Tin mới

Phát hiện chấn động về phiên bản Covid-19 đang thống trị thế giới

Thứ ba, 30/06/2020, 10:21 (GMT+7)

Phiên bản virus corona đột biến đã kìm kẹp châu Âu và phương Tây dễ lây nhiễm hơn bởi nó không bị phá vỡ thường xuyên khi ở trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Scripps, Florida nói rằng "protein sợi" (spike protein) mà virus sử dụng để gắn vào các tế bào trong đường thở đã thích nghi từ tháng 1. Nó từng bị phá vỡ thường xuyên khi cố liên kết với các thụ thể trong đường thở của người. Thụ thể là thứ nó sử dụng để xâm nhập vào cơ thể. Thế nhưng, giờ đây protein sợi đã trở nên dẻo dai hơn.

Một đột biến gen mà các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra trong nhiều tháng dường như khiến protein sợi ít đứt gãy hơn và cũng buộc virus corona sản sinh nhiều hơn, khiến chúng dễ lây nhiễm hơn.

Kết quả, virus dường như lây nhiễm gấp 10 lần so với lúc nó mới nhảy sang người lần đầu ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, các nhà khoa học cho biết. Phiên bản đột biến của virus, được đặt tên là G614 (thay đổi từ D614) có sự thay đổi nhỏ trong cấu trúc di truyền. Các nhà khoa học không chắc nên làm gì khi tìm thấy nó. Nhưng đến tháng 5, nghiên cứu phát hiện nó đã trở thành chủng virus phổ biến ở những bệnh nhân Covid-19 khắp nước Anh, Mỹ, Canada và Italy.

Phiên bản virus corona đang thống trị Mỹ và phương Tây dễ lây nhiễm gấp 10 lần so với phiên bản cũ xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Ảnh: Reuters

Trưởng nhóm nghiên cứu của viện Scripps, Tiến sĩ Hyeryun Choe nói với tờ Washington Post rằng sự đột biến này dường như xảy ra để "bù đắp" cho những yếu kém của protein sợi trong quá khứ. Nhờ sự thay đổi này, virus giờ lây nhiễm nhanh gấp 10 lần phiên bản cũ. Cách mà virus xâm nhập vào cơ thể chính là sử dụng những gai sợi để bám vào một thụ thể (gọi là thụ thể ACE-2) bên trong đường thở của một người. Thụ thể ACE-2 về cơ bản là những cổng nhỏ mà virus sử dụng để xâm nhập vào máu và sau đó nhân lên nhanh chóng, phá hủy các tế bào xung quanh trong quá trình này và gây bệnh.

Tiến sĩ Choe và đồng nghiệp đã kiểm tra sự khác biệt giữa "spike protein", được đặt tên là S ở bên ngoài cả 2 phiên bản virus corona. Họ phát hiện ra: "Những kết quả này cho thấy SG614 ổn định hơn SD614, phù hợp với dữ liệu dịch tễ học cho thấy virus SG614 truyền nhiễm hiệu quả hơn". Họ nói rằng gai sợi mạnh hơn và virus có khả năng xâm nhập mạnh hơn thông qua cổng thụ thể ACE-2.

Tiến sĩ Choe nói với tờ Washington Post: "Nghiên cứu dịch tễ học và dữ liệu của chúng tôi đều giải thích lý do sự lây lan tại châu Âu và Mỹ thực sự nhanh... Điều này không phải tình cờ". Tuy nhiên, sức mạnh của protein sợi được cải tiến này dường như không khiến mọi người bị ốm nặng hơn hay nhẹ hơn. Họ cho rằng spike protein này dường như không liên quan đến khả năng sinh sản của virus một khi nó đã ở trong cơ thể. Quá trình sinh sản và sử dụng tài nguyên của cơ thể để sinh sản chính là cách mà virus corona gây bệnh.

"Một câu hỏi thú vị là tại sao virus mang SG614 ổn định hơn dường như dễ lây truyền hơn mà không dẫn đến sự khác biệt về mức độ bệnh nặng nhẹ", nghiên cứu của tiến sĩ Choe nói thêm. "Có thể mức protein S chức năng cao hơn, làm tăng khả năng truyền từ vật chủ sang vật chủ, nhưng các yếu tố khác lại hạn chế tốc độ và hiệu quả của sự sao chép bên trong vật chủ".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news