Tin mới

Phụ huynh phải "tự nguyện" đóng 17 triệu bảo dưỡng điều hoà

Thứ bảy, 20/09/2014, 08:18 (GMT+7)

Đầu mỗi năm học, các khoản thu của các trường luôn được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Và câu chuyện đóng 17 triệu đồng/lớp để bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa ở trường THCS Lê Quý Đôn là một trong số đó.

Đầu mỗi năm học, các khoản thu của các trường luôn được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Và câu chuyện đóng 17 triệu đồng/lớp để bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa ở trường THCS Lê Quý Đôn là một trong số đó.

Mới đây, sau buổi họp phụ huynh đầu năm lớp 6 ở Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội), một vị phụ huynh bức xúc vì khoản tiền trường. Vị phụ huynh này cho biết: “Ai lại bảo phụ huynh trên tinh thần tự nguyện đóng 17 triệu đồng để bảo dưỡng, bảo trì 2 cái điều hòa cũ do lớp trước để lại bao giờ? Mà vẫn mang tiếng là dùng nhờ điều hòa của trường, hỏng hóc gì phải báo trường xem xét, sửa chữa...”

Theo vị phụ huynh này, số tiền đó đủ để mua 2 cái điều hòa mới, đủ dùng trong 4 năm THCS rồi biếu lại trường sau khi các con khi tốt nghiệp. Trong khi lại được là của lớp, có thể bảo dưỡng một cách chủ động...

“Ai cũng thấy vô lý, nhưng không phải ai cũng dám phản đối. Chỉ có 15/55 phụ huynh dám giơ tay phản đối không nộp số tiền bảo dưỡng này mà đề nghị mua điều hòa mới cho các con, trong đó có mình”, vị phụ huynh chia sẻ.

Theo lời kể của phụ huynh này, khi thấy tình hình buổi họp căng thẳng, cô giáo chủ nhiệm vội can thiệp: "Các bác phụ huynh thông cảm, chủ trương của Nhà trường là thuyết phục các phụ huynh nộp tiền một cách tự nguyện, tự giác. Mong các bác nộp cho. Lớp chúng ta may mắn được thừa hưởng cái điều hòa còn chạy ra khí lạnh, chứ nhiều lớp khác điều hòa nóng lắm ạ!"

Vị phụ huynh tiếp: “Lỡ năm sau hoặc sau nữa các con lên lớp phải học những cái điều hòa nóng ấy thì sao, trong khi tiền bảo dưỡng đã đóng rồi mà Nhà trường cũng chỉ làm được thế thôi. Lúc đó phụ huynh lại đóng tiền mua mới à?

Nhà trường vừa được lớp trước để lại điều hòa vừa bắt lớp sau nộp tiền bảo trì (với số tiền tương đương mua mới). Còn những năm tới thì thế nào đây?".

Phụ huynh phải

Phụ huynh phải "tự nguyện" đóng 17 triệu bảo dưỡng điều hoà?

Trao đổi với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Mai Lan, Hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Tôi nghĩ rằng phản ánh này xuất phát từ việc phụ huynh chưa hiểu rõ chủ trương, mục đích của nhà trường. Hơn nữa, đây cũng chỉ mới là đưa ra để tham khảo ý kiến, khi tất cả phụ huynh đồng thuận trên tinh thần tự nguyện, lúc đó mới triển khai.

Là trường công lập nên việc lắp điều hòa cho các lớp, chúng tôi không được dùng ngân sách để lắp điều hòa cho học sinh. Xuất phát từ việc cha mẹ đến lớp thấy con em quá nóng nực, vì thế từ những năm trước phụ huynh đã đề nghị cho phép họ xã hội hóa hệ thống điều hòa cho các lớp. Chúng tôi đã xin chủ trương và được sự đồng ý của cấp trên”

Theo bà Lan, với diện tích một lớp khoảng 50m2, một điều hòa là không đủ mà phải dùng 2 điều hòa. “Chúng tôi cũng chỉ cho lắp đến loại 12000 BTU để tránh quá tải. Cùng đó, các phụ huynh cũng đề nghị cho phép lắp điều hòa 2 chiều. Khi làm, người ta gửi báo giá từ việc mua cho đến lắp đặt, phụ phí khác về đường dây, công tơ,… rơi vào mức 14 triệu đồng/cái. Như vậy, để lắp mới một hệ thống điều hòa mất khoảng 28 triệu/lớp”, bà Lan nói.
Bà Lan cho rằng, nếu theo cách nói của phụ huynh là với số tiền 17 triệu có thể mua được 2 điều hòa mới, thì thậm chí không chỉ 2 mà có thể 3 hoặc 4 cái. Tuy nhiên, theo bà Lan còn phải tính đến chủng loại để đảm bảo thống nhất hệ thống điều hòa, tránh quá tải về điện,…Vì vậy, việc 17 triệu để mua được 2 điều hòa mới theo lời phụ huynh để thích hợp với hệ thống chung của trường là không thể.    

“Việc con em họ được hưởng lại, sử dụng điều hòa hoàn toàn là do việc xã hội hóa. Các khối trước đã xã hội hóa mỗi năm một ít, đến thời điểm này đã cơ bản là đủ khoảng 90%, đều cùng chủng loại Panasonic 12000 BTU. Đến khi ra trường các khóa trước để lại điều hòa các em lứa mới được thừa hưởng. 

Lớp 6 đầu vào năm nay trường có 12 lớp thì hiện tại còn 3 lớp chưa có điều hòa. Trong cuộc họp vừa rồi, phụ huynh 3 lớp đó đề nghị cho họ tự nguyện xã hội hóa hệ thống điều hòa mới. Và khi họ làm kinh phí dự kiến cũng lên tới 28 triệu/lớp”, bà Lan nói thêm.

Theo bà Lan, 9 lớp 6 còn lại trong phòng đã có sẵn điều hòa của các lớp trước để lại. Vậy những lớp này vào thì không phải mua điều hòa nữa. Để lại điều hòa cho các em lớp 6, phụ huynh các khối khác có đề nghị khối 6 mới vào không phải lắp điều hòa mới thì phải có trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa chung cho hệ thống điều hòa của các lớp học.

“Đặt ra bài toán khối 6 năm ngoái mới đóng tiền mua điều hòa, năm nay các em lên lớp 7 thụ hưởng điều hòa của các lớp trên. Nếu chẳng may bị hỏng hóc, chẳng nhẽ lại bắt họ đi lắp mới một điều hòa mới. Vì vậy người ta đề xuất số tiền 17 triệu đó là để sửa chữa những điều hòa bị hỏng trong hệ thống chung của trường, không phải chỉ để sửa mỗi lớp đó”, bà Lan nhấn mạnh.

Ngoài ra, ban phụ huynh cũng có ý kiến là huy động làm nốt luôn 3 phòng chức năng để khi các con không học tại lớp mà sinh hoạt tại các phòng đó cũng được dùng điều hòa. Chưa kể, cũng phải có dự phòng sửa chữa.

“Chúng tôi tính ra trường hiện có khoảng gần 100 cái điều hòa và kinh phí bão dưỡng cũng chỉ tính là 500.000 đồng/năm đã là 50 triệu đồng. Lắp mới cho 3 phòng chức năng của trường 6 máy hết 84 triệu đồng. Ngoài ra, kinh phí dự phòng sửa chữa cũng phải có, giờ gọi để sửa chữa mỗi lần cũng mất đến tiền triệu. Với từng đó công việc, phụ huynh đã lên cho chúng tôi một dự toán khoảng 150 triệu. Số tiền này được chia ra cho 9 lớp 6 thì số tiền rơi vào khoảng 17 triệu đồng/lớp”, bà Lan phân tích.

Tuy nhiên, những phản hồi của nhà trường vẫn chưa thuyết phục được phụ huynh. Họ cho rằng, với số tiền đó họ sẵn sàng mua mới và tự trả tiền bão dưỡng điều hòa cho lớp con em mình, chứ không phải nộp một khoản tiền lớn mà vẫn phải sử dụng điều hòa cũ. Chưa kể, cách làm này tạo tiền lệ cho những thế hệ phụ huynh sau vẫn phải đóng góp những khoản tiền lớn mà mục đích sử dụng không rõ ràng, không thuyết phục.

Theo Infonet

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news