, đồng đều cho các địa phương, không thiên vị quá mức chỗ nào”, TS Thiên nói.

Nhiều công trình tiền tỷ bị bỏ hoang

TS Thiên cũng cho rằng, đáng lẽ nguồn vốn ấy cần tập trung đầu tư để xử lý những nút thắt tăng trưởng, hay tạo bùng nổ tăng trưởng ở điểm nào đó để tạo ra lan tỏa thì có vô số dự án lại được cấp vốn theo kiểu phân chia đồng đều để khỏi mất lòng ai.

“Khi cơ chế xin dự án tràn lan, dẫn đến tình huống không thể nào kiểm soát được hiệu quả dự án. Bộ máy của chúng ta tuy rất đông, nhưng năng lực quản trị cũng chỉ đến chừng mực nào đó. Dự án ban phát theo kiểu như vậy thì khó mà quản trị hiệu quả cho được. Đặt những dự án bỏ hoang lãng phí như vậy bên cạnh những số phận trẻ mồ côi, trường học, trạm y tế thiếu thốn thì chắc chắn là một nghịch cảnh đối lập”, TS Thiên lý giải.

Dân bức xúc…

Việc nhiều dự án tiền tỷ bị bỏ hoang gây lãng phí, trong khi người dân chưa được đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng, thậm chí còn bị mất ruộng đất từ các công trình đó khiến họ bức xúc. 

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) cho rằng, người dân bức xúc không chỉ là vì dự án đó có thể cần thiết, nhưng do cơ chế phân bổ vốn dàn trải nên chậm tiến độ, giữa chừng phải dừng rồi tạo ra nợ đọng xây dựng. Mà điều khiến họ bức xúc nhất còn là những dự án có thể đủ vốn, nhưng xây xong không biết để dùng cho ai. 

Người dân mất ruộng đất, trong khi dự án bị bỏ hoang.

Rất nhiều dự án ở địa phương trình lên theo kiểu rất chung chung như bảo tàng nọ, tượng đài kia mà không chỉ ra được thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở chỗ nào thì nhóm người dân nào sẽ được hưởng lợi từ dự án này. 

“Khi dự án làm xong mà không có người sử dụng, tức là người dân không cần cái dự án đó. Một dự án đầu tư công là để phục vụ đại đa số bộ phận nhân dân.Vậy mà anh xây xong lại bỏ không thì dân bức xúc là phải”, ông Thành nói.

Bởi thế, vấn đề nằm ngay từ quy trình thẩm định. Khi chỉ chăm chăm tiêu càng nhiều tiền càng tốt chứ không phải làm dự án để đáp ứng nhu cầu thực thì sẽ không có gì khó hiểu khi tất cả các báo cáo thẩm định thường né tránh, bỏ lơ luôn nhu cầu căn bản. Nếu không bỏ lơ được thì nhiều khi anh báo cáo số liệu về nhu cầu không được khách quan, theo kiểu phóng đại con số ấy trong tương lai. Trong khi con số thật thấp hơn nhiều, hoặc có khi bằng không. Cách làm đó không che giấu được dân, và dẫn đến bức xúc của người dân trước sự lãng phí của các dự án đầu tư công.

Dự án như một động cơ để có thu nhập

Các địa phương đua nhau xin dự án, nhưng không cân nhắc kỹ nhu cầu thực sự để rồi bỏ hoang các công trình. Liệu cơ chế xin cho ở nước ta hiện nay đang có nhiều bất cập hay có động cơ lợi ích nhóm từ các địa phương. 

TS. Trần Đình Thiên cho rằng, cơ chế chạy dự án không có chuẩn mực, đặc biệt là chuẩn mực về mục đích thì việc chạy ấy giả định là phải có chi phí, mà phí tổn ấy chính là lợi ích thực. Vì vậy, bản thân dự án giống như một động cơ để có nguồn thu nhập.

Khi nguồn vốn khan hiếm mà phải chia cho nhiều nơi thì cuộc chạy vốn càng khốc liệt. Nguồn lực càng khan hiếm mà cơ chế cho duyệt dự án đầu tư dễ dãi thì cuộc đua càng khốc liệt. Về mặt nguyên lý thì đây chính là cơ sở để kiếm ăn được. Xin cho trong điều kiện khan hiếm thì phải có đi có lại. Đấy là chuyện bình thường, rất thị trường. 

Theo TS Thiên, Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đua nhau xin dự án ở các địa phương vì trong hệ thống phân quyền của ta có một khái niệm là chủ nghĩa thành tích, tư duy nhiệm kỳ. Nghĩa là trong nhiệm kỳ này ông phải làm được một việc gì đấy. Để làm được điều đó, họ phải đi xin dự án. 

“Khi chúng ta chưa chuyển đổi được hệ thống đầu tư công kiểu cũ sang hệ thống đầu tư mới, dựa trên nguyên tắc thị trường thì khó mà xử lý rốt ráo được vấn nạn này”, TS Thiên nói.

Công đoạn lớn nhất là quá trình tiêu tiền?.

Để hoàn thành được một dự án, thì người chủ phải làm tốt được 4 công đoạn, như: làm quy hoạch; chuẩn bị chương trình đầu tư, lập dự án, thẩm định dự án, quyết định chủ trương rồi ra quyết định đầu tư; thực hiện dự án và vận hành sau khi dự án hoàn thành.

“Tuy nhiên, vì làm dự án để phục vụ lợi ích cho một nhóm đối tượng thiểu số, nên công đoạn phục vụ lợi ích lớn nhất là trong quá trình thực hiện dự án, tức là trong quá trình tiêu tiền. Còn công đoạn đảm bảo lợi ích được chia sẻ đều cho cả xã hội là khâu quy hoạch chuẩn bị và cả quá trình vận hành dự án về sau”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.

Trong khi chúng ta chưa có bộ tiêu chí để đánh giá sau khi dự án hoàn thành mà hệ thống Chính sách hiện tại vẫn tập trung vào khâu thực hiện thì dự án đấy hoàn thành sẽ vận hành thế nào.

Để dự án đảm bảo vận hành tốt thì chúng ta nên xiết chặt quy định. Nghĩa là chủ dự án phải đảm bảo dự án xây xong vận hành có hiệu quả thì từ đó chi phối lại quá trình thực hiện, buộc anh phải đảm bảo làm sao dự án vẫn vận hành tốt cho dù anh có bớt xén một tí, làm thất thoát một ít. Nếu dự án vận hành không ổn, mà quy trách nhiệm xong rồi thì có biện pháp, chế tài rõ ràng. 

Theo Phan Thuỷ (tổng hợp)/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news