Tin mới

Tàu sân bay được "khen" áp đảo Anh-Pháp, chuyên gia TQ vội chữa ngượng: Còn lạc hậu xa

Thứ tư, 05/04/2017, 16:45 (GMT+7)

Truyền thông Đài Loan hồi cuối tháng 3 bình luận về tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh đã hội đủ điều kiện công nghệ để chế tạo tàu sân bay vượt qua Anh, Pháp.

Truyền thông Đài Loan hồi cuối tháng 3 bình luận về tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh đã hội đủ điều kiện công nghệ để chế tạo tàu sân bay vượt qua Anh, Pháp.

Báo chí Đài Loan và Singapore dự đoán tàu sân bay Type 001A - có khả năng mang tên "Sơn Đông" - hạ thủy ngày 23/4 tới.

Theo truyền thông Đài Loan, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc sản xuất còn thua kém các tàu sân bay lớp Nimitz hay lớp Gerald R. Ford của Mỹ, nhưng sức chiến đấu đã vượt qua các mẫu hạm lớp Queen Elizabeth của Anh, hoặc tàu Charles de Gaulle của Pháp.

Báo Chinatimes (Đài Loan) thậm chí cho rằng, so với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga và INS Vikrant của Ấn Độ, Type 001A tỏ ra vượt trội về công nghệ lẫn sức mạnh. Tờ này bình luận gọi 001A là mẫu hạm "kế thừa đặc trưng công nghệ từ Liên Xô cũ, được kết hợp với kỹ thuật mới của phương Tây, trở thành một tàu sân bay hiện đại, công nghệ cao mang đặc trưng Trung Quốc".

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Lý Kiệt ở Bắc Kinh, Trung Quốc khẳng định trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng "cách lập luận này không chính xác và không khách quan".

Ông chỉ ra, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth - dự kiến được thử nghiệm trong năm 2017 - là chiến hạm đồ sộ nhất trong lịch sử của Anh, với hệ thống động lực trang bị turbine khí, hiện đại hơn so với turbine hơi mà tàu Liêu Ninh của Trung Quốc sử dụng. Trên tàu của Anh được bố trí các chiến đấu cơ F-35B của Mỹ với khả năng tàng hình ưu việt hơn.

Ông Lý cho biết, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp tuy có kích cỡ nhỏ hơn, nhưng sử dụng động cơ hạt nhân, cao cấp hơn động cơ thông thường đang được Trung Quốc sử dụng.

Các chiến đấu cơ Rafale trên tàu sân bay từng khiến hãng Tân Hoa Xã thán phục rằng hệ thống điện tử hàng không và động cơ của nó vượt trội chiến đấu cơ J-10 của quân đội Trung Quốc.

"Tàu sân bay của Anh, Pháp tối tân hơn của chúng ta," Lý Kiệt bình luận. "Dù chúng ta đạt được bước tiến lớn nhưng vẫn chưa thể nói là đủ điều kiện vượt qua công nghệ tàu sân bay Anh, Pháp."

"Trung Quốc luôn chú ý và đuổi theo những kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới, song hiện nay khoảng cách về giữa chúng ta và trình độ công nghệ tàu sân bay tiên tiến nhất vẫn còn rất lớn. Rất nhiều kỹ thuật như động cơ hạt nhân, phóng máy bay điện từ (EMALS), hệ thống chỉ huy và kiểm soát... không dễ đạt được như chúng ta tưởng, mà cần phải nỗ lực rất nhiều."

Bên cạnh đó, ông Lý thừa nhận, Bắc Kinh còn một khoảng trống rất lớn cần phải lấp đầy về kinh nghiệm ứng dụng thực tiễn tàu sân bay so với Anh, Pháp, Nga, Ấn...

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news