Tin mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia

Thứ sáu, 22/05/2015, 10:30 (GMT+7)

Ngày 21/5, Phó thủ tưỡng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia.

Ngày 21/5, Phó thủ tưỡng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia.

Thí sinh biết lượng sức mình

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, năm nay, toàn tỉnh có 20.635 thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, số thí sinh dự thi tại cụm thi do các trường đại học chủ trì chiếm 60,55%; số thí sinh dự thi tại cụm do Sở GD-ĐT chủ trì là 39,45%.

Về tỷ lệ gần 40% học sinh Hải Dương chỉ đăng ký dự thi tốt nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy cả học sinh lẫn phụ huynh đã nhận thức rõ ràng hơn về định hướng nghề nghiệp thay cho tâm lý cứ tốt nghiệp là đi thi đại học, cũng không cần biết có đỗ hay không.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia tại Hải Dương.

Qua báo cáo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho rằng việc học sinh đăng kí thi đại học ít đi là một tín hiệu vui. Thứ nhất, việc phân luồng học sinh rõ hơn; Thứ hai là học sinh đã có nhận thức đúng đắn rằng không phải vào đại học là con đường lập nghiệp tốt nhất. 

Ở góc độ quản lý vĩ mô, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa phân tích, con số 40% thí sinh ở Hải Dương nói riêng và gần 280.000 thí sinh cả nước thi để xét tốt nghiệp cho thấy, việc đổi mới thi đã có tác động vào công tác phân luồng sau THPT khi học sinh đã biết lượng sức mình. 

Đề thi phải phân hóa được thí sinh

Cũng tại buổi làm việc, báo cáo với Phó Thủ tướng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Mai Văn Trinh cho biết, đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia THPT 2015 đã hoàn tất. 

Việc tổ chức 2 cụm thi xét tuyển vào ĐH, CĐ và xét tuyển tốt nghiệp đều diễn ra trong khuôn khổ 1 quy chế, 1 quy trình kỹ thuật, trong đó sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT địa phương và các trường đại học được quy định rất chặt chẽ. 

"Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các trường đại học với địa phương là giải pháp trước mắt, còn giải pháp lâu dài là mỗi cán bộ coi thi phải làm tốt công việc của mình để tổ chức thi ở đâu cũng phải nghiêm túc tiến tới học sinh có thể thi ngay tại trường học", ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh. 

Theo tin tức phóng viên Báo Người Đưa Tin tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu nhấn mạnh bên cạnh bảo đảm các khâu chuẩn bị để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực thì công tác thông tin, giải đáp các khúc mắc của người dân sẽ góp phần tạo sự đồng thuận, giảm áp lực không đáng có cho kỳ thi. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân, đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh của các trường và những trường tổ chức thi riêng. Bên cạnh đó, phải khảo sát tại những địa phương mà học sinh chỉ thi tốt nghiệp nhưng phải đi rất xa để kịp thời có giải pháp tháo gỡ. 

Đồng thời phải tiếp thu các ý kiến góp ý về đề thi. phân luồng tốt để chọn được học sinh giỏi vào đại học. 

"Đề thi phải phân hóa được học sinh và Bộ GD-ĐT phải khẳng định, qua đề thi minh họa và thi thử ở TPHCM vừa qua, để các thí sinh thấy rằng, học bình thường cộng với điểm học bạ là học sinh sẽ tốt nghiệp THPT. Như vậy để bớt áp lực gian lận cho thí sinh", Phó Thủ tướng chỉ đạo. 

Bên cạnh đó, các địa phương phải quán triệt yêu cầu tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đảm bảo kết quả thật trung thực. Tuyệt đối không để có chuyện học không tốt nhưng bằng cách trông thi hay chấm thi điểm lại cao. 

“Đổi mới là quá trình liên tục. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chính phủ muốn đổi mới kỳ thi nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, đúng pháp luật, thật thuận lợi cho dân, lấy kết quả này để lọc đầu vào ĐH, CĐ”, Phó Thủ tướng nói. 

Tâm An

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news