Tin mới

Thảm họa nhân đạo lớn chưa từng có tại Đông Nam Á

Thứ tư, 20/05/2015, 14:43 (GMT+7)

Một thảm họa nhân đạo sắp xảy ra khi hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt trên biển do chính quyền các quốc gia Đông Nam Á không tiếp nhận họ.

Một thảm họa nhân đạo sắp xảy ra khi hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt trên biển do chính quyền các quốc gia Đông Nam Á không tiếp nhận họ.

Quy mô của cuộc khủng hoảng này vẫn chưa ước tính được. Không một tổ chức nào, từ Cơ quan tị nạn LHQ (UNHCR), Tổ chức di trú quốc tế (IOM) cho đến các nhóm nhân quyền Rohingya biết có bao nhiêu tàu thuyền đang lênh đênh ngoài khơi. Tuy nhiên, số lượng người di cư bị mắc kẹt trên các tàu này ước tính lên đến hàng nghìn.

Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, thúc giục các nhà lãnh đạo Đông Nam Á duy trì "luật quốc tế" và "nghĩa vụ cứu nạn trên biển", Malaysia, Thái Lan và Indonesia đã từ chối tiếp nhận những con tàu chở người này.

Tin tức cuối cùng được xác nhận vào giữa tuần trước là Thái Lan đã cung cấp thực phẩm và nước uống cho họ.

CNN cho rằng những con tàu còn lênh đênh trên biển đang cố gắng trốn tránh những cuộc tuần tra và những người tị nạn trên đó đang bị bọn buôn lậu giam cầm. Những nguồn tin chính thức, giấu tên cho biết những kẻ buôn lậu  có thể đã nói với mọi người rằng họ chỉ được quyền cập bến tại Malaysia và mong muốn tránh gặp rắc rối.

Ngày 29/5 tới, Thái Lan sẽ tổ chức một hội nghị khu vực cùng với các cuộc họp 3 chiều trong tuần này giữa các ngoại trưởng Indonesia, Malaysia để giải quyết vấn đề này.

Một tàu chở khoảng 300 người Rohingya trôi dạt vào vùng đảo Koh Lipe của Thái Lan hôm 14/5

Myanmar

Myanmar là quê hương có lượng người Rohingya lớn, đặc biệt là ở bang Rakhine, phía tây nước này.

Cuộc đụng độ vào năm 2012 giữa cộng động Phật giáo và người Hồi giáo Rohingya tại bang này khiến hàng trăm người chết và hơn 140.000 người mất nhà cửa. Người Rohingya chiếm thiểu số và từ lâu đã bị cộng đồng người theo Phật giáo tại đây áp bức.

LHQ ước tính hơn 100.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi Myanmar bằng đường biển kể từ khi bạo lực sắc tộc và phe phái nổ ra.

Chính phủ buộc phải tách người Rohingya ra khỏi cộng đồng cư dân tại bang Rakhine. Họ sống trong những ốc đảo - những khu ổ chuột ở nông thôn - và họ không được phép rời khỏi đây. Chính phủ đã từ chối công nhận họ là một dân tộc hợp pháp và là công dân của Myanmar.

Những người có phương tiện đã thực hiện cuộc hành trình đầy nguy hiểm để rời đi. Họ ra đi trên những chiếc thuyền nhỏ chở hàng lậu, chủ yếu là đi tới Malaysia.

Chính phủ nước này cho biết họ sẽ không tham gia vào hội nghị khu vực mà Thái Lan tổ chức ngày 29/5 tới. Ông Zaw Htay, một giám đốc trong văn vòng Tổng thống Myanmar Thein Sein nói với CNN: "Chúng tôi sẽ không tham gia vào các cuộc thảo luận diễn ra tuần tới nếu cái tên "Rohingya" được nhắc tới".

 "Nếu chúng tôi công nhận cái tên này, thì họ sẽ nghĩ họ là công dân Myanmar... Myanmar không thể chịu trách nhiệm cho tất cả những người đang ở trên biển".

Bangladesh

Hơn 1.600 người tị nạn từ Bangladesh đã tới Indonesia và Malaysia từ hôm 17/5

Có khoảng 7.000 (con số chính thức) và 300.000 (ước tính của LHQ) người Rohingya di cư đang sống tại nước láng giềng Bangladesh. Nhiều người sống tại các trại tị nạn bất hợp pháp hoặc do LHQ mở ra ở biên giới Bangladesh-Myanmar nhưng họ không thể làm việc tại đây và sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ.

Hoàn cảnh của người Rohingya hiện đang bị bỏ rơi trên biển còn trầm trọng hơn bởi sự hiện diện của những người di cư đi làm kinh tế Bangladesh. Trong khi nhiều tổ chức, kể cả UNHCR coi Rohingya là người tị nạn hợp pháp đang chạy trốn các cuộc đàn áp thì các quốc gia Đông Nam Á lại từ chối tiếp nhận họ. Các nước này viện lý do có sự xuất hiện của những người di cư kinh tế để không cho họ trú ẩn.

Matthew Smith đến từ tổ chức Fortify Rights, một tổ chức nhân quyền phi chính phủ có trụ sở tại khu vực Đông Nam Á, cho biết chính phủ các nước này không đủ điều kiện để theo dõi và tìm thấy người tị nạn, nhưng đơn giản là họ không muốn.

"Các chính phủ trong khu vực đang đùn đẩy nhau, đẩy các thuyền trở lại biển trong khi tuyên bố là để trấn áp nạn buôn người. Tất cả các chính phủ đều có trách nhiệm bảo vệ những người sống sót của nạn buôn người và tị nạn. Không chính phủ nào có thể đáng tin khi tuyên bố chống lại nạn buôn người đồng thời tạo ra một nơi sẵn sàng để đón những người tuyệt vọng, đang gặp nguy hiểm ở trên biển", ông Matthew nói.

Thái Lan

Giữa biển Andaman, trên một chiếc tàu đánh cá đang tìm kiếm cá tàu chở người tị nạn ở vùng biển Thái Lan, nhóm phóng viên CNN nhìn thấy các tàu hải quân Thái đang tuần tra.

Ông Kraiwut Chusakul, một ngư dân địa phương cho biết ông nhìn thấy những chiếc thuyền chở nhiều người tị nạn Rohingya. "Có rất nhiều trẻ em trên thuyền. Tôi nghĩ phải có đến 100 đứa trẻ", ông nói.

Nhưng kể từ đó, chiếc thuyền mà ông Kraiwut nhìn thấy cũng biến mất. Mặc dù đã tìm kiếm và dò hỏi những tàu đánh cá khác, nhóm phóng viên CNN cũng không có thêm thông tin gì.

"Tôi rất tiếc cho họ. Điều này không giống với việc bạn nhìn thấy người tị nạn trên đất liền. Điều kiện ở đây rất kinh khủng", ông Kraiwut nói.

Cuối tuần qua, cư dân trên đảo Koh Lipe, miền nam Thái Lan đã tập hợp đồ ăn, nước uống và quần áo để đưa đến cho những người tị nạn trên các tàu. Nhưng sau đó, quân đội nói với họ rằng không cần hỗ trợ cho các tàu nữa hoặc không tiết lộ với các phóng viên về tình hình.

Fortify nói với CNN rằng các tàu tuần tra ở phía trước đang tìm kiếm các tàu tị nạn và đuổi họ ra khỏi vùng lãnh hải vì thế mà các nhà báo cùng các nhóm nhân quyền không thể biết rõ được tình hình.

Nước này sẽ tổ chức các cuộc đàm phán 3 bên giữa 3 ngoại trưởng của Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong tuần này để giải quyết bế tắc hiện tại. Một cuộc họp lớn giữa các nước ASEAN cũng sẽ được tổ chức vào ngày 29/5 tới.

Indonesia

Cho đến nay, các quốc gia liên quan vẫn chưa tìm ra biện pháp gì để giải quyết vấn đề người di cư qua biển tại Đông Nam Á

Người phát ngôn quân đội Indonesia, Fuad Basya cho biết: "Chúng tôi có 4 tàu hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải tại Aceh. Chính sách hiện nay vẫn là không cho phép bất cứ người nhập cư nào được cập bến".

 Tuy nhiên, các báo cáo của UNHCR cho biết, trong tuần qua, ngư dân Indonesia đã giải cứu hơn 1.300 người Bangladesh và Rohingya khi tàu của họ đi vào vùng lãnh hải của Indonesia và bị trôi dạt hoặc bơi vào bờ tình Aceh và bắc Sumatra.

Tuy nhiên, ông Basya nói rằng ngư dân Indonesia không nên tích cực tìm kiếm và giải cứu người tị nạn bị mắc kẹt.

"Nếu họ gặp bất cứ tàu thuyền nào thì dĩ nhiên là họ có thể giải cứu và kéo họ vào bờ, vì lý do nhân đạo. Nhưng công việc của họ là bắt cá và họ không nên đi tìm kiếm tàu thuyền nữa".

Malaysia

Một quan chức hàng đầu Malaysia cho biết sự gia tăng lượng người nhập cư từ Myanmar và Bangladesh tới xin tị nạn tại quốc gia này và nước láng giềng Indonsia trong những ngày gần đây là điều không mong muốn - và bất chấp lời kêu gọi của LHQ, chính phủ của ông sẽ đuổi bất cứ người nhập cư bất hợp pháp nào.

"Chúng tôi không thể chào đón họ ở đây", Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Wan Junaidi Jaafar trả lời CNN qua điện thoại hồi tuần trước.

"Nếu chúng tôi tiếp tục chấp nhận họ, thì sau đó hàng trăm ngàn người từ Myanmar và Bangladesh sẽ tiếp tục tới đây".

Malaysia sẽ tổ chức một cuộc họp để thảo luận về các vấn đề tại Kuala Lumpur vào ngày hôm nay với sự tham dự của Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan và Indonesia.

"Malaysia vẫn cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước bị ảnh hưởng và các thành viên của cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn đề tại khu vực. Malaysia cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp để giải quyết vấn đề này thông qua các nỗ lực phối hợp, hợp tác giữa các quốc gia khởi nguồn, quá cảnh và điểm đến".

Philippines

Mặc dù cách xa "tâm chấn" của cuộc khủng hoảng nhân đạo này, Philippines cũng đã cho phép những tàu di cư được cập bến.

Chính phủ nước này nhanh chóng đáp trả một bài báo địa phương nói rằng họ "đẩy trở lại biển" bất cứ người tị nạn nào tới Philippines.

Ông Herminio Coloma Jr, một phát ngôn viên của Văn phòng Hoạt động Truyền thông của Tổng thống nước này tuyên bố hôm 18/5 rằng Philippines đã mở rộng hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho các "thuyền trở người".

Dẫn công ước 1951 về Tình trạng Người tị nạn, ông Herminio nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục việc cứu người theo cơ chế hiện hành và theo những cam kết mà chúng tôi đã ký trogn công ước".

Bảo Linh ( tin tức CNN)

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news