Tin mới

Nữ sinh 15 tuổi bị cưa chân: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Thứ năm, 17/03/2016, 14:50 (GMT+7)

Liên quan đến vụ một nữ sinh ở Đắk Lắk bị cắt bỏ một chân sau tai nạn chỉ vì sự tắc trách của bác sĩ, luật sư cho biết, phía bệnh viện sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu.

Liên quan đến vụ một nữ sinh ở Đắk Lắk bị cắt bỏ một chân sau tai nạn chỉ vì sự tắc trách của bác sĩ, luật sư cho biết, phía bệnh viện sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu.

Vụ việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi (15 tuổi, ngụ tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) phải cắt bỏ một chân vì hoại tử do bác sĩ tắc trách trong công việc đang khiến dư luận hết sức bất bình, gia đình và người trong cuộc đau xót.

Liên quan đến vấn đề pháp lý đối với những người liên quan, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Thanh.

Luật sư Giang Hồng Thanh dẫn Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14 tháng 04 năm 2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc chuyển tuyến được quy định như sau:

“Điều 5. Điều kiện chuyển tuyến

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Chiếc chân phải cắt bỏ của Vi

a) Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị;”

Như vậy, khi Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) tiếp nhận bé Lê Thị Hà Vi và giữ bé tại bệnh viện từ ngày 6/3 đến 11/3 để điều trị mà không chuyển tuyến, có nghĩa là Bệnh viện đánh giá tình trạng bệnh tật của bé Vi phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị của Bệnh viện.

Vậy thì câu hỏi được đặt ra là tại sao ngay từ đầu Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đã xác định chính xác bé Vi bị “vỡ mâm chày chân phải”, nhưng vẫn không có phương pháp điều trị hiệu quả dẫn đến việc bé Vi bị cắt cụt 1/3 chân? Phải chăng đó là do sự vô trách nhiệm của bệnh viện?

Tôi cho rằng việc làm rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả mà bé Vi phải gánh chịu không phải là quá khó khăn. Cơ quan chức năng có thể cứ vào phác đồ điều trị cũng như phương pháp can thiệp mà Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin áp dụng là có thể đánh giá được”- luật sư Thanh nói.

Bệnh viện sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại?

Một vấn đề nữa được dư luận thắc mắc là tại sao mặc dù gia đình có yêu cầu chuyển bệnh viện cho bé Vi nhưng Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin vẫn không thực hiện ngay?

Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh

Theo luật sư Thanh, đối chiếu với quy định về điều kiện chuyển tuyến được trích dẫn ở trên, thì lại thấy rằng Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin đã không sai khi họ không đáp ứng yêu cầu chuyển bệnh viện cho bé Vi.

Đây cũng là điều bất cập khi mà các quy định pháp luật hiện hành chưa lường trước được hết: Việc chuyển tuyến hoàn toàn không phụ thuộc vào yêu cầu của người bệnh, kể cả khi người bệnh phát hiện thấy phương pháp điều trị của bệnh viện không hiệu quả khiến họ có thể gặp nhiều rủi ro. Thực tế đã cho thấy không chỉ ở trường hợp này mà còn nhiều vụ việc khác, bệnh viện tuyến dưới cố gắng giữ lại bệnh nhân mà không chuyển lên tuyến trên khiến cho bệnh nhân bị thiệt hại về sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng.

"Quay trở lại vụ việc của bé Lê Thị Hà Vi, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định bé bị cắt chân là do lỗi chủ quan từ phía Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, Bệnh viện này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, tinh thần mà bé Vi phải gánh chịu.

Ngoài ra người trực tiếp theo dõi, điều trị cho bé Vi có thể sẽ bị xử lý về hành vi “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 109 Bộ luật hình sự" - luật sư Thanh cho biết.

Điều 109. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news