Tin mới

Phần Lan cáo buộc Nga dùng tuyên truyền để gây hấn

Thứ năm, 20/10/2016, 15:00 (GMT+7)

Phần Lan ngày càng trở nên lo lắng về những gì mà nước này thấy như một cuộc tấn công tuyên truyền của Nga, trong đó có việc Nga đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc Phần Lan tuyên bố độc lập năm 1917.

Phần Lan ngày càng trở nên lo lắng về những gì mà nước này thấy như một cuộc tấn công tuyên truyền của Nga, trong đó có việc Nga đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc Phần Lan tuyên bố độc lập năm 1917.

Phần Lan có đường biên giới kéo dài 1.340 km (833 dặm) cùng một lịch sử khó khăn và đẫm máu với Nga. Phần Lan từng là một phần của đế quốc Nga.

Việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và đe dọa quân sự ở vùng Biển Baltic đã dấy lên lo ngại an ninh cho đất nước thuộc Liên minh châu Âu với nền quân sự trung lập này.

Hồi đầu tháng này, Phần Lan và Estonia đã cáo buộc máy bay chiến đấu của Nga vi phạm không phận của họ. Nga cũng có thể đã bắt đầu di chuyển một số tên lửa hạt nhân vào khu vực Kaliningrad giáp Ba Lan và Lithuania.

Ngồi tại văn phòng của mình trong cung điện của chính phủ - nơi từng được xây dựng dành cho Công tước Nga tại Phần Lan - Markku Mantila dẫn đầu một mạng lưới gồm các nhân viên giám sát những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến đất nước.

Ông Markku Mantila. Ảnh: Reuters

Ông nói rằng Phần Lan đang phải đối mặt với các cuộc tấn công trên các phương tiện truyền thông do điện Kremlin thực hiện.

"Chúng tôi tin rằng những hành động gây hấn này của Nga nhằm mục đích làm mất lòng tin giữa các nhà lãnh đạo và người dân, để chúng tôi đưa ra những quyết định có hại cho bản thân mình," ông nói. "Nó cũng nhằm mục đích làm cho người dân nghi ngờ về Liên minh châu Âu, và cảnh báo Phần Lan không gia nhập NATO."

Phần Lan giành được độc lập từ Nga trong cuộc cách mạng năm 1917 nhưng gần như đã bị Liên Xô xóa sổ trong Thế chiến thứ hai. Nước này vẫn giữ quan hệ gần gũi với phương Tây về kinh tế và chính trị trong thời Chiến tranh Lạnh nhưng tránh đối đầu với Moscow.

Mantila, cũng là người đứng đầu cơ quan truyền thông của chính phủ, nói rằng các phương tiện truyền thông Nga tháng trước đã đăng tài thông tin rằng một nhà chức trách Phần Lan "máu lạnh" đã tước đi quyền nuôi con từ một gia đình người Nga sống ở Phần Lan vì "quốc tịch của họ".

Chính phủ Phần Lan đã bác bỏ những thông tin trên, và từ chối bình luận về trường hợp được nêu ra, nói đây là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, câu chuyện đã được phát đi phát lại hàng trăm lần ở Nga trong vài tuần qua.

Một báo cáo của kênh NTV do điện Kremlin lãnh đạo cho biết: "Ngay cả người dân địa phương cũng gọi Phần Lan là một đất nước tàn nhẫn, khủng bố những đứa trẻ vô tội."

Chiến dịch có hệ thống

Mantila, đưa ra dẫn chứng trên máy tính của ông những gì ông nói là hình ảnh, tin tức sai lệch do các tổ chức thân với điện Kremlin đăng tải. Ông cho biết cơ quan của ông đã xác nhận khoảng 20 trường hợp rõ ràng chống lại Phần Lan từ vài năm qua, và khoảng 30 trường hợp "rất có khả năng " làm những việc tương tự.

"Có một chiến dịch có hệ thống đang xảy ra ... Nó không đơn thuần là những thông tin báo chí sai lệch, tôi tin rằng nó được điều khiển bởi một trung tâm," ông nói.

Kremlin và các quan chức Bộ Ngoại giao Nga chưa đưa ra phản hồi nào về các thông tin trên.

Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini thừa nhận việc có những chiến dịch tuyên truyền chống lại Phần Lan, ông nói rằng chính phủ Phần Lan luôn chống lại việc đăng tải các thông tin sai lệch với sự thật.

"Tất cả các quốc gia dùng việc tuyên truyền để gây chiến đều là các quốc gia độc đoán, thậm chí còn hơn như vậy," ông nói với Reuters.

Một số sự kiện khác lại nhắm vào sự độc lập của Phần Lan và các nhân vật lịch sử của nước này.

Trong tháng Sáu, một trường đại học ở St Petersburg dựng lên bảng hiệu để tưởng niệm Carl Gustaf Mannerheim, sĩ quan quân đội và cựu tổng thống nổi tiếng nhất của Phần Lan, người đã phục vụ trong quân đội của Sa hoàng nhưng sau đó dẫn đầu lực lượng vũ trang của Phần Lan trong Thế chiến II. Người ở Phần Lan coi ông như một biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại Liên Xô

Các bảng hiệu này nhanh chóng trở thành mục tiêu cho người biểu tình Nga kêu gọi chống lại Mannerheim, gọi ông là một kẻ giết người và cộng tác viên của Đức Quốc xã.

"Các bảng hiệu đã bị gỡ xuống, đập phá bằng một cái rìu và bị tưới sơn đỏ nhiều lần," Mantila nói, lưu ý rằng Phần Lan không liên quan gì đến việc trường St Petersbourg dựng các bảng hiệu này.

Mantila nói ông tin rằng toàn bộ những hành động này là một sự tiếp diễn kể từ khi chính quyền Bolshevik của Lenin không chấp nhận sự độc lập của Phần Lan.

Phần Lan sẽ kỷ niệm một trăm năm độc lập trong năm tới, cùng thời điểm kỷ niệm của cuộc cách mạng Bolshevik.

Quý Vũ (Reuters)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news