Tin mới

Tận cùng nỗi đau 214 giáo viên ở Hà Tĩnh bị...ra đứng đường

Thứ hai, 07/09/2015, 15:31 (GMT+7)

Sự việc trên vừa xảy ra với 214 giáo viên dạy hợp đồng tại các trường ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh...

Sự việc trên vừa xảy ra với 214 giáo viên dạy hợp đồng tại các trường ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh...

Vừa qua, báo Người đưa tin đã nhận được đơn kêu cứu tập thể của 214 giáo viên ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) về sự việc hơn 200 giáo viên này bị cắt hợp đồng đột ngột. Đơn kêu cứu tập thể này đồng thời gửi đến Bộ Nội vụ, Bộ GD – ĐT và các cơ quan báo chí trên địa bàn.

Theo đơn kêu cứu, cuối tháng 5/2015, tất cả các giáo viên hợp đồng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh chính thức nhận được thông báo của Hiệu trưởng nhà trường nơi công tác với nội dung "UBND huyện và phòng Giáo dục yêu cầu Hiệu trưởng các trường chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên đang hợp đồng tại trường". Sau đó, UBND huyện lại có thông báo về việc tiếp tục hợp đồng cho đến ngày 30/9/2015.

"Đến chiều ngày 25/8/2015, chúng tôi được triệu tập đến tại hội trường UBND huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh để nghe UBND huyện đọc thông báo quyết định của UBND tỉnh về việc "Yêu cầu xử lý giáo viên dôi dư, hợp đồng tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh".

Cuộc họp do ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh trực tiếp chủ trì" - đơn kêu cứu ghi.

Tại buổi làm việc, trước nguyện vọng muốn tiếp tục công tác của nhiều giáo viên, đại diện UBND huyện không trả lời mà chỉ bày tỏ lời cảm ơn, xin lỗi và khuyên các giáo viên nên rẽ theo hướng khác...

Đáng chú ý, dù có quyết định cho chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên, nhưng UBND huyện cũng không cho hơn 200 giáo viên này biết lý do họ bị chấm dứt hợp đồng là gì. Cán bộ huyện chỉ nói qua loa "đó là chỉ đạo của tỉnh...". Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trước đó đã ký công văn yêu cầu Sở Nội vụ chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh soát xét kỹ hợp đồng cụ thể đối với 214 giáo viên do các đơn vị này tự ký hợp đồng (ngân sách huyện trả lương), tổ chức gặp gỡ, động viên, giải thích rõ ràng cho các trường hợp này và chấm dứt hợp đồng.

Ai cho chúng tôi đến trường bây giờ?

Trước nguy cơ mất việc ngay trong năm học mới, các giáo viên đã đồng loạt viết đơn kêu cứu gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD – ĐT và các cơ quan chức năng liên quan. Nhiều giáo viên có thâm niên đứng trên bục giảng 10 – 12 năm, từng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, có kinh nghiệm và được nhà trường, học sinh tin tưởng. Thậm chí có gia đìnhcả 2 vợ chồng đều là giáo viên hợp đồng và đều nằm trong danh sách bị chấm dứt công việc.

Đơn kêu cứu của các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng

Mong ước của tất cả các cô là tiếp tục được làm việc, tiếp tục được đứng trên bục giảng nhưng dường như điều đó đã trở thành xa vời…

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga òa khóc nức nở: “Từ những năm đầu tiên tôi đi dạy lương tháng chỉ có 400 nghìn đồng, nhưng tôi vẫn chấp nhận vì tôi vẫn được đứng trên bục giảng để truyền dạy kiến thức chohọc sinh. Đến nay đã 12 năm, tôi vẫn kiên trì theo nghề, những bỗng nhiên tỉnh ra thông báo chấm dứt hợp đồng khiến tôi như rơi vào vực thẳm. Cả cuộc đời của tôi đã gắn với nghề, giờ tôi biết làm sao đây…”.

 
Một trong những trường trên địa bàn huyện Kỳ Anh có giáo viên phải nghỉ việc

Theo các giáo viên, chiều 25/8, các giáo viên hợp đồng đã được triệu tập đến hội trường UBND huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh để lắng nghe UBND huyện đọc quyết định của UBND tỉnh về việc yêu cầu xử lý giáo viên đôi dư, hợp đồng tại hai địa phương này. Tại cuộc họp, nhiều giáo viên đã đề xuất nguyện vọng muốn được tiếp tục công tác và ổn định đời sốngnhưng phía đại diện UBND huyện không có câu trả lời.

“Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo huyện nói chúng tôi thông cảm và mong chúng tôi hãy tìm hướng đi khác khiến tôi chua chát vô cùng. Cả cuộc đời 9 năm của tôi đã gắn với nghề, giờ đây với tấm bằng sư phạm, tôi sẽ biết làm gì để sống, để nuôi con nhỏ”, chị Trần Thị Hồng nói.

Chị Nguyễn Thị Nga đã có 12 năm kinh nghiệm nhưng cũng bị nghỉ việc

Đây cũng là băn khoăn, lo lắng của các giáo viên bị nghỉ việc, bởi trước “bước ngoặt cuộc đời” này họ sẽ phải làm gì, gia đình họ phải sống như thế nào. “Với tấm bằng cử nhân sư phạm, chúng tôi không thể xin chuyển ngành nào khác được. Giờ đây trở thành một lao động bình thường, chúng tôi chỉ còn một con đường là đi làm thuê mà thôi”, một giáo viên cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung chia sẻ, từ ngày bị chấm dứt hợp đồng, bản thân chị không dám ra ngoài, gọi điện cho anh em họ hàng. “Nhà tôi gần trường, hôm khai giảng tôi ra sân xem phụ huynh, học sinh nô nức đến lớp mà nước mắt trào ra. Nhiều người hỏi sao cô giáo không đi dạy. Muốn đi dạy lắm chứ, nhưng ai cho chúng tôi đến trường bây giờ?”, chị Nhung nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc này...

Anh Ngọc – Linh Chi

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news