Tin mới

Sự thật bánh chưng, gà cả con vứt ngập xe rác?

Thứ sáu, 07/02/2014, 15:51 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) “Ở nơi khác không biết thế nào nhưng khu vực tôi làm thì không gặp cảnh gà vứt cả con, bánh chưng đầy túi. Năm nay tôi chỉ gặp rác thực phẩm là rau ủng và túi ni lông là nhiều", một lao công chia sẻ.

(Tinmoi.vn) “Ở nơi khác không biết thế nào nhưng khu vực tôi làm thì không gặp cảnh gà vứt cả con, bánh chưng đầy túi. Năm nay tôi chỉ gặp rác thực phẩm là rau ủng và túi ni lông là nhiều", một lao công chia sẻ. 

Ngày 6/2 trên một trang báo điện tử xuất hiện bài viết phản ánh tình trạng bánh chưng, xôi gà vứt đầy xe rác sau Tết khiến dư luận trăn trở trước sự lãng phí của người dân thành phố. Thế nhưng, một số bài viết trên các trang báo khác lại nhận định, số lượng thực phẩm vứt bỏ sau Tết giảm hơn những năm trước.

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã ghi nhận thêm thông tin từ một số nhân viên môi trường ở Hà Nội. Theo đó, đa số lao công cho biết, lượng rác thải trong những ngày Tết nhiều hơn ngày bình thường trong năm nhưng lượng rác là thực phẩm ít hơn những năm trước nhiều.

“Chỉ có rác rau ủng, túi ni lông là nhiều”

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Lan, công nhân công ty CP Môi Trường Thăng Long phụ trách khu vực phố Vĩnh Hưng cho biết, mỗi dịp Tết đến là chị Lan lại chuẩn bị tải lớn, tải nhỏ để đựng thức ăn thừa mà người dân đổ đi gom mang về chăn nuôi lợn nhưng năm nay chỉ bằng ¼ so với Tết 2012 và hơn nửa so với năm ngoái. Các loại rác thải ra chủ yếu là rau cỏ, túi bóng, vỏ lon nước ngọt, vỏ lon bia...

“Ở nơi khác không biết thế nào nhưng khu vực tôi làm thì không gặp cảnh gà vứt cả con, bánh chưng đầy túi. Như các năm trước thì chỉ cần đi khoảng dăm, bảy nhà là đã đầy một xe. Tôi khá bất ngờ khi thấy lượng rác năm nay ít hơn hẳn, cả 3 ngày Tết dồn lại mà đi cả chục nhà vẫn chưa đầy một xe. Nhất là, năm nay kinh tế khó khăn, người dân ăn Tết nghèo nên rác thực phẩm không có nhiều. Bánh chưng thì hiếm hôm mới thấy một cái chuột khoét không ăn được, thịt, cá hầu như không có, chỉ có rác thải túi ni long là nhiều. Rác ít hơn nên năm nay tôi không phải đi sớm về khuya như những năm trước”, chị Lan chia sẻ.

Có thật bánh chưng, gà cả con vứt ngập xe rác?

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân công ty CP Môi Trường Thăng Long: "Rác năm nay chỉ có rau và ni lông là nhiều"

Không chỉ rác thực phẩm, lượng vỏ lon bia, nước ngọt cũng ít hơn hẳn so với những năm trước.

Theo chị Ngọc, công nhân công ty vệ sinh môi trường Thăng Long - khu vực Lĩnh Nam, năm ngoái kinh tế bắt đầu khó khăn hơn trước nhưng nhiều nhà vẫn vứt vỏ cả một két, một hộp bia nhưng năm nay vụn vặt, mỗi nhà vài lon, không đáng là bao. Theo đó, thay vì mỗi buổi chị thu được một bao tải đầy các loại vỏ chai, vỏ lon, thì năm nay không được một túi bóng.

Rác ít công nhân vệ sinh nhàn hơn nhưng theo chị Ngọc mọi người cũng kém vui vì không kiếm thêm được đồng nào từ phân loại rác.

"Tết năm 2012, thực phẩm thừa người dân đổ đi nhiều vô kể, mang túi đựng không xuể, không những thế nhờ có đống vỏ chai, lon mà mỗi buổi chúng tôi có đủ tiền ăn khuya nhờ bán đồng nát. Nhưng năm nay kiếm tiền mua mớ rau thôi xem chừng khó quá. Mất công phân loại đủ thứ rác nhưng toàn túi nilon, chẳng thấy thứ nào bán được”, chị Ngọc giãi bày.

Vì sao dân nghèo mà vẫn có bánh chưng, xôi thịt vứt rác?

Dù lượng thực phẩm người dân đem vứt bỏ năm nay ít hơn những năm trước nhưng theo các nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội học việc người dân mua quá nhiều thực phẩm trong dịp lễ, Tết gây lãng phí lớn là điều không nên.

Theo PGS. TS. Hà Đình Đức, nhà nghiên cứu văn hóa, Trong tâm lý của người Việt Nam từ trước đến nay, luôn quan niệm rằng làm ăn cả năm, ngày Tết cùng phải chi tiêu sắm sửa đầy đủ thoáng hơn những ngày khác trong năm. Một cái Tết đầy đủ báo hiệu một năm mới sung túc hơn năm trước. Chính vì thế việc tính toán thực phẩm trong những ngày Tết thường quá mức.

Có thật bánh chưng, gà cả con vứt ngập xe rác?

PGS.TS Hà Đình Đức

Ngày nay đời sống người dân khấm khá lên, việc chi tiêu cho ăn uống ngày càng khác biệt so với thời bao cấp – có tiêu chuẩn, có tem, phiếu… Thêm nữa trong những ngày Tết hầu hết các gia đình đều đi thăm hỏi nhau, đến đâu cũng ăn, uống dẫn đến lượng lớn thức ăn chuẩn bị cho dịp Tết không được sử dụng đến. Các phiên chợ, siêu thị bán đồ ăn tươi, sống cũng mở từ mùng 2 Tết, sớm hơn rất nhiều so với những năm trước, đây cũng là nguyên nhân mà lượng thức ăn tích trữ trong dịp Tết cũng ít được sử dụng. Đến thời gian này (6,7 Tết), khi có điều kiện mang ra sử dụng thì thực phẩm này lâu ngày đã quá hạn, mốc hỏng không dùng được nữa, đành phải đổ đi.

Cũng theo ông Đức, hiện tượng thức ăn dư thừa, vứt bỏ dịp Tết chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn. Hiện nay, người dân đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi không chỉ ngày thường mà ngày Tết vẫn thiếu thốn, đói ăn.

“Lãng phí thực phẩm là câu chuyện không mới, chính vì vậy tìm ra giải pháp tiết kiệm thực phẩm hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết, đặc biệt với đất nước còn nghèo như ở Việt Nam.

Trước hết mỗi người dân, mỗi gia đình cần phải tính toán lượng thực phẩm sử dụng sao cho hợp lý, mỗi người nên có ý thức về cộng đồng, nên chăng mỗi dịp Tết đến mỗi gia đình nên tính một lượng thực phẩm nhất định sử dụng, cùng với đó trích một phần số lượng đó làm Từ thiện quyên góp cho người nghèo”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng, để thực hiện được điều này không dễ.

“Đã có không ít hình ảnh xấu về người Việt Nam liên quan đến ăn uống, chén, lấn, tranh dành trong các buổi tiệc Buffe, shusi… làm thế nào để cải thiện những hình ảnh này là vấn đề nan giải. Cần ý thức bản thân của mỗi người dân, được giáo dục trong nhà trường từ nhỏ, từ đó nét văn hóa mới được hình thành, TS Đức lý giải.

Huyền Anh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news