Tin mới

Putin "thành hoa giữa rừng gươm" tại Đại hội đồng LHQ

Thứ tư, 30/09/2015, 19:55 (GMT+7)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở lại và làm lu mờ Tổng thống Mỹ Barack Obama trên trường quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở lại và làm lu mờ Tổng thống Mỹ Barack Obama trên trường quốc tế.

Tổng thống Nga đã có mặt tại Liên hợp quốc hôm 28/9, lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, để đề xuất một cuộc đảo chính chống lại sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và tìm cách giành lại quyền kiểm soát liên minh chống IS từ tay Mỹ.

Và ông không phải là lãnh đạo duy nhất của một nước đang thách thức Mỹ tại một cuộc họp toàn cầu thường niên.

Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Đại hội đồng LHQ cũng cho thấy ông Obama không chỉ bảo vệ các chính sách đối ngoại của mình (những Chính sách đã bị chính các ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ phản đối) mà còn cả toàn bộ khái niệm trật tự thế giới mà Mỹ lãnh đạo suốt 7 thập kỷ qua.

Nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi cũng đã nhấn mạnh những thách thức đa cực đối với sức mạnh của Mỹ như: những đế chế đang say ngủ tìm kiếm sự hồi sinh, Mỹ phải đối mặt với những thách thức quân sự từ Đông Âu cho tới Trung Đông, châu Á.

Tổng thống Barack Obama đưa tay cho Tổng thống Nga trong cuộc gặp tại Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 28/9. Ảnh: REUTERS/Kevin Lamarque

Ông Obama đã chấp nhận chính sách khuyến khích các nước khác giải quyết mối đe dọa trong khu vực của họ, ví dụ như kéo Saudi Arabia và Jordan vào liên minh chống IS. Nhưng với phương pháp tiếp cận này, các lực lượng khác tham gia vào cuộc xung đột - bao gồm Iran và giờ là Nga tại Syria - sẽ không nhất thiết phải đồng ý với ưu tiên chấm dứt trò chơi của Mỹ.

Tổng thống Obama đã tận lực biện minh cho các chính sách của mình - đặc biệt nhấn mạnh dùng ngoại giao thay vì vũ lực - trong bài phát biểu của ông tại LHQ. Nhưng, dường như, ông ở trong thế phòng ngự trước những lời chỉ trích cho rằng các chính sách của ông đã khuyến khích các đối thủ Mỹ.

Đối thủ hăng hái nhất của ông Obama hôm 28/9 là ông Putin. Đến với cuộc họp này, ông Putin đang tìm kiếm cơ hội cho vấn đề Ukraine và Syria và tin rằng tổng thống Mỹ sẽ không chống lại.

Nga chỉ trích sự can thiệp của Mỹ

Thông điệp của ông Putin tại LHQ hôm 28/9 khá đơn giản: Sự can thiệp và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ đã mang lại kết quả ngược ở Trung Đông và giờ đã là lúc để thử nghiệm cái gì đó mới.

Bài phát biểu của ông đã làm thay đổi không nhiều ấn tượng phổ biến ở một số nước phương Tây: mục tiêu của ông ở Syria không chỉ để củng cố một đồng minh của Moscow mà chủ yếu là để ngăn chặn sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông.

Putin nhắm cụ thể vào sự can thiệp của Mỹ ở Iraq và Libya. Theo ông, sự can thiệp này đã cổ vũ cho một khoảng trống quyền lực đã được lấp đầy bởi "những kẻ cực đoan và khủng bố".

"Giờ thì mọi người có nhận ra những gì mình đã làm không?".

Ông đã kêu gọi tổ chức một hội nghị bộ trưởng, sau đó là một nghị quyết LHQ để định hướng lại chiến lược chống IS. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát Mỹ tin rằng mục đích thực sự của ông Putin là ưu tiên cho các cuộc tấn công chống lại phiến quân đối lập với al-Assad và ngăn chặn những nguyện vọng của Mỹ tại khu vực.

Cũng như Nga, Trung Quốc là nước từng rất mạnh và giờ đang tìm kiếm cơ hội hồi sinh. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đưa ra lời cảnh báo úp mở, chống lại những cuộc phiêu lưu quân sự mới của Mỹ: "Những người áp dụng phương pháp vũ lực tinh vi sẽ nhận ra họ chỉ đang tự lấy đá đập vào chân mình".

Iran, quốc gia bị Mỹ cáo buộc là hỗ trợ khủng bố khắp Trung Đông, đã miêu tả thoa thuận hạt nhân của mình với các cường quốc trên thế giới như một ví dụ về sự đầu hàng của Mỹ và đổ lỗi cho Washington về sự hỗn loạn tại Trung Đông.

Cảm nhận được những thách thức về sức mạnh của Mỹ, được thể hiện rất rõ tại LHQ hôm 28/9 vừa rồi, Tổng thống Obama đã công khai đổ lỗi cho việc nhận thức ông là một lãnh đạo yếu kém.

Bảo Linh (theo CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news