Tin mới

Tân tổng thống Mỹ quyết định thế nào đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ? (P.1)

Thứ tư, 15/06/2016, 17:08 (GMT+7)

Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam và trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra tại Mỹ, đây là thời điểm thích hợp để đánh giá tương lai mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đặc biệt, sau ngày bầu cử 8/11 tới, Mỹ sẽ có một tân tổng thống.

Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam và trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra tại Mỹ, đây là thời điểm thích hợp để đánh giá tương lai mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đặc biệt, sau ngày bầu cử 8/11 tới, Mỹ sẽ có một tân tổng thống.

Với hệ thống 2 đảng lâu đời ở Mỹ, tân tổng thống sẽ có thể là ông Donald Trump, người vừa giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa, và cũng có thể là bà Hillary Clinton, ứng viên có khả năng nhất của đảng Dân chủ.

Việc đánh giá mối quan hệ Việt - Mỹ có thể thay đổi như thế nào dưới thời Tổng thống Hillary Clinton hoặc Donald Trump là cực kì quan trọng, không chỉ cho các bên liên quan ở Hà Nội và Washington, mà còn cho cả cộng đồng quốc tế, đặc biệt đối với vai trò nổi bật của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu như tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông.

Xây dựng quan hệ đối tác toàn diện

Kể từ năm 1975 đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đi theo tiến trình 3 giai đoạn, hướng tới quan hệ đối tác toàn diện.

Ở giai đoạn đầu tiên, Hà Nội và Washington đã từng bước xoa dịu căng thẳng và xây dựng lòng tin. Năm 1994, tổng thống Mỹ đương nhiệm là Bill Clinton đã chấm dứt lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam. Năm 1995, hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao. Năm 1997, Mỹ bổ nhiệm Đại sứ đầu tiên ở Việt Nam và đến năm 2000, Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) đã được ký kết.

Bill Clinton là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam từ sau năm 1975. Ông cũng là người đặt nền móng chính thức cho việc bình thường hoá quan hệ song phương Việt - Mỹ. Ảnh: Reuters

Ở giai đoạn thứ 2, dưới thời Tổng thống George W. Bush, hai nước đẩy mạnh xây dựng nền tảng quan hệ đối tác. Với việc thực hiện BTA vào năm 2001, Mỹ có điều kiện bình thường hóa quan hệ thương mại (NTR). Thời kỳ này, kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng nhanh, trong đó một phần đến từ kim ngạch xuất khẩu và nguồn đầu tư nước ngoài đến từ Mỹ. Từ năm 2000, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình 6% mỗi năm, chỉ sau Trung Quốc trong khu vực. Cũng trong giai đoạn này, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trở thành thành viên đầy đủ và duy trì quan hệ thương mại thường xuyên, lâu dài với Mỹ.

Quan hệ quân sự và an ninh cũng được tăng cường. Chẳng hạn, năm 2005, Mỹ thực hiện chương trình đào tạo mới cho các sĩ quan quân đội Việt Nam. Năm 2007, chính quyền Tổng thống Bush nới lỏng Quy định quốc tế về buôn bán vũ khí (ITAR), bắt đầu xuất khẩu các thiết bị phòng không không gây sát thương sang Việt Nam. Washington và Hà Nội cũng bắt đầu tổ chức các hội nghị thượng đỉnh hằng năm về kinh tế, chính trị cũng như các vấn đề an ninh chiến lược ảnh hưởng đến cả hai nước.

Giai đoạn thứ 3 bắt đầu với cuộc bầu cử của Tổng thống Obama và cũng là giai đoạn phát triển đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan hệ đối tác hai bên. Sau khi tham gia vào hai cuộc chiến lâu dài ở Trung Đông, Obama cam kết sẽ chuyển sự chú ý của Mỹ đến những cơ hội và thách thức trong tương lai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính quyền Obama đặc biệt xác định Việt Nam là một trong những đối tác được đặc biệt chú trọng trong Chính sách tái cân bằng của tổng thống.

Phù hợp với cách tiếp cận này, Mỹ đã đẩy mạnh vai trò của Việt Nam trong Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu được phê duyệt và thực hiện đầy đủ, TPP sẽ chiếm khoảng 40% GDP của thế giới. Việt Nam sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mỹ và là điểm đến quan trọng đối với nguồn vốn và ngành xuất khẩu của Mỹ. Nói rộng ra, chính quyền Obama xem TPP như nền tảng để mở rộng ảnh hưởng và khuyến khích việc hội nhập trong khu vực. Và tất nhiên, Trung Quốc vắng mặt ở TPP.

Kể từ khi bình thường hóa, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển theo hướng trở thành đối tác toàn diện. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, Việt Nam cũng đóng vai trò nổi bật đối với vị thế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Đối mặt với sự leo thang chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc quấy rối hàng hải cho tới cải tạo trái phép các đảo nhân tạo, Mỹ đã đưa ra bản lược tả ngoại giao và quân sự trong khu vực. Chính quyền Obama đã tìm cách thể chế hóa các cuộc tranh luận tại các diễn đàn khu vực như ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Gần đây, phát biểu tại Hà Nội, Tổng thống Obama cảnh báo sẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào của những nước lớn để "bắt nạt" các nước nhỏ hơn. Để thể hiện cam kết này, Washington thường xuyên cho các tàu chiến đến thực hiện tự do hàng hải tại Biển Đông, đồng thời dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Nhìn chung, chuyến thăm của Obama đến Việt Nam là đỉnh cao của một quá trình ba giai đoạn mà hai nước đã xây dựng được mối quan hệ đối tác toàn diện. Chuyến thăm của ông cũng đại diện cho những triển vọng tương lai của quan hệ song phương.

Trước mắt, nước Mỹ sẽ diễn ra một cuộc bầu cử tổng thống mới. Và cuộc đua vào Nhà Trắng trong năm 2016 cũng cung cấp một nghiên cứu tương phản nhau về ý nghĩa quan trọng cho quan hệ đối tác Việt - Mỹ và hơn thế nữa.

Tổng thống Hillary Clinton: Cam kết liên tục và tăng cường

Nếu bà Hillary đắc cử tổng thống Mỹ, nhiều khả năng bà sẽ tiếp tục thực hiện cách tiếp cận của ông Obama đối với Việt Nam, thậm chí có thể tăng cường những cam kết của Washington đối với Hà Nội.

Bà Hillary Clinton phát biểu tại đảo Roosevelt, New York trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Ảnh: NBC 

Hillary Clinton không chỉ từng giữ vai trò Ngoại trưởng dưới thời Obama, mà còn là người hoàn toàn thu gọn những truyền thống và công ước trong chiến sách đối ngoại của Mỹ. Về vấn đề này, bà sẽ đại diện cho một tổng thống có nhiều chuyến công du và nhiều kinh nghiệm nhất trong lịch sử nước Mỹ, đặc biệt trong mối quan hệ với Việt Nam. Chẳng hạn, trong vai trò là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ, bà đã cùng chồng là cựu Tổng thống Bill Clinton có chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam vào năm 2000 - chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ sau chuyến thăm của Richard Nixon vào năm 1969.

Liên quan đến các vấn đề kinh tế, Hillary Clinton sẽ tìm mọi cách trong khả năng của mình để mở rộng các thỏa thuận thương mại của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi còn giữ chức Ngoại trưởng, bà đã nhiều lần thể hiện dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ đối với TPP.

Trong suốt nhiệm kỳ của mình với chính quyền Obama, Hillary được biết đến là một trong những thành viên "diều hâu" trong nội các. Chẳng hạn, bà đã vận động để can thiệp ở Libya và sự tham gia lớn hơn của Mỹ ở Syria hay việc thực thi "khu vực cấm bay" do NATO kiểm soát. Quả thật, Hillary được đánh giá còn cứng rắn hơn Obama trong việc khẳng định chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt chiến dịch tranh cử, bà đã cam kết sẽ khiến Trung Quốc phải "có trách nhiệm" về những hành động hung hăng trong khu vực và tái khẳng định vai trò cường quốc Thái Bình Dương của Mỹ. Hôm 2/6, trong một buổi diễn thuyết về các vấn đề an ninh quốc gia, bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của mạng lưới đồng minh Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bà cũng lên án mạnh mẽ bình luận của ông Donald Trump về NATO và các đồng minh châu Á của Mỹ.

(Còn nữa...)

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news