Tin mới

Số trẻ dương tính với sán lợn ở Bắc Ninh tiếp tục tăng: Cục Y tế dự phòng lên tiếng

Thứ hai, 18/03/2019, 11:01 (GMT+7)

Trước sự việc hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh được phát hiện dương tính với sán lợn, Cục Y tế dự phòng đã lên tiếng chính thức về dịch bệnh này.

Tính đến 18h ngày 17/3, kết quả xét nghiệm cho khoảng 2.000 trẻ của huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đến khám tại 2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Trung ương cho thấy có 209 trẻ dương tính với sán dây, ấu trùng sán lợn.

Những ngày qua đã có hàng nghìn gia đình ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đưa con lên Hà Nội để khám, xét nghiệm sán lợn. Ảnh: TAN

Từ sáng sớm nay (18/3), nhiều phụ huynh trong xã Thanh Khương tiếp tục đưa con em đến Trường mầm non Thanh Khương lấy máu xét nghiệm để xác định có bị nhiễm sán lợn hay không.

Trước sự việc sự việc này, Cục Y tế dự phòng đã đưa ra khuyến cáo để người dân có thể phòng tránh và hiểu rõ về dịch bệnh này, tránh gây hoang mang.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh có 2 thể chính, bệnh ấu trùng sán lợn và bệnh sán trưởng thành ở ruột. Trong đó, bệnh ấu trùng sán lợn xuất phát từ việc người bệnh ăn hoặc nuốt phải trứng, ấu trùng sán lợn - nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài cơ thể.

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ giống như như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ tăng gấp bội.

Sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,... Tại đây, ấu trùng sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà người nhiễm có những biểu hiện khác nhau.

Đối với người mắc bệnh sán trưởng thành, bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Cục Y tế dự phòng khẳng định, có thể điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay Ngành y tế vẫn đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, các biện pháp về tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương để kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh được Ngành y tế đặc biệt chú trọng thực hiện.

Vì vậy, để phòng bệnh sán lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần đảm bảo các yếu tố sau:

- Nên thực hiện ăn chín, uống sôi.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm

- Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Sử dụng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn.

Đối với người mắc bệnh, bệnh nhân tránh phóng uế bừa bãi tạo nguy cơ lây bệnh cho cả cộng đồng, đồng thời phải kiên trì điều trị dứt điểm bệnh trong cơ thể. Các cơ sở chăn nuôi thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh; tuân thủ quy định trong giết mổ, vận chuyển buôn bán thịt lợn.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news