Tin mới

Phát hiện đĩa sứ ghi chữ Hán tại khu vực nghi mộ vua Quang Trung

Thứ tư, 12/10/2016, 21:11 (GMT+7)

Tại khu vực nghi lăng mộ vua Quang Trung, các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một đĩa sứ, phủ lớp men ở bên ngoài và có chữ Hán ghi ở giữa.

Tại khu vực nghi lăng mộ vua Quang Trung, các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một đĩa sứ, phủ lớp men ở bên ngoài và có chữ Hán ghi ở giữa.

Theo tin tức được báo Thanh Niên, Người Lao Động đăng tải. Vào sáng ngày 12/10, đoàn thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân (P.Trường An, TP Huế, Thừa Thiên- Huế)- nơi nghi lăng mộ vua Quang Trung đã phát hiện một chiếc đĩa chôn dưới lòng đất, ở độ sâu hơn 1,4m.

Chiếc đĩa có đường kính hơn 10cm, vành miệng bị vỡ một phần. Chiếc đĩa được làm bằng sành sứ, có màu xanh nhạt, mặt trước có một vài họa tiết đơn giản, ở giữa có chữ "Nhật" bằng chữ Hán, mặt sau đĩa không có họa tiết gì.

Theo các nhà khảo cổ học, việc phát hiện một đĩa sứ trong khu vực này sẽ góp phần cung cố thêm tư liệu hiện vật phục vụ cho công tác khảo cổ tại khu vực. Hiện các nhà khảo cổ học đã đánh số ký hiệu để đưa về nghiên cứu nhằm có những đánh giá về mặt niên đại, nguồn gốc xuất xứ của chiếc đĩa.

Phát hiện đĩa sứ ghi chữ Hán tại khu vực nghi mộ vua Quang Trung. Ảnh báo Người Lao Động

Được biết, trong sáng cùng ngày, các nhà khảo cổ cũng đã tiến hành đào mở rộng hố thăm dò số 5 ở một nhà dân (số 13/120 Điện Biên Phủ, TP Huế). Đây là hố thăm dò mà trước đó các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều tảng đá xếp chồng với nhau theo hình chữ L. Đoạn cuối của những tảng đá này xuất hiện các lớp vôi.

Trước đó báo Người Lao Động đưa tin, vào ngày 9/10, các chuyên gia Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế thám sát tại 3 hố đào ở nhà người dân, chùa Vạn Phước ở phường Trường An, TP Huế- nơi nghi ngờ có dấu vết cung điện Đan Dương, lăng mộ vua Quang Trung.

Tại hố khảo cổ tại gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh, đoàn thám sát đã đào được một lớp đất lạ có dấu hiệu khác với các tầng đất khác, nằm ở độ sâu khoảng 0,5m. Các chuyên gia cho rằng, đây là một lớp sỏi đằm trộn cát khác với lớp đất bình thường bên cạnh nghi là liên quan đến một công trình kiến trúc.

Được biết, Bộ VH-TT&DL đã đồng ý để Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp thăm dò khảo cổ tại khu vực gò Dương Xuân, phường Trường An, TP Huế. Đây là khu vực được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng là phủ Dương Xuân, điện Đan Phượng và cũng là nơi chôn cất vua Quang Trung.

Thời gian đào thăm dò khảo cổ học diễn ra từ ngày 30/9 - 15/10.

H.Yên (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news