Tin mới

Thủ tướng lắng nghe tâm tư của gần 500 doanh nhân

Thứ sáu, 29/04/2016, 07:58 (GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào sáng nay 29/4 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp năm 2016 vào sáng nay 29/4 với tên gọi: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Đích thân mời doanh nghiệp dự đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh. Ảnh: Vietnamnet

Theo VOV, Vnexpress, Vietnamnet đưa tin, cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu lúc 8h30 sáng nay 29/4 tại TP. HCM. 

Tại hội nghị, dự kiến Thủ tướng sẽ trực tiếp gặp gỡ khoảng 300 - 500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc... 

Qua hội nghị, người đứng đầu Chính phủ muốn phát đi thông điệp "doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế". Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

Vấn đề môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đặt ra hết sức bức thiết trong bối cảnh hội nhập cũng như yêu cầu phải giải quyết nhiều vấn đề trước mắt và lâu dài của nền kinh tế.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đơn vị được giao nhiệm vụ tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp cả nước gửi đến Thủ tướng. Văn bản tổng hợp dài hơn 130 trang được chuyển tới Văn phòng Chính phủ đã ghi nhận hàng trăm phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề khác nhau từ nhiều địa phương.

Các kiến nghị được chia thành 10 nhóm vấn đề về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các thủ tục đăng ký kinh doanh; thuế, hải quan; vấn đề vốn, tiếp cận vốn, giao thông vận tải, phí và lệ phí... Trong số này, có nhiều kiến nghị dựa trên tình trạng thực tế mới phát sinh thời gian gần đây cho tới những vấn đề còn tồn đọng từ lâu chưa được giải quyết. 

Các vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các doanh nghiệp là những vướng mắc về cơ chế Chính sách thuế, hải quan, lãi suất, khai thông nguồn vốn và đất đai, giải phóng mặt bằng...

Sau cuộc gặp gỡ, Chính phủ và bộ ngành, địa phương sẽ tiến hành họp bàn để giải quyết ngay những vấn đề nói trên, đồng thời sẽ ban hành một Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, phát triển doanh nghiệp trong tháng 5/2016.

Trao đổi trên VOV, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kỳ vọng: “Động thái này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, của Thủ tướng mới đối với doanh nghiệp, hy vọng sẽ có những quyết sách mạnh mẽ để tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Các chuyên gia đánh giá cao việc Thủ tướng đối thoại Doanh nghiệp và kỳ vọng sau hội nghị Chính phủ sẽ có quyết sách đột phá thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news