Tin mới

Tăng quyền điều tra cho Viện kiểm sát: Lá chắn thép chống chạy án

Thứ năm, 13/11/2014, 11:04 (GMT+7)

Mới đây, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức viện kiểm sát (VKS) Nhân dân (sửa đổi), câu chuyện "tăng" quyền cho VKS đã được các ĐBQH đặc biệt quan tâm.

Mới đây, tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức viện kiểm sát (VKS) Nhân dân (sửa đổi), câu chuyện "tăng" quyền cho VKS đã được các ĐBQH đặc biệt quan tâm.


Một số ĐBQH cho rằng, qua thực tiễn đấu tranh chống tội phạm trong hoạt động tư pháp, đang xuất hiện những hành vi phạm tội mới như cố ý làm lộ bí mật công tác, đưa hối lộ, môi giới hối lộ... mà Xã hội thường gọi chung là hành vi "chạy án", nhưng VKS lại không có thẩm quyền điều tra. Từ thực tế đó, các ĐBQH đề nghị mở rộng thẩm quyền điều tra của VKS, có thể tránh được những trường hợp để lộ, lọt thông tin giảm bớt oan sai, bức cung, nhục hình...

Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức VKSND lần này cho phép cơ quan này điều tra đối với tất cả các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung mới hoàn toàn thẩm quyền điều tra các tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp cho CQĐT của VKS. PV báo Đời sống và Pháp luật đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý để cùng làm rõ vấn đề này.

TS. Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao:

VKS điều tra hành vi "chạy án" để tránh lộ, lọt thông tin

Tại khoản 4, Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: "VKS có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra (CQĐT) đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố". Thực tiễn cho thấy, nhiều đơn vị VKS từ Trung ương đến địa phương đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ này và phát hiện một số vi phạm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, chất lượng các cuộc kiểm sát đó chưa cao. Đặc biệt có nhiều cuộc kiểm sát được tiến hành nhưng hiệu quả còn thấp, thậm chí có nơi trở thành hình thức.

TS. Dương Thanh Biểu.

CQĐT cung cấp tình hình thụ lý tin báo, tố giác như thế nào thì cũng chỉ biết như vậy thôi. Nhiều tin tố giác, tin báo quan trọng nhưng CQĐT không cung cấp thì VKS cũng không biết được. Từ đó mới xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm hoặc dùng bức cung, mớm cung, kéo theo những vi phạm của quá trình điều tra, truy tố xét xử sau này. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng một nguyên nhân quan trọng là pháp luật chưa quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cơ quan kiểm sát và CQĐT. Tôi đồng tình, ủng hộ quan điểm của nhiều ĐBQH cho rằng, cần trao chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động cho VKS về thu thập, xử lý các tin báo, tố giác tội phạm của CQĐT.

Theo Điều 18, Pháp lệnh Tổ chức điều tra Hình sự, CQĐT VKSND Tối cao điều tra các Vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp... Vậy, hiểu thế nào là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp? Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các CQĐT, kiểm sát, xét xử trong việc bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Như vậy, hành vi tham nhũng ("chạy án") nêu trên cũng nằm trong khái niệm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đây là hành vi phạm tội đang xảy ra nhiều và rất nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, gây dư luận không tốt đến uy tín các cơ quan tư pháp. Do vậy, tôi đồng tình với ý kiến của các ĐBQH nên giao cho CQĐT của VKS tiến hành điều tra các loại hành vi "chạy án".

Điều tra các loại tội tham nhũng khác với các loại tội có tổ chức, băng nhóm như xâm phạm An ninh quốc gia, cướp của, giết người, hiếp dâm, bắt cóc, buôn bán người, trộm cắp... (gọi tắt là các tội xâm phạm an ninh, trật tự). Các loại tội xâm phạm an ninh trật tự thường là tội phạm "ẩn" nên cần có phương pháp điều tra bí mật: Sưu tra, trinh sát, thành lập ban chuyên án. Còn các loại tội tham nhũng như tham ô... thường thể hiện trên các sổ sách chứng từ và tài sản chiếm đoạt. Việc phát hiện chủ yếu dựa trên đơn tố cáo của quần chúng nhân dân, phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc kiểm tra, thanh tra... Mặt khác, chủ thể tội tham nhũng là cán bộ công quyền nên cần được tiến hành điều tra công khai, minh bạch... Bởi vậy, pháp luật các nước quy định trách nhiệm điều tra các loại tội tham nhũng được giao cho cơ quan công tố/kiểm sát. VKS của Trung Quốc và các nước chuyển đổi như Nga... đều được giao trách nhiệm điều tra các tội tham nhũng. Còn CQĐT trong lực lượng cảnh sát, tập trung điều tra các loại tội an ninh trật tự.

Ở nước ta, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định rất rõ, trách nhiệm của VKS đối với những vụ án đang điều tra và sau khi kết thúc điều tra chuyển sang VKS. Nghĩa là pháp luật đã quy định rất đầy đủ về quyền của VKS trong quá trình điều tra. Đối với các vụ án nói chung và vụ án tham nhũng nói riêng, nếu trong quá trình điều tra và sau khi kết thúc điều tra nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm, những yêu cầu của VKS không được đáp ứng thì VKS có thẩm quyền điều tra để đảm bảo khách quan, toàn diện. Do vậy, tôi đồng tình với quan điểm của các ĐBQH nêu trên.

Ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm 1, VKSND Tối cao:

Tăng quyền cho VKS không có nghĩa tước quyền của cơ quan khác

Tôi hoàn toàn đồng tình với đề nghị giao CQĐT của VKS điều tra những vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ các cơ quan tư pháp. Thậm chí, theo quan điểm của cá nhân tôi nên mở rộng quyền hơn nữa cho VKS.

Ông Hồ Quốc Thái

Ngày trước, ở Liên Xô (cũ) CQĐT của VKS hoạt động cực kỳ mạnh mẽ và hiệu quả. Cho đến bây giờ, Liên bang Nga vẫn duy trì cơ quan đó. Thực tế, cảnh sát của Nga chỉ điều tra tội phạm thông thường, còn tất cả các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong bộ máy Nhà nước, thẩm quyền điều tra thuộc về VKS. Theo tôi, có như vậy mới đảm bảo tính khách quan.

Có ý kiến cho rằng, tăng thẩm quyền cho VKS có hết án oan, giảm bức cung nhục hình? Theo quan điểm của tôi, tăng thẩm quyền và chuyện giảm án oan, giảm nhục hình là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tăng quyền cho VKS không có nghĩa là không còn án oan. Điều tôi muốn khẳng định, chắc chắn là trong kiểm sát không có chuyện bức cung, nhục hình. Không phải cứ giao quyền cho VKS là giảm nhục hình.

Theo tôi, giao cho CQĐT của VKS điều tra những vụ án tham nhũng không phải là "tước quyền" của cơ quan CSĐT. Tăng quyền điều tra cho VKS có thể hiểu là chuyển những vụ án điển hình của bộ Công an sang cho VKS. Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định rất rõ về thẩm quyền điều tra của các cơ quan này nên không lo chuyện bị "tước quyền" hay không.

Thực tế biên chế của ngành công an hiện nay quá nhiều, hiệu quả điều tra chưa như mong muốn. Sở dĩ có câu chuyện nhục hình là do năng lực, trình độ hạn chế. Tôi cũng là một điều tra viên của VKSND Tối cao nên tôi rất hiểu điều này. Tôi vẫn nhớ, lần xét xử vụ con một cán bộ công an gây tai nạn giao thông trên đường Láng - Hòa Lạc, Hà Nội, khiến hai nữ sinh tử vong xảy ra cách đây hơn chục năm. Vụ việc kéo dài, gây bất bình trong dư luận (hơn 300 bài báo phản ánh). Đến phiên xét xử lần thứ năm, với vai trò kiểm sát viên, tôi đã đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm để giao cơ quan CSĐT bộ Công an điều tra lại.

Sở dĩ cần tiến hành điều tra lại vụ án này vì các điều tra viên đã vi phạm pháp luật, khi trả Hồ sơ điều tra lại thì phần lớn vẫn sử dụng những điều tra viên cũ. Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường được cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra lập không đúng quy định, không có giá trị như một chứng cứ. Tôi cũng đề nghị phải đưa bảy cán bộ công an có mặt tại hiện trường hôm đó ra tòa. Tại sao lại có việc "sờ nắn" vào chứng cứ như vậy? Tôi nhớ, sau vụ việc này, các cán bộ công an đã bị kỷ luật. Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ hạn chế và tiêu cực liên quan đến cán bộ trong ngành tư pháp.

ĐBQH Phạm Văn Gòn, Viện trưởng VKSND TP.HCM, Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội:

Điều tra cả những vụ có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm

ĐBQH Phạm Văn Gòn.

Trên thực tế, có những hành vi phạm tội khác về chức vụ có liên quan và cũng là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, mà CQĐT của VKS không có thẩm quyền điều tra. Chẳng hạn như tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi... Do vậy, theo tôi nên trao cho CQĐT của VKS thẩm quyền điều tra các tội xâm phạm về chức vụ được quy định từ Điều 285 đến Điều 291 của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, cần giao cho CQĐT của VKS thẩm quyền điều tra một số vụ án tham nhũng do một số cơ quan khác tiến hành nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm nhằm tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Qua giám sát thì thấy bức cung, dùng nhục hình chủ yếu xảy ra ở giai đoạn tiền tố tụng (xác minh tin báo tố giác tội phạm), nhưng hiện nay VKS lại không được giữ quyền công tố, không được kiểm sát từ giai đoạn này. Vì vậy, trao cho VKS giữ quyền công tố từ giai đoạn này là hợp lý.

Bà Đào Phương Thanh, giảng viên khoa Pháp luật Hình sự, đại học Luật Hà Nội:

Sẽ khách quan và tránh trường hợp các cơ quan trong cùng một ngành bao che cho nhau

Bà Đào Phương Thanh.

Theo quy định tại Luật Tổ chức VKSND 2002, CQĐT của VKS chỉ có thẩm quyền điều tra đối với một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức VKSND lần này cho phép cơ quan này điều tra đối với tất cả các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung mới hoàn toàn thẩm quyền điều tra các tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp cho CQĐT của VKS. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII, các ĐBQH cũng đã thảo luận và cho ý kiến về nội dung này. Hầu hết các đại biểu đều nhất trí với nội dung dự thảo sửa đổi.

Như vậy, trong dự thảo luật sửa đổi lần này, nội dung về thẩm quyền điều tra của CQĐT của VKS được sửa đổi theo hướng mở rộng hơn. Cá nhân tôi cho rằng, việc mở rộng thẩm quyền điều tra của CQĐT của VKS như ý kiến của các ĐBQH là hoàn toàn hợp lý. Bởi, hiện nay thẩm quyền điều tra của VKS được quy định ở phạm vi khá hẹp. Thẩm quyền điều tra phần lớn thuộc về các CQĐT trong công an, quân đội. Trong trường hợp chính các CQĐT có các hành vi xâm phạm đến hoạt động tư pháp, tham nhũng, cần một cơ quan khác có đầy đủ thẩm quyền và khả năng để điều tra hành vi của họ. Như vậy mới đảm bảo được tính khách quan trong hoạt động điều tra, tránh trường hợp các cơ quan trong cùng một ngành bao che cho nhau.

Bên cạnh hai loại tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT của VKS đã được nêu trong dự thảo là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội phạm về tham nhũng, tôi cũng tán thành ý kiến của các đại biểu về việc bổ sung thêm thẩm quyền điều tra các tội phạm về chức vụ khác trong mục B, Chương 21, Bộ luật Hình sự mà đặc biệt là các tội được quy định tại Điều 286; 287. Thực tế, có những hành vi phạm tội xảy ra mà bản thân hành vi đó không phải là hành vi khách quan được mô tả trong các tội xâm phạm hoạt động tư pháp như hành vi báo trước cho người có quyết định khởi tố, hành vi tiêu huỷ tài liệu, bí mật công tác, đưa hoặc môi giới hối lộ cho bị can bị cáo để "chạy án"... Những hành vi này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tư pháp mà VKS cũng là cơ quan có đầy đủ khả năng để phát hiện kịp thời các dấu hiệu phạm tội này của các cơ quan tiến hành tố tụng khác.

Từ thực tế đó, tôi đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền điều tra các tội phạm về chức vụ khác vào phần quy định về thẩm quyền điều tra của CQĐT thuộc VKS.

Theo Phương Lan - Anh Đức/ Nguoiduatin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news