Tin mới

Muốn nhớ được giấc mơ, hãy làm điều này trước khi đi ngủ

Thứ hai, 17/08/2020, 16:26 (GMT+7)

Trong cuộc sống, nếu bạn nhanh quên đi những gì mình trải qua gần đây thì chắc chắn bạn phải đi khám. Tuy nhiên, việc quên đi những giấc mơ lại là bình thường. Tại sao?

Bạn dành 1/3 cuộc đời để ngủ và có một phần trong số này dành cho những giấc mơ. Thông thường thì bạn không nhớ bất cứ giấc mơ nào của mình. Ngay cả trong những ngày may mắn khi bạn tỉnh dậy và ký ức về giấc mơ vẫn còn trôi nổi trong tâm trí thì rất có thể chỉ một vài phút nữa là nó sẽ tan biến.

Thomas Andrillon, một nhà thần kinh học tại ĐH Monash ở Melbourne, Australia cho biết: "Chúng ta có xu hướng quên ngay lập tức những giấc mơ và có khả năng những người không hay kể về những giấc mơ chỉ vì họ quên chúng dễ dàng hơn".

Theo một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Neuron, khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, không phải tất cả các vùng trên não đều nghỉ ngơi cùng lúc. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra khu vực cuối cùng đi ngủ là hồi hải mã (hippocampus). Đây là một cấu trúc cong nằm bên trong mỗi bán cầu não, có chức năng quan trọng trong việc chuyển thông tin từ trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn.

Nếu hồi hải mã đi ngủ sau cùng thì nó cũng có thể thức dậy cuối cùng, Andrillon nói. "Vì vậy, bạn có thể có cửa sổ này và thức dậy với giấc mơ trong trí nhớ ngắn hạn. Tuy nhiên, do hồi hải mãi không tỉnh táo hoàn toàn nên não của bạn không thể giữ được ký ức đó", Andrillon nói với tờ Live Science.

Chúng ta thường không thể nhớ được những gì mình đã mơ trong đêm. Ảnh: Shutterstock

Khi thức dậy, não cần ít nhất 2 phút để khởi động khả năng mã hóa bộ nhớ của mình. Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà khoa học Pháp đã theo dõi mô hình giấc ngủ của 18 người, báo cáo những giấc mơ của họ hàng ngày và 18 người khác hiếm khi nhớ được gì. Nhóm phát hiện ra rằng những người nhớ được giấc mơ thường tỉnh dậy giữa đêm. Những lần tỉnh dậy giữa đêm của người nhớ được giấc mơ kéo dài trung bình 2 phút, những người thuộc nhóm còn lại kéo dài trung bình 1 phút.

Khả năng mã hóa ký ức mới trong khi ngủ cũng liên quan đến sự thay đổi nồng độ của 2 chất dẫn truyền thần kinh là acetylcholine và noradrenaline. Hai chất này đặc biệt quan trọng để lưu giữ ký ức. Khi chúng ta ngủ, cả 2 chất giảm đột ngột.

Sau đó, điều kỳ lạ xảy ra khi chúng ta bước vào giai đoạn ngủ mắt chuyển động nhanh (REM). Giai đoạn này là lúc những giấc mơ sống động nhất xảy ra. Đây là lúc acetylcholine trở lại mức tỉnh táo nhưng noradrenaline vẫn ở mức thấp.

Các nhà khoa học chưa tìm ra được đáp án nhưng một số người cho rằng sự kết hợp đặc biệt của những chất dẫn truyền thần kinh có thể là lý do khiến chúng ta quên đi giấc mơ.

>> Xem thêm: Người đàn ông bất ngờ trúng xổ sổ độc đắc hơn 23 tỷ đồng nhờ giấc mơ 13 năm trước

Những giấc mơ sống động, giàu cảm xúc và mạch lạc dường như được ghi nhớ tốt hơn, có lẽ vì chúng kích thích sự thức tỉnh nhiều hơn và chúng dễ lưu trữ hơn. Ngược lại, những giấc mơ bình thường sẽ tan biến.

Nếu bạn có ý định cải thiện khả năng nhớ lại giấc mơ của mình, hãy thử uống nước trước khi ngủ. Theo phó giáo sư Robert Stickgold đến từ trường Y Harvard, việc này khiến bạn thức dậy giữa đêm đi vệ sinh. Những lần thức dậy giữa đêm thường đi kèm với việc nhớ lại những giấc mơ.

Khi đã đi ngủ, nếu liên tục nhắc nhở bản thân muốn ghi nhớ những giấc mơ thì khả năng bạn nhớ được cũng cao hơn. Khi thức dậy, hãy tiếp tục đeo bám những giấc mơ: nhắm mắt lại, nằm yên, phát lại ký ức giấc mơ cho đến khi hồi hải mã của bạn bắt kịp và lưu trữ ký ức đó.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news