Tin mới

Hiểm họa tàu du lịch gặp tố lốc bất thường

Thứ bảy, 06/06/2015, 10:24 (GMT+7)

Theo chuyên gia về tàu thủy, các tàu thuyền du lịch nội địa được thiết kế đặt trong điều kiện thiên nhiên bình thường nên trước những hiểm họa thiên nhiên bất thường như tố, lốc vượt quá cấp quy định thì "bất khả kháng".

Theo chuyên gia về tàu thủy, các tàu thuyền du lịch nội địa được thiết kế đặt trong điều kiện thiên nhiên bình thường nên trước những hiểm họa thiên nhiên bất thường như tố, lốc vượt quá cấp quy định thì "bất khả kháng".

Như tin tức đã đưa, tàu du lịch Ngôi sao phương Đông bị chìm vào tối 1/6 trên sông Trường Giang, khi đang trong chuyến hành trình dài 11 ngày từ Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đến Trùng Khánh là một thảm họa chấn động dư luận nước này. Khi xảy ra tai nạn, trên tàu có 456 người, chủ yếu là các du khách cao tuổi. Số người thiệt mạng hiện đã tăng lên 75, trong khi số người sống sót vẫn chỉ dừng lại ở 14.  

Theo đánh giá ban đầu của nhà chức trách nước này, nguyên nhân tai nạn chủ yếu do yếu tố thời tiết.

Tàu, thuyền du lịch
Tàu du lịch Trung Quốc bị chìm sông Trường Giang ngày 1/6 khiến 75 người thiệt mạng, hơn 300 người mất tích

Trong một buổi phỏng vấn ngày 5/6, thuyền trưởng của chiếc tàu du lịch gặp nạn cho biết, ông đã cố gắng tăng tốc và điều khiển con tàu đi theo hướng gió thì con tàu bất ngờ bị lật ngược. Thuyền trưởng Zhang 52 tuổi, có 30 năm kinh nghiệm lái tàu trên sông Yangtze, là một trong số chỉ 14 người sống sót trong vụ thảm họa này.  

“Tôi muốn lái tàu theo hướng gió. Tôi muốn dùng tốc độ tàu để làm giảm áp lực của gió lên tàu, nhưngđột nhiên, gió trở nên mạnh hơn và tôi không thể kiểm soát được. Ngay cả khi tôi đã đánh lái được sang bên trái, tôi cũng không thể cản lại sức gió”, ông Zhang Shunwen nói. 

Tàu, thuyền du lịch
Thân nhân nạn nhân chìm tàu ở sông Trường Giang - Trung Quốc đau đớn trước thảm họa 

Vụ tai nạn kinh hoàng này khiến nhiều người liên tưởng tới một số vụ tai nạn xảy ra với tàu, thuyền du lịch ở Việt Nam, trong đó có trường hợp cũng do nguyên nhân thời tiết.  

Một trong những vụ gây chấn động dư luận là vụ chìm thuyền đoàn văn công Trung quốc trên hồ tây năm 1955. Năm đó đoàn văn công Trung Quốc đi "vãn cảnh" Hồ Tây bằng thuyền nhân chuyến thăm và biểu diễn ở Việt Nam thì bất ngờ gặp tố lốc, nhấn chìm con thuyền cùng đoàn người xuốn sông khiến một số người tử nạn. 

Vụ chìm tàu du lịch Dìn Ký ở Bình Dương tối ngày 20/5/2011 khiến 16 người thiệt mạng cũng xảy ra khi thời tiết bất thường. Cụ thể, khi con tàu chở theo hàng chục du khách ăn uống, di chuyển chậm trên sông Sài Gòn thì bất ngờ trời mưa to kèm gió lớn. Quay đầu về bến cách bờ chừng 100 m tàu bất ngờ chao đảo rồi lật ngang. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của vụ tai nạn này được xác định là do lái tàu  vi phạm quy định về điều khiển phương tiện đường thủy, không bằng lái.  

Vậy các tàu du lịch ở Việt Nam có chống chọi với những hiện tượng thiên nhiên bất thường như giông mạnh, tố, lốc? 

Trao đổi với phóng viên, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình, Hội Khoa học kỹ thuật Biển TP.HCM cho rằng, giông mạnh, tố lốc là những hiện tượng bất ngờ của thiên nhiên. Các tàu nội địa với những hiểm họa thiên nhiên ngoài cấp chịu đựng của con tàu cũng là bất khả kháng. Lúc đấy "số phận của con tàu" chỉ dựa vào sự may mắn, khả năng điều khiển khéo của người thuyền trưởng.  

"Các tàu thuyền du lịch được thiết kế, đóng theo đúng các cấp quy định của bên đường thủy. Ví dụ: cấp sông, hồ, cửa sông, đều có quy định cụ thể, chịu được cấp gió là bao nhiêu. Còn trong trường hợp bât thường của thiên nhiên như tố, lốc, vượt quá quy định thì bất khả kháng. Bởi vì không thể làm một con tàu chịu trong mọi hoàn cảnh được. Tức là thiết kế tàu chỉ đặt trong điều kiện thiên nhiên bình thường tức là trong điều kiện bao nhiêu năm mới xảy ra một lần còn trường hợp lốc xảy ra bất thường thì là bất khả kháng", ông Bình cho biết.  

Với thảm họa chìm tàu ở Trung Quốc vừa qua, theo ông Bình, Trường Giang là một con sông rộng, gần như là biển nên tiêu chuẩn tàu hoạt động ở khu vực này thường rất cao. Con tàu vừa gặp nạn là một sự cố đáng tiếc, không may.  

Theo chuyên gia khí tượng, giông mạnh, tố, lốc là những hiện tượng thời tiết bất thường, xuất hiện vào thời điểm đầu mùa hè và cuối mùa xuân. Trước khi giông mạnh xảy ra có rất nhiều yếu tố, nhưng cần đặc biệt lưu ý là gió giật mạnh. Những cơn giông thường diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Thông thường, từ lúc quan sát được mây giông và đến khi giông mạnh xảy ra khoảng 30-60 phút.  

Dấu hiệu cho thấy có khả năng giông mạnh, tố, lốc xoáy sẽ xảy ra là khi những đám mây trên bầu trời bỗng nhiên vần vũ và đen sẫm lại, gió đang thổi, bỗng nhiên ngừng hẳn, kèm theo đó là nhiệt độ giảm, độ ẩm trong không khí cao, không khí bỗng trở nên mát mẻ, se lạnh. 

H.Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news