Tin mới

Sự thật ngỡ ngàng về cuộc hôn nhân với người chồng Đài Loan

Thứ hai, 20/01/2014, 10:30 (GMT+7)

3 năm nên nghĩa vợ chồng với anh Phong, đến nay, chị Dương Thị L mới thực sự tin rằng, hạnh phúc đã mỉm cười với mình. Người chồng hiện tại mang lại điều đó cho chị là đàn ông Việt chứ không phải gã chồng Đài Loan mà chị từng mơ ước rằng sẽ đổi đời được với họ.

3 năm nên nghĩa vợ chồng với anh Phong, đến nay, chị Dương Thị L mới thực sự tin rằng, hạnh phúc đã mỉm cười với mình. Người chồng hiện tại mang lại điều đó cho chị là đàn ông Việt chứ không phải gã chồng Đài Loan mà chị từng mơ ước rằng sẽ đổi đời được với họ.

 

Lấy chồng Đài Loan, về tắm cho bố chồng

Sinh ra và lớn lên ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên, chị Dương Thị L là cô gái dân tộc Tày nổi tiếng xinh đẹp ở thị trấn miền núi đó. Học hết cấp 3, chị L xuống Hà Nội làm công nhân thêu ở xưởng thêu An Quý, Cầu Diễn, Hà Nội. Vì khéo tay, nhanh nhẹn, chị được bầu làm tổ trưởng.

Xưởng thêu của chị thường làm hợp đồng cho một công ty môi giới xuất khẩu lao động sang Đài Loan để bán hàng. Nhờ đó, chị quen một vài người làm môi giới lao động xuất khẩu Đài Loan. Họ rủ chị L bỏ xưởng thêu sang Đài Loan làm công nhân. Làm ở bên đó, thêu trên máy vi tính vừa tiện, vừa học hỏi được rất nhiều.

Nghe đến việc vừa làm trên máy tính, vừa có thu nhập 10 triệu đồng/tháng, chị L đồng ý bỏ việc ở xưởng của mình và đến công ty học tiếng đi Đài Loan. Người yêu của chị L lúc đó chỉ làm hàn xì, lương ba cọc ba đồng. Điều chị lo lắng nhất khi chị đi nước ngoài lao động là anh có chờ chị về để cưới mình hay không.

Qua bản lý lịch gửi ra nước bạn, chị trúng tuyển đi làm công nhân may. Niềm vui trúng tuyển không được bao lâu, mẹ chị bị tai biến mạch máu não phải đi viện cấp cứu. Hai tháng bà nằm viện, toàn bộ của cải trong nhà đội nón ra đi hết. Số tiền hơn 60 triệu để chị đi xuất khẩu lao động gia đình không thể vay mượn được. Chị đành từ bỏ ước mơ xuất ngoại.

Mẹ chị qua khỏi nhưng bà bị liệt một chân, việc đi lại phải nhờ vào nạng. Từ đó, cuộc sống gia đình nhà chị L càng khó khăn hơn. Hai anh trai có vợ cũng không có công ăn việc làm. Ki ốt mẹ chị bán hàng ở chợ bị người ta đòi lại không cho thuê. Em gái chị L đang học cao đẳng có nguy cơ phải nghỉ học.

Thấy hoàn cảnh nhà mình quá khó khăn, chị L quyết tìm người giáo viên dạy tiếng Trung để hỏi về việc lấy chồng Đài. Chị được người ta tư vấn lấy chồng Đài Loan không phải mất chi phí như làm công nhân. Hơn nữa, chị vẫn có thể đi làm như một người sở tại bình thường nếu có đăng ký kết hôn, được làm chứng minh thư ở Đài Loan.

Nghe về tương lai xán lạn, chị L gật đầu làm thủ tục xuất ngoại lấy chồng. Mọi thủ tục đều được công ty làm cho, chị L chỉ biết mang theo hành lý cá nhân của mình. Ngày chị đi, cả gia đình chị đều mong con gái của họ sẽ được may mắn. Chị L bay vào TP.HCM và hai ngày sau bay sang Đài Trung.

Khi sang đến sân bay, chị được nhân viên của công ty đưa lên ô tô và chở thẳng về nhà chồng mới. Gia đình mà chị đến làm dâu là một gia đình khá giả. Người đàn ông chị lấy làm chồng đã ngoài 50 tuổi, ông ta bị vợ con bỏ, ở với bố mẹ già. Ban đầu, ông chồng có vẻ chiều chị L.

Hàng xóm nhà chị cũng là một người phụ nữ Sài Gòn lấy chồng Đài Loan nên chị có bạn bè trò chuyện. Chị nghĩ hạnh phúc đã mỉm cười với mình. Tuy nhiên sự dễ dãi ấy chỉ được hai tháng đầu, từ những tháng sau trở đi, họ không cho chị L tiếp xúc với người Việt Nam.

Dương Thị L mới thực sự tin rằng, hạnh phúc đã mỉm cười với mình

Chị L sinh con trai nhưng chị vẫn không nhận được một đồng nào của gia đình nhà họ để gửi về quê cho mẹ chữa bệnh. Mọi chi phí sinh hoạt, chị đều phải xin từng đồng lẻ một. Chị L xin chứng minh thư của Đài Loan để đi làm nhưng không được gia đình nhà chồng đồng ý.

Họ sợ chị L có chứng minh thư sẽ bỏ trốn. Là con dâu, chị phải chăm sóc, tắm rửa cho ông bố chồng không tự đi lại được. Ban đầu, chị L còn ngượng ngùng chuyện động chạm cơ thể nhưng nếu chị làm họ phật lòng, họ có thể dội cả chậu nước vào người chị. Chuyện tắm giặt cho bố chồng mãi rồi cũng thành quen.

Người chồng già của chị L không mấy khi quan tâm đến vợ. Ông ta chỉ gần chị khi có nhu cầu về sinh lý, còn lại, ông ra ngoài tìm những người phụ nữ Việt Nam cũng làm công nhân ở đó. Chị L kể: “Ông ấy biết công nhân Việt ở bên đó rất “sạch” vì được khám sức khỏe định kỳ, không sợ lây bệnh truyền nhiễm”.

Nhiều lần, chị L muốn xin tiền gửi về cho mẹ thì bị chồng đánh thậm tệ. Chị sợ không bao giờ nhắc đến tiền ở gia đình ấy nữa. Bất đồng về ngôn ngữ càng khiến cho họ không hiểu nhau và chị L thường xuyên trở thành nơi để cả nhà xả bực tức.

Kể về người mẹ chồng cũ của mình, giọng chị L nghẹn lại: “Bà ấy coi tôi như ôsin. Tôi phải làm mọi việc, từ lấy nước ngâm chân cho đến việc giặt đồ. Bà ta yêu cầu tôi phải nằm ngay cạnh chân giường để có việc bà ta nhờ luôn”.

Đến năm 2006, L mang thai lần thứ hai. Đợt có bầu này, chị mang bao ê chề khi người chồng cho rằng cái thai không phải của ông ta. Lấy cớ đó, chồng thường xuyên đánh chị. “Mỗi lần đánh, ông ta cố tình đấm vào bụng tôi để cho cái thai ra ngoài. Để đảm bảo tính mạng cho hai mẹ con, tôi thường chui xuống gầm giường trốn mỗi khi chồng nổi cơn. Nếu hôm nào giọng ông ta không gay gắt, tôi mới ra để hầu hạ, tắm giặt cho”.

Tình yêu sét đánh

Đến năm 2008, kinh tế dần khó khăn hơn. Chồng chị L không làm ra tiền được. Ông ta không nuôi chị và đứa con trai thứ hai. Không được chồng nuôi ăn, chị L lại có cơ hội ra ngoài làm. Cũng từ đây, L quen với anh Nguyễn Văn Phong, quê ở Thanh Hóa, làm công nhân cùng xưởng.

Lần đầu gặp anh Phong, chị L đã thấy có tình cảm rất lạ. Anh Phong là trai chưa vợ nhưng lại khá điềm đạm và nhẹ nhàng. Chị kể về hoàn cảnh của mình với người chồng Đài Loan. Từ ngày chị ra ngoài làm, mỗi tháng chị kiếm được 800 đô la, chị nhờ anh gửi về cho bố mẹ ở quê một ít.

Biết vợ mình có bạn đồng hương, ông chồng Đài lại ghen tuông vô lối. Ông ta thường rình chị ở cổng công ty. Nếu không may chị đi cùng với anh Phong ra ngoài ông nhìn thấy thì hôm đó, chị L sẽ bị ông nhốt đánh sa sẩm mặt mày.

Nhiều lần, thấy chị L mặt mày thâm tím đi làm, anh Phong đoán ra chị bị chồng đánh nhưng không biết cầu cứu ở đâu. Những trận đòn roi đến dày đặc hơn. Chị đã nghĩ đến chuyện bỏ về nước. Nhưng để về quê đâu có dễ. Quá bế tắc, chị L nghĩ thuê luật sư để hủy hợp đồng hôn nhân, tuy nhiên số tiền thuê quá lớn, chị không có đủ.

Chị L kể tiếp: “Một người bạn quê Bắc Giang tặng tôi tờ báo Phụ nữ, ở bên đó báo từ Việt Nam sang đắt lắm. Tôi cầm tờ báo đọc không bỏ sót một chữ nào. Nhờ đó, tôi mới biết có một tổ chức hỗ trợ pháp lý cho người di cư nước ngoài, có cả người Việt Nam đang làm việc ở đó. Tôi và Phong tìm đến tổ chức ấy. Đến đó, tôi ngỡ ngàng vì có luật sư người Việt Nam. Nhờ có họ mà tôi mới ly hôn được với ông chồng vũ phu”.

Sau khi ly hôn chồng, chị L ở lại Đài Loan làm thêm hơn 1 năm nữa. Chị được đưa con thứ hai về nước cùng. Ngày trở về, người đón chị ở sân bay là anh Phong. Anh không chê chị đã có một đời chồng mà những điều anh biết về cuộc hôn nhân ê chề của chị càng khiến anh thương mẹ con chị hơn.

Khi về nước, anh Phong đã nói với gia đình rằng có con ở Đài Loan. Ai cũng nghĩ đứa trẻ là con ruột của hai người nên gia đình anh Phong không phản đối. Từ Thanh Hóa, họ lên tận Thái Nguyên tổ chức đám cưới cho cặp đôi.

Lấy nhau 3 năm nay, chưa bao giờ anh Phong nhắc lại quá khứ của vợ. Khi hỏi về vợ mình, anh chỉ cười: “Phải sống ở bên đó mới hiểu hết được, chứ về nhà kể lại cũng không ai biết đâu”.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news