Tin mới

Sự thật về “kho báu vua Gia Long” ở An Giang

Thứ tư, 16/09/2015, 12:53 (GMT+7)

Thông tin “kho báu vua Gia Long” chứa nhiều vàng bạc, đồ cổ tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đã rộ lên trong nhiều năm qua. Rất nhiều người mê sưu tầm kho báu, đồ cổ đã đổ về địa phương với hy vọng “đổi đời”.

Thông tin “kho báu vua Gia Long” chứa nhiều vàng bạc, đồ cổ tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, đã rộ lên trong nhiều năm qua. Rất nhiều người mê sưu tầm kho báu, đồ cổ đã đổ về địa phương với hy vọng “đổi đời”.

Theo đó, “kho báu vua Gia Long (1762-1820) được cho là chứa nhiều tài sản quý giá nằm dưới nền nhà của gia đình ông Trương Văn Cồ (ấp Núi Nước, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Những tin đồn bắt nguồn từ việc, gia đình ông Cồ đào được 2 phiến đá lạ có nhiều ký tự cổ, dày 20cm, dài 2m, rộng 1m ở dưới nền nhà.

Cho rằng 2 phiến đá này là nơi có “kho báu của vua Gia Long”, nên rất nhiều người từ các nơi khác kéo đến địa phương để nghe ngóng tin tức. Đặc biệt, những  tin đồn này ngày một lan rộng, kèm theo những câu chuyện huyền bí quanh “kho báu” này được thêu dệt khiến những người rà tìm kho báu kéo đến ngày một đông, tình hình an ninh trật tự tại địa phương phức tạp.

Trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Trương Văn Cồ cho biết: “Tôi mà biết có kho báu thì đã đào lên từ lâu rồi, đâu đến lượt họ. Còn hai phiến đá lớn phát hiện khi đào đất làm nhà thì vẫn còn đó, một phiến tôi đắp xi măng làm chỗ hóng mát, hút thuốc; phiến còn lại cho người cháu làm bậc thềm. Hai phiến đá này có khi người xưa làm bậc thềm cũng nên”. Trước tình hình phức tạp khi có nhiều người mang máy móc tìm đến gia đình để dò tìm “kho báu”, gia đình ông Cồ đã báo cáo vụ việc lên chính quyền địa phương.

Cũng theo nguồn tin này, ông Nguyễn Hữu Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc cho biết, hiện chưa đủ căn cứ để khẳng định có mỏ vàng hay “kho báu” ở dưới nền nhà ông Cồ. Trước những tin đồn về “kho báu vua Gia Long”, chính quyền xã  đã chú trọng đến công tác an ninh để ổn định trật tự cho địa phương.

 “Đến giờ phút này, chúng tôi khẳng định thông tin có kho báu của vua Gia Long tại Ba Chúc chỉ là lời đồn đoán, truyền miệng trong dân chúng”, ông Chi trao đổi trên báo Pháp luật TP.HCM.

Được biết đây không phải lần đầu tiên tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang rộ lên tin đồn về “kho báu”, khiến cho dư luận xôn xao. Trước đó vào năm 2013, xuất hiện tin đồn về kho báu chứa 1.000 tấn vàng và một hũ kim cương nằm trên phần đất của gia đình ông Chau Thi (ấp Tô An, xã Cô Tô, Tri Tôn).

Địa điểm được cho là có kho báu 1.000 tấn vàng. Ảnh báo An Giang

 

Rất nhiều người đã tìm đến gia đình ông Chau Thi và chính quyền địa phương với mong muốn được dò tìm vàng tại khu vực. Báo Gia đình & Xã hội đưa tin, bà Phan Lê Yến (SN 1950, ngụ phường 8, Q.3. TP HCM) cùng khoảng 20 người đến địa phương và đào bới khu đất nhà ông Chau Thi, với mục đích “tìm hài cốt liệt sỹ”. Tuy nhiên ông Chau Thi cho biết, bà Yến đến đây để khai quật tìm vàng chứ không phải tìm hài cốt.

Đặc biệt đầu tháng 10/2013, ông Mai Văn Bé (74 tuổi, ấp Tô Phước, xã Cô Tô) đã liên hệ với chính quyền địa phương để được tìm vàng tại khu vực nhà ông Chau Thi, với thỏa thuận tìm được vàng sẽ chia 50%. Sau màn thương lượng với chính quyền xã không thành công, ông Bé lại tiếp tục thuyết phục gia đình ông Chau Thi được khai thác vàng và hứa sẽ chia phần.

Trao đổi trên báo Thanh Niên, ông Trần Anh Thư, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh An Giang cho biết, trước đây đã tiến hành quan trắc, thăm dò trên vùng đất được cho là có kho báu 1.000 tấn vàng nhưng không phát hiện được kho báu hay khoáng sản gì đặc biệt. Ông Phạm Ngọc Sương, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cũng khẳng định, thông tin về kho báu 1.000 tấn vàng chỉ là lời đồn thổi thất thiệt.

Liên quan đến những tin đồn thất thiệt về “kho báu” chứa vàng ở An Giang, báo Dân Trí dẫn lời Tến sĩ Ngô Quang Láng, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, khẳng định không thể nào có mộ trử lượng vàng lớn đến thế trên địa bàn tỉnh An Giang.

H.Yen (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news