Tin mới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Luôn sẵn sàng giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý

Thứ sáu, 24/07/2020, 19:18 (GMT+7)

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho dù kết quả xét nghiệm của bệnh nhân ở Đà Nẵng âm tính hay dương tính thì vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý.

Liên quan đến ca bệnh nghi nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng, trong buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 chiều 24/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chúng ta đã xác định cuộc chiến chống dịch còn rất dài. Bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, tinh thần của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng bất kỳ lúc nào cũng có thể xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng".

Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng mà hàng đầu là ngành y tế, biên phòng, công an nâng cao tinh thần sẵn sàng, tuyệt đối không chủ quan. Ảnh: Bộ Y tế

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch cho đến ngày hôm nay là nỗ lực rất lớn. Nhưng "chúng ta ở cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta phải bao đê cho chặt".

Tuy nhiên, chúng ta có 'một tuyến đê' trên bộ dài tới 4.000 km. Đặc biệt, tới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đón một số lao động ở châu Phi về, theo báo cáo ban đầu có hơn 100 người nhiễm… Thực tế đó, dẫn tới "tuyến đê" của chúng ta không thể tránh khỏi những chỗ rò rỉ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch. Ảnh: DV

Do vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước. Đặc biệt là ngay khi phát hiện ra các chỗ 'rò rỉ' thì phải lập tức bịt lại, xử lý gọn ngay từ đầu. Không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và biểu dương tinh thần sẵn sàng và vào cuộc kịp thời của chính quyền và ngành y tế Đà Nẵng.

Bộ Y tế đã yêu cầu và TP. Đà Nẵng đã tiến hành lập toàn bộ danh sách những người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm. Ảnh: DV

Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 nhấn mạnh cho dù kết quả xét nghiệm của bệnh nhân ở Đà Nẵng âm tính hay dương tính thì vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý.

"So với 4 tháng trước đây, thì tình hình đã khác nhiều. Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều địa phương. Những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch", trên Nhân dân dẫn lời Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các địa phương coi đây giống như tín hiệu để siết lại mức độ sẵn sàng của ngành y tế, hệ thống phòng, chống dịch. Đồng thời yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.

Cũng tại cuộc họp, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở xét nghiệm COVID-19 hàng đầu Việt Nam - nơi khẳng định kết quả cuối cùng, hỗ trợ các địa phương xét nghiệm những mẫu xét nghiệm khó.

Đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn là bệnh nhân có bị nhiễm COVID-19 hay không. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục làm trong đêm nay, dự kiến đến sáng mai (25/7) sẽ có kết quả chính thức.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, ngay sau khi phát hiện ca nghi nhiễm Covid-19 là một người dân tại TP Đà Nẵng, Sở Y tế Đà Nẵng đã tiến hành họp khẩn với UBND TP. Sở Y tế đã có báo cáo nhanh về Bộ Y tế.

Song song với việc truy vết người tiếp xúc gần, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần, Đà Nẵng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm và cách ly trường hợp F1.

Bà Ngô Thị Kim Yến cho biết, bệnh nhân này đã đi dự hai tiệc cưới lớn với khoảng 800 người tham dự, rất khó cho việc truy tìm.

Hiện nay, đã xác định được các trường hợp tiếp xúc gần bao gồm khu vực bệnh nhân sinh sống, Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn.

Về truy vết khoảng 800 người tham gia tiệc cưới, ngành y tế sẽ trích xuất camera để xác định trường hợp F1 có tiếp xúc gần.

Cũng theo bà Yến, khó khăn nhất là hiện nay chưa xác định được nguồn lây. Hành trình di chuyển của bệnh nhân khá phức tạp.

Tuy nhiên, rất may bệnh nhân chỉ ở tại địa bàn, không đi ra khỏi nơi cư trú. Từ khi đến Bệnh viện C đến khi nhập viện, bệnh nhân cũng rất mệt. Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng đã lập danh sách người tiếp xúc gần.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news