Tin mới

Sự thật về tượng Phật không đầu 3 lần “sa lưới” ông lão đánh cá

Thứ bảy, 28/03/2015, 08:04 (GMT+7)

Trong lúc kéo cá, một người dân đã vớt được một bức tượng Phật bằng đá từ dưới sông. Ban đầu, bức tượng không có đầu, sau đó được nhiều người trong làng đắp thêm đầu cho tượng và họ xây một cái miếu nhỏ thờ cúng.

Trong lúc kéo cá, một người dân đã vớt được một bức tượng Phật bằng đá từ dưới sông. Ban đầu, bức tượng không có đầu, sau đó được nhiều người trong làng đắp thêm đầu cho tượng và họ xây một cái miếu nhỏ thờ cúng.

Ông lão đánh cá và tượng Phật không đầu

Theo lời đồn đại của nhiều người dân thôn An Hòa (xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), trước giải phóng có một ông lão sống bằng nghề sông nước thường hay đánh bắt cá trên khúc sông gần xóm Bầu Ca (thôn An Hòa). Một chiều nọ, ông lão quăng nhiều mẻ lưới mà vẫn không bắt được gì. Khi kéo mẻ cuối cùng để về nhà, ông lão thấy tay lưới rất nặng.

Ông lão vui mừng và nghĩ rằng mình bắt được con cá to. Thế nhưng khi lưới vừa nhấc khỏi mặt nước, ông lão hốt hoảng thấy một bức tượng Phật bằng đá không có đầu. Nghĩ rằng, ai đó đã vất tượng hõng xuống sông nên ông lão thả bức tượng xuống sông rồi ra về.

Ngày hôm sau, ông lão lại ra sông đánh cá. Thật kì lạ, không đánh cá chỗ cũ nhưng ông  lão lại kéo lên đúng bức tượng Phật không đầu mà ngày trước ông đã kéo được. Ông lão lại thả bức tượng Phật xuống sông và tiếp tục công việc của mình. Sang ngày thứ ba trong mẻ lưới cuối cùng trước khi về nhà, ông lão lại phát hiện trong lưới chính là bức tượng Phật mà ông đã vớt hai lần trước đó. Lúc này, ông lão nghĩ có điềm lạ nên không bỏ bức tượng xuống sông nữa mà mang lên bờ và đặt trên một bãi đất trống.

Sau đó không bao lâu, cũng ngay trên khúc sông ấy, ông lão đánh cá lại vớt được chiếc đầu của tượng Phật. Ông lão liền mang chiếc đầu gắn lên bờ đặt vào chỗ bức tượng trước kia. Người dân phát hiện trong làng có tượng Phật lạ nên bàn nhau lập miếu và đưa bức tượng vào thờ cúng.

Kể từ ngày dựng miếu thờ Phật không đầu, trong thôn rồi trong xã xảy ra những chuyện kì lạ. Đầu tiên, một người phụ nữ trong thôn bị bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân. Do không có điều kiện nên người phụ nữ này không đến thầy thuốc thăm khám sức khỏe mà đến miếu khấn vái Phật. Ngay trong tối đó, bệnh đau đầu của người phụ nữ bỗng nhiên khỏi hẳn. Người phụ nữ này kể cho người khác nghe, thấy thế nhiều người trong thôn bị bệnh cũng đưa nhau đến miếu Phật thắp hương khấn vái.

Sự thật về tượng Phật không đầu 3 lần “sa lưới” ông lão đánh cá - Ảnh 1

Sông Thu Bồn - nơi bức tượng phật không đầu 3 lần sa lưới ngư dân.

 

Câu chuyện Phật hiển linh ở thôn Bàu Ca mau chóng lan truyền khắp nơi trong huyện, trong tỉnh và cả tỉnh xa như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh... Chẳng bao lâu, số người đến miếu lễ Phật ngày một nhân lên. Người này hướng dẫn cho người kia, họ mang những chai nước giếng đến bên tượng Phật và thắp hương cầu nguyện. Một số người gặp khó khăn trong trắc trở và làm ăn cũng đến đây để cầu Phật giúp tai qua nạn khỏi, phát tài phát lộc. Theo một số người dân trong thôn cho biết, có thời điểm hàng ngàn người đến đây cùng lúc khiến làng như có hội.

Sự thật về tượng Phật không đầu

Chúng tôi tìm hiểu về xa Điện Phong vào chiều một ngày tháng 3/2015. Ngôi miếu có tượng Phật không đầu kể trên được gọi là miếu ông Phật. Miếu ông Phật được tọa lạc trên một bãi bồi ven bờ sông thuộc xóm, rộng mỗi bề 3m, hướng mặt ra phía bờ sông.

Bên trong miếu có đặt một bức tượng Phật ở tư thế tọa thiền trên tòa sen, trước mặt có bát hương và chân đèn. Ngay phía trước cửa miếu là một cây bồ đề cổ thụ, gốc to đến dộ bà người ôm không xuể. Phía trước nữa là một bức bình phong rộng hơn 3m, giữa có kệ đặt 3 bát hương.

Nói về nguồn gốc cây miếu này, bà Trần Thị Hồng (SN 1933), một phụ nữ lớn tuổi sống tại thôn An Hòa cho biết, lúc bà mới sinh ra tại xóm Bàu Ca đã có miếu thờ Phật không đầu. Thời ấy, cha bà làm nghề đánh cá, cứ mỗi lần chuẩn bị ra biển thì ông lại đến miếu ông Phật khấn vái cầu sóng yên gió lặng.

Lúc nhỏ bà Hồng có hỏi cha mình về thời điểm xuất hiện bức tượng thì ông bảo nó đã có từ lâu, ông cũng không nhỡ rõ năm nào. Năm nay bà Hồng 82 tuổi, như vậy, rõ ràng bức tượng Phật nói trên đã có tại thôn An Hòa hơn 100 năm nay.

Ông Đỗ Xuân Thủy (SN 1968, thôn An Hòa, người được giao thực hiện công tác tổ chức lễ cúng ở miếu ông Phật) cho biết, theo những bậc cao niên kể lại thì tượng Phật do một người đánh cá vớt lên từ dưới sông Thu Bồn. Lúc đó, bức tượng không có đầu, về sau dân làng đắp thêm đầu cho tượng chứ không có chuyện lão ngư vớt thêm đầu như lời đồn đại.

Khi phát hiện bức tượng, người dân Bàu Ca đã lập miếu thờ. Ban đầu miếu chỉ làm bằng tre nứa, lợp tôn, về sau được xây dựng bằng gạch, vôi, lợp ngói. Trải qua thời gian, bờ sông bị sạt lở, miếu thờ tượng Phật dần được rời vào phía trong khu dân cư, được xây dựng rộng rãi, kiên cố và đẹp hơn.

Theo lời người dân chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp ông Trần Khuây (SN 1959, thôn An Hòa, xã Điện Phong), người có sáng kiến “đắp thêm đầu cho tượng Phật”. Ông Khuây kể, thấy bức tượng Phật khuyết đầu năm 1979, ông nảy sính ý tưởng đắp đầu cho tượng Phật.

Lúc đó, xi măng chưa được bán rộng rãi ông Khuây tận dụng xi măng thừa trong quá trình làm công nhân xây hồ thủy lợi Phú Minh mang về đắp đầu tượng. Sau khi bức tượng Phật có đầu, người dân đến khấn vái nhiều hơn. Từ đây tiếng đồn về Phật hiển linh tại miếu này vang xa khiến người trong và ngoài tỉnh, miền Nam, miền Bắc, lũ lượt kéo đến cầu lộc, cầu an và đóng góp tiền hương khói.

Bà Nguyễn Thị Bốn (SN 1966, thôn An Hòa) cho biết, gia đình bà trồng bắp, trồng bầu ở thôn Bàu Ca nên thường xuyên qua khu vực miếu ông Phật. Những lúc trong nhà có người ốm đau lặt vặt như nhức đầu, nhức răng, đau bụng bà đến đây “xin thuốc”. Vừa rồi, có người con đi học TP. Hồ Chí Minh, bà cũng đến đây khấn vái để xin cho cháu lên đường Bình An.

Khác với bà Bốn, ông Lương Thành (SN 1960, thôn An Hòa) cho biết, ông không tin chuyện Phật có thể chữa được bệnh. Theo ông Thành, người dân có bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Không riêng gì ông Thành mà nhiều người cho biết, họ đã đến miếu xon Phật ban thuốc, xin thuốc nhưng nhiều người vẫn không hết bệnh hoặc vẫn không thấy “tiền vô như nước” theo lời khấn vái.

Ông Võ Văn Hàm trưởng thôn An Hòa xác nhận, trong thời gian qua, không chỉ nhân dân địa phương mà rất nhiều người ở xa như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh... đã đến đây khấn vái. Cách đây khoảng 7 – 8 năm, số lượng khách từ phương xa đến “xin thuốc” rất đông, hàng ngày có đến hàng trăm người.

Hiện tượng này kéo dài cả gần năm trời, giai đoạn cao điểm có cả hàng người chen chúc nhau như đi trẩy hội . Lúc này, để ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra, xã phải ra lệnh cấm và vận động bà con không được mê tín dị đoan gây ảnh hưởng an ninh trật tự.

Thậm chí xã phải lập hàng rào ngăn các lối đi vào miếu và huy động lực lượng túc trực ngày đêm thì tình hình sau đó mới được vãn hồi. Theo ông Hà, việc thờ cúng là việc tự do tín ngưỡng của mọi người. Tuy nhiên việc tin vào việc tượng Phật chữa bệnh, ban phát lộc là hoang đường, không có cơ sở khoa học.

Theo Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news