Tin mới

Tài xế ô tô bị phạt 35 triệu đồng, xe máy 7 triệu: Uống rượu, bia bao lâu thì được lái xe?

Thứ sáu, 03/01/2020, 09:09 (GMT+7)

Trước tình trạng nhiều tài xế bị phạt số tiền rất lớn vì vi phạm nồng độ cồn, nhiều người dân băn khoăn và đặt câu hỏi sau khi uống rượu, bia bao lâu thì được lái xe? Và ăn những loại thực phẩm dễ lên men có bị ảnh hưởng hay không?

Chiều 2/1, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe Lê Khắc T. về hành vi vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở.

Nhiều tài xế ký vào biên bản xử phạt phân trần, chỉ uống có 3 chai bia, vậy mà mà mất cả tháng lương. Thế này, thì từ nay xin bỏ rượu, bỏ bia. Ảnh minh hoạ

Theo cơ quan này, khoảng 21h30 ngày 1/1, tổ công tác thuộc Đội làm nhiệm vụ tại Km 188+300 trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, đã dừng xe ô tô BSK 29C-45… để kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện.

Sau khi có phản ứng chống đối, cuối cùng, lái xe ô tô là Lê Khắc T. đã buộc phải chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định.

Tài xế Lê Khắc T. Ảnh: Cắt từ camera.

Kết quả xác định nồng độ cồn của người này là 0,719 ml/l khí thở, tương đương khung xử phạt vi phạm hành chính số tiền 35 triệu đồng căn cứ theo Nghị định số 100, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Ngoài ra, tài xế sẽ bị tước GPLX từ 22-24 tháng và bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ xe ô tô đến 7 ngày.

Tài xế Nguyễn Văn Duyên hốt hoảng khi nhận mức phạt 7 triệu đồng.

Cũng trong ngày 2/1, lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội đồng loạt triển khai xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tại khu vực Hoàn Kiếm, Tổ tuần tra kiểm soát giao thông (Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ tại nút giao thông Hàng Cót – Phan Đình Phùng xử phạt nhiều lái xe máy sử dụng rượu bia.

Trong số người vi phạm, ông Nguyễn Văn Duyên (SN 1963, ở Thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), điều khiển xe máy 29R9-0874 chở bạn nhậu ngồi sau, hốt hoảng khi nhận mức phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng sau khi uống 2 chén rượu.

Trước mức phạt rất nặng trên, nhiều tài xế khẳng định không dám uống rượu bia khi ra đường nữa. Trong khi đó, nhiều người dân băn khoăn và đặt câu hỏi sau khi uống rượu, bia bao lâu thì được lái xe? Và ăn những loại hoa quả dễ lên men có bị lên cồn hay không?

Về vấn đề này, trên VOV dẫn lời Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ, ethanol hay rượu thông thường cơ bản là 1 chất độc gây tổn thương não, đặc biệt là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, đối với người trẻ, nếu uống với lượng lớn, lạm dụng thì sẽ rất dễ bị ngộ độc.

Theo Ths.BS Nguyên, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia hoàn toàn đúng về mặt khoa học, có cơ sở. Bất kể nồng độ cồn là bao nhiêu thì cũng đều có ảnh hưởng tới hệ thần kinh của người sử dụng, dẫn tới nguy cơ lái xe không an toàn.

BS Nguyên cho rằng, thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) khi kiểm tra thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói...

Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý, bởi có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu bia, hạn chế tối đa số lần uống rượu, bia cũng như lượng rượu mỗi lần sử dụng.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, trên thực tế có một số thực phẩm khi sử dụng có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể.

Điều này khiến nhiều người lo lắng về việc không uống rượu bia, nhưng nồng độ cồn vẫn cao do sử dụng một số thực phẩm, thuốc.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyên cho biết, một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men.

Bên cạnh đó, một số loại quả lên men như dứa, vải hoặc dạng thuốc như siro ho, dung dịch sát trùng miệng cũng có thể có một lượng ethanol trong đó.

"Tuy nhiên, người dân hoàn toàn yên tâm. Bởi nồng độ cồn trong các loại thực phẩm này đều không cao và sẽ bay hơi chỉ sau một thời gian ngắn. Ngoài ra, quy trình kiểm tra, xét nghiệm nồng độ cồn của lực lượng CSGT hiện nay là rất chính xác", BS Nguyên khẳng định.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news