Tin mới

Sau 3 năm, Bộ trưởng Giáo dục đã thấy "bình thường"

Thứ năm, 30/01/2014, 08:50 (GMT+7)

Ngày 29 Tết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ cảm xúc của mình khi ngồi trên ghế nóng thời gian qua, với biết bao biến cố cũng như hàng loạt sự việc xảy ra.

Ngày 29 Tết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ cảm xúc của mình khi ngồi trên ghế nóng thời gian qua, với biết bao biến cố cũng như hàng loạt sự việc xảy ra.

 

Từ rất buồn đến bình thường

Bày tỏ cảm xúc của mình sau khi đảm nhận trọng trách quan trọng 3 năm qua, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: "Tôi cảm thấy cũng bình thường. Cũng có cái khó khăn và thuận lợi, có sức ép, thách thức và cũng có nhiều điều động viên khuyến khích".

Ở cương vị Bộ trưởng, phải đối mặt với những căn bệnh trầm kha của lĩnh vực giáo dục, ông thấy trong 3 năm qua từng bước quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XI và gần đây là Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo, có thể hình dung thành 2 khối công việc lớn:

Thứ nhất là chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật. Giải quyết những bức xúc, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm trong xã hội.

Thứ 2 là có sự thay đổi theo hướng căn bản và toàn diện trong nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và thầy cô giáo. 

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận

Ông cũng cho biết những công việc sẽ được thực hiện trong thời gian tới: "Chúng tôi đã và đang triển khai một loạt công việc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây là điều ấn tượng nhất, thành công nhất. Không phải của cá nhân mà là của toàn ngành và cũng là thành công của nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục".

Trả lời câu hỏi, tại sao Bộ điều chỉnh thi vào thời điểm này mà không dồn sức để chuẩn bị cho việc đổi mới hoạt động thi cử, đánh giá một cách căn bản sau 2015, khi có chương trình SGK mới. Ông Luận nói: "Nếu thực hiện những điều chỉnh ngay trong năm nay, thì cũng phải chuẩn bị thật chu đáo, mục đích là làm giảm nhẹ quá trình học và thi của các cháu chứ không làm khổ thêm, vất vả thêm. Vậy không lý gì mà chúng ta không làm ngay".

Nhớ lại trước đó, ngày 12/6, trong số 47 thành viên Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận là những người phải nhận nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất với 177 phiếu, 86 phiếu tín nhiệm cao và 229 phiếu tín nhiệm.

Trong giờ Quốc hội giải lao, sau khi biết kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đi bộ một mình ra sau hội trường, từ chối trả lời phỏng vấn nhà báo và nói: “Tôi đang rất buồn".

Giáo dục còn ngổn ngang

Trong khi đó, từ khi lên nhậm chức, Bộ trưởng Luận liên tục gặp phải những điều kiện khách quan không hay khiến cho chiếc ghế bộ trưởng của ông không còn êm ái như các nhiệm kỳ trước.

Ngày 10/1, một lần nữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận lại ví von một trong những yếu kém của giáo dục nước nhà  với "nhà cao tầng”. Theo ông Luận, hệ thống giáo dục hiện nay được ví như một nhà cao tầng, từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ. Đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại, muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải vòng xuống tầng 1 để lên.

Ông cũng nói thêm, qua tổng kết đánh giá thực trạng về giáo dục Việt Nam hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quá trình phát triển khoa học giáo dục và tổ chức dạy - học ở trường phổ thông, ngành giáo dục nhận thấy cách thiết kế chương trình và cách dạy, cách học hiện nay giống như của các nước khác cách đây 30 - 40 năm trở về trước. 

Cần thay đổi tích cực hệ thống giáo dục

 

Sự thẳng thắn của vị tư lệnh ngành khi nhìn vào những yếu kém của ngành mình quản lý khiến một lần nữa lại đánh giá cao về sự trung thực, mạnh dạn khi ông dám nhìn thẳng vào sự thật.

 

Trước đó, chính vị Bộ trưởng này cũng phát ngôn về chất lượng giáo dục khiến dư luận dậy sóng và từng đặt câu hỏi: Liệu Bộ trưởng có đặt mình ở vị trí tư lệnh ngành và sẽ làm gì với những yếu kém hiện có?!

Đó là khi UB Thường vụ Quốc hội họp thường kỳ và bàn về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau khi nghe những nhận xét đánh giá về kết quả giám sát việc thực hiện Chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với hàng loạt cụm từ chỉ sự hạn chế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: "Trên tổng thể, giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu".

Mới đây, ngày 6/1, tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT tại TPHCM, ông Luận trăn trở: "Thi tốt nghiệp THPT hiện đang còn bộc lộ khá nhiều bất cập vì gây tốn kém về chi phí, lại tạo nhiều áp lực thi cử đối với học sinh. Đó là khâu yếu kém, hạn chế nhất trong giáo dục hiện đại, tạo ra nhiều vấn nạn, bức xúc trong xã hội.

Chính vì vậy, trong công cuộc đổi mới giáo dục, cần phải đổi mới hình thức thi của chương trình thi tốt nghiệp THPT, từ đó giảm áp lực học tập cho học sinh".

Nền giáo dục của Việt Nam còn nặng kiến thức, nhẹ thực hành, thiếu xây dựng kỹ năng và phẩm chất cho người học.

Dường như, hiện tại Bộ trưởng Giáo dục đã bình tâm đối diện với những vấn đề trầm kha của giáo dục, coi sự thật ấy là chuyện bình thường để tìm cách tháo gỡ.

Thanh Huyền

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: biến cố