Tin mới

Phật giáo, từ điểm nhìn âm nhạc

Thứ tư, 22/07/2015, 11:05 (GMT+7)

Xin trân trọng giới thiệu Tạp bút Tháng 7/2015 của nhạc sĩ Quốc Bảo. Hi vọng giữa những ngày Vpop ồn ã bởi những thị phi, scandal, chúng ta có thể lắng lòng lại một chút, tĩnh tâm hơn một chút, để cảm nhận nhiều hơn những thanh âm đẹp...

Xin trân trọng giới thiệu Tạp bút Tháng 7/2015 của nhạc sĩ - chuyên gia âm nhạc Quốc Bảo. Hi vọng giữa những ngày Vpop ồn ã bởi những thị phi, scandal, chúng ta có thể lắng lòng lại một chút, tĩnh tâm hơn một chút, để cảm nhận nhiều hơn những thanh âm đẹp...

Nhạc sĩ Quốc Bảo

1. Khi những nghệ sĩ như Leonard Cohen, Richard Gere ăn chay trường và đi vào Thiền học, Mật tông, tôi đã theo dõi hành trình tâm linh của họ và không khỏi thắc mắc. Liệu Phật giáo có phải là cái phao cứu sinh khi nghệ thuật gặp bế tắc, hay còn hơn thế, là nguồn cảm hứng sống và sáng tạo?

Một ngày nọ, tôi cảm thấy dường như những gì một nghệ sĩ viết ra chỉ có ý nghĩa như một sự khơi mở cho những tác phẩm của người khác, đây là nhiệm vụ duy nhất của tác phẩm. Làm một con đội, một tấm ván kê, cho xe chạy qua, cho người bước qua. Một tác phẩm chỉ là tấm gương để người thưởng ngoạn quán chiếu hình ảnh anh ta với mục đích cảm nhận mối tương giao của anh ta với ngoại giới, với thời đại. Nói cho dễ hiểu, tác phẩm nghệ thuật và công việc nghệ sĩ chỉ là phương tiện cho con người trông thấy bản thể, là ngón tay chỉ trăng. "Tác phẩm" của công chúng, tức là cảm giác sinh ra khi anh ta nhận chân được bản thể, khởi lên những cảm tình đẹp tốt, mới là mục đích sau cuối.

Ngón tay chỉ trăng. Từ ấy tôi đi vào đạo Phật.

Việc nghệ thuật “cho người bước qua”, tôi nói rõ ý hơn một chút. Khi một tác phẩm, dù là tác phẩm thiên tài, vẫn còn được trọng vọng thì điều ấy chứng tỏ nhận thức, gu thẩm mỹ của xã hội vẫn chưa nhích được bước nào. Phải khi nào tác phẩm bị quên lãng, bị bỏ xó, nhường chỗ cho cái mới, khi ấy mới là tin mừng. Thử tưởng tượng nếu chúng ta giờ đây vẫn chỉ nghe tiếng hú của người thượng cổ như là bài hát hay nhất mọi thời, thì có lịch sử nghệ thuật hay không?

Người nghệ sĩ suy cho cùng, khômg sáng tạo. Anh ta chỉ có việc sắp xếp, thu dọn lại những thành tố của thế giới tự nhiên (hay Vũ trụ lớn) thành một sa bàn miễn sao cho hài hòa với tâm lý thưởng ngoạn của công chúng thời đại anh ta. Anh ta tô màu sao cho vừa mắt (người cùng thời). Nếu anh ta đi trước nhận thức của công chúng, anh ta sẽ bị làm ngơ, bị bỏ xó. Nếu anh ta đi chậm hơn nhận thức đám đông, thì bị khinh rẻ. Từ điểm nhìn này, phải chăng nghệ sĩ sẽ bớt kiêu ngạo đi (ôi thói kiêu ngạo diệu kỳ!), sẽ biết điều chỉnh hành vi “sáng tạo” ở mức độ trung dung: vẫn giữ được cá tính mình, mà vẫn không phản bội lòng tin cậy của công chúng?

Phật dạy, đi con đường chính giữa. Trung đạo không nên được hiểu là thái độ ba phải, mị dân. Trung đạo chính là khả năng nhận biết mình đang nói với ai, ở cấp độ nào, người nghe muốn nghe điều gì và có thể hiểu được đến đâu. Để rồi ta điều chỉnh cách nói để đem lại nhiều lợi lạc nhất cho người ấy.

2. Có thể coi Vũ trụ như một Ý thức vĩ đại, và toàn bộ mối quan tâm của ý thức ấy chỉ là tối ưu hóa nguồn năng lượng?

Diệt đi một cái cây, sinh ra một con ong bắp cày, cắt đi tế bào ung thư, chỉ định cho một bức tranh ra đời, tạo ra mưa và nắng và giông tố và chiến tranh và lòng từ bi và toàn thể hiện tượng, phải chăng đều từ nguyên lý bảo đảm tốt nhất cho nguồn năng lượng khổng lồ kia?

Các hiện tượng tương tùy lẫn nhau chẳng hề ngẫu nhiên tình cờ, mà chúng đều như đã được lập trình cẩn thận, có sửa chữa và cập nhật liên tục. Vũ trụ không phải là bộ óc thảo chương viên chỉ động não một lần rồi khoanh tay nhìn máy vận hành, mà hằng được gia giảm, tính toán, nâng cấp từng giây phút. Có thực tồn tại một Ý thức siêu việt như thế không?

Các nhà thiên văn đã thử dựng các vũ trụ mẫu và thử thay đổi các tham số tiên khởi: bất kỳ thay đổi nào đều đưa đến một vũ trụ không có sự sống. Vậy, phải chăng vũ trụ chúng ta đang sống đây đã tuân theo nguyên lý tối ưu ngay từ khởi thủy?

Và tại sao không, nếu ta cho rằng Vũ trụ là một cơ quan biết tự lập trình, như một não bộ tinh vi siêu hạng?

Những khi tôi viết nhạc, ý tưởng thường được thai nghén rất lâu, có thể vài tuần, vài tháng, và tôi luôn “sống” với những ý nghĩ cả khi làm việc khác, cả trong lúc ngủ, lúc ăn. Tôi có cảm tưởng rằng suốt quá trình đó, có một cơ chế vận hành bên ngoài tôi, bảo tôi nên sắp xếp thế này mà không phải thế kia, sẽ cấu trúc tác phẩm theo chiều này mà không phải ngược lại. Hiện tượng này tôi trải qua đến nay là hai mươi lăm năm, từ những bản nhạc đầu tay: trải nghiệm đủ dài để không hồ nghi nữa.

Nhiều nhà thơ, nhà toán học đã kể về những câu thơ trong mơ, những cách giải toán vụt hiện khi bước chân lên xe bus- những hoạt động vô thức ấy tương đồng với điều tôi đã trải, và không có cách giải thích nào khả dĩ bằng cách nói rằng: chúng tôi, những nghệ sĩ, động não theo một chương trình “máy tính” Vũ trụ. Chúng tôi là những mạch điện trên con chip điện toán, dưới quyền của một thảo chương viên siêu cấp.

Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, phần tàng thức độc lập với thân xác có những quyết định riêng của nó. Não ta chỉ hoạt động chủ động khi đặt bút lên giấy, đặt cọ lên toan, tức là ở cuối quá trình. Còn toàn bộ phần trước (tổ chức, cân nhắc, bừng sáng, quyết định) là ở một phần ý thức khác: tàng thức.

3. Tu tập không phải một sáng một chiều, mà phải là cả quá trình dài có khi vượt quá nhiều kiếp. Tôi tu tập bằng thiền quán, giáo lý đã đành, như mọi người; nhưng tôi còn tu tập bằng âm nhạc, bằng việc điều chỉnh thân tâm sao cho hòa hợp nhất với thứ mình viết ra. Âm thanh có quyền năng, vì nó không phải sản phẩm của con người, nó siêu nhiên.

Chúng ta phải biết đến sức mạnh của nó, và viết nhạc vì thế trở thành công việc xiển dương cho quyền năng của Âm thanh Vũ trụ. Mà nói chi Vũ trụ cho to tát, Vũ trụ ấy chính là Tâm chúng ta đây. Lắng nghe tiếng nói của Tâm, tu chỉnh nếp nghĩ, yêu thương nhiều hơn, oán hận ít hơn, là chúng ta đi gần về sự sắp xếp tối ưu của Vũ trụ đó thôi.
Viết nhạc, hay là hành thiền, tôi xác định rõ hành trình của mình: sẽ trải qua nhiều kiếp. Kiếp sau, tôi vẫn làm một nghệ sĩ và một thiền sinh.

Tôi đã trải qua hơn một tông phái Phật giáo: một thời đoạn dài theo Thiền, một đoạn ngắn nhưng miên mật theo Kim cang, rồi lại quay về Thiền. Nhiều lối, nhiều ngã rẽ, miễn sao tâm an và thần định. Miễn sao trong pháp môn ấy, vào thời điểm ấy, tôi suy tư sáng sủa nhất, giấc ngủ an định nhất, sức khỏe tốt nhất, cười nhiều nhất.

Phật giáo ngoài việc chỉ ra những lối đi nhỏ, ngắn, dễ thực hiện cho tôi (như điều chỉnh hành vi sống như thế nào, suy nghĩ tích cực thế nào, nguôi ngoai những nỗi sợ ra sao), thì còn cho tôi một cảm hứng lớn. Một câu kinh, một chủng ngữ, một linh ngữ, một vòng mala đều có năng lượng dương tính có thể rót đầy, rót tràn tâm trí tôi, cho tôi thỏa sức ngụp lặn trong nguồn nước thanh lành, kỳ ảo.

Tạp bút, Quốc Bảo, tháng 7/2015

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news