Tin mới

Sinh viên phản đối quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên"

Thứ sáu, 10/04/2015, 13:10 (GMT+7)

Nhiều sinh viên bày tỏ sự không đồng tình với quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên" mà trường CĐ nghề Việt - Mỹ (TP HCM) vừa đưa ra.

Nhiều sinh viên bày tỏ sự không đồng tình với quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên" mà trường CĐ nghề Việt - Mỹ (TP HCM) vừa đưa ra.

Như tin tức đã đưa, mới đây trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (TP.HCM) đã đưa ra quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên". 

Theo quy định, giáo viên trong trường hạn chế không ăn trưa, ăn tối, hẹn hò với một sinh viên. Khi cán bộ tiếp sinh viên tại phòng làm việc không được phép đóng cửa. Nếu thầy cô nào vi phạm, dù tình yêu đẹp hay chuyện đổi tình lấy điểm đều buộc phải nghỉ việc.

Đã có nhiều ý kiến trái chiều từ các giáo viên, sinh viên và các chuyên gia nghiên cứu tâm lý, xã hội về quy định được cho là mới lạ ở Việt Nam.

Sinh viên phản đối Quy định

Quy định “cấm giáo viên yêu học sinh” của trường CĐ Việt Mỹ gây tranh cãi. Ảnh: Zing.vn

Theo lý giải của TS Hoàng Anh Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Cao đẳng Nghề Việt Mỹ - người đưa ra quy định thì quy định này được trường xây dựng theo triết lý quan trọng và phổ biến của nền giáo dục phương Tây. Trường học phải tạo ra môi trường an toàn và công bằng.

Trao đổi trên Vnexpress, một giảng viên của trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ bày tỏ sự ủng hộ quy định "cấm thầy yêu trò" của nhà trường. Giáo viên này cho rằng, nếu giữa giảng viên và sinh viên có quan hệ tình cảm yêu đương thì chắc chắn giảng viên sẽ ưu ái, thiên vị sinh viên đó. Như vậy, sẽ tạo ra sự không công bằng trong môi trường giáo dục. Hơn nữa, khi mối quan hệ tình cảm giữa hai người gặp trục trặc sẽ gây ảnh hưởng tới nhà trường.

Tuy nhiên, một số sinh viên trong trường cũng không "hài lòng" với quy định liên quan đến tình cảm thầy trò này.

"Sinh viên đã trên 18 tuổi nên biết tự chủ trong hành động của mình. Tự do yêu đương là quyền của mỗi người. Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ ra quy định cũng phải đúng luật, Vnexpress trích chia sẻ của sinh viên Nguyễn Thị Phương (năm 3, ngành Quản trị nhà hàng khách sạn).

Nhiều sinh viên các trường CĐ, ĐH khác cũng có chung quan điểm này. Ho cho rằng chuyện "đổi tình lấy điểm" giữa thầy và trò cho dù là chủ ý của ai trong số hai người đều không thể chấp nhận được và cần xử lý nghiêm. Hoặc trường có thể cấm việc giáo viên với sinh viên, thậm chí cả sinh viên với nhau thể hiện tình cảm thái quá khi ở trong lớp học, khuôn viên nhà trường và có những hành vi phản cảm khiến dư luận lên án. 

"Việc nhà trường siết chặt một số nội quy, chấn chỉnh vấn đề đạo đức ở giáo viên, sinh viên trước nguy cơ đang bị buông lỏng như một số phản ánh của dư luận gần đây. Tuy nhiên, những quy định này phải hợp lý và được các sinh viên ủng hộ thì mới có hiệu lực. Em thấy quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên" mà một trường CĐ ở TH HCM vừa đưa ra có thể áp dụng ở các trường trung học chứ không nên áp dụng cứng nhắc với sinh viên - đối tượng đã lớn hơn 18 tuổi. Bởi sự chênh lệch tuổi tác của một số giáo viên và trò ở các trường CĐ - ĐH không quá lớn và họ cũng đã nhận thức được hành động của mình. Tuy nhiên, để tránh những trường hợp tiêu cực, nhà trường nên quản lý chặt và xử lý nghiêm những trường hợp có biểu hiện "đổi tình lấy điểm" và có thể cấm giáo viên, sinh viên có những biểu hiện tình cảm thái quá ở trong trường", Nguyễn Thái Bảo, sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chia sẻ. 

Đồng quan điểm, Đỗ Thị Thủy, sinh viên năm 3, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, chỉ nên cấm và xử lý nghiêm những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và luân thường đạo lý còn việc có tình cảm trong sáng, đúng chữ "duyên" thì không nên.

"Nhà trường có thể cấm các giáo viên đã có gia đình có tình cảm vượt quá tình thầy trò với sinh viên chứ chuyện "trai chưa vợ, gái chưa chồng" có tình cảm với nhau thì không thể cấm. Hơn nữa, nếu đã là chữ duyên thì có cấm cũng không được", Đỗ Thủy nêu thêm. 

Còn về việc, sợ ưu ái, gây bất công cho các sinh viên khác khi giáo viên có tình cảm với sinh viên, Nguyễn Minh Thùy, sinh viên năm thứ 2 Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho rằng, nhà trường hoàn toàn có thể tạo cơ chế giám sát việc cho điểm đánh giá của giáo viên đối với sinh viên. 

"Mối giáo viên phụ trách một môn học nhưng trên đó còn có phụ trách bộ môn, trưởng khoa, thậm chí nhà trường có thể lập một ban kiểm soát bảng điểm sau mỗi kỳ thi nếu muốn ngăn chặn chuyện ưu ái. Ngoài ra, trong một lớp học, còn nhiều sinh viên khác, nếu có phản ánh tiêu cực thì nhà trường lúc đó xử lý thật nghiêm theo đúng quy định", Minh Thùy nói.

Một sinh viên khác thì cho rằng, nếu nói về chuyện ưu ái trong cho điểm thì đối tượng "thầy yêu trò" chỉ chiếm số lượng nhỏ mà do quen biết, nhờ vả mới nhiều. 

H.Minh 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news