Tin mới

"Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt cần có chế tài xử lý đặc biệt"

Thứ ba, 21/11/2017, 11:19 (GMT+7)

"Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm rất cao, nếu như không có thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên những khuôn khổ pháp lý thông thường thì không thể xử lý được...", đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích.

"Tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm rất cao, nếu như không có thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên những khuôn khổ pháp lý thông thường thì không thể xử lý được...", đại biểu Nguyễn Thị Thủy phân tích.

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đề nghị cần có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp.

Sáng nay 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, mở rộng sự điều chỉnh của luật ra khu vực ngoài nhà nước là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Nhiều ĐBQH cũng đề nghị cần xem xét thông qua luật tại 3 kỳ họp để có thời gian thảo luận kỹ nhiều vấn đề.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Muốn tịch thu được tài sản đó thì phải thông qua vụ án hình sự, nhưng khó khăn là nhiều khi không còn tài sản để thi hành án. Một số trường hợp kê khai tài sản không đúng nhưng chỉ có thể áp kỷ luật người kê khai chứ không đụng với được khối tài sản.

Là người công tác lâu năm trong ngành kiểm sát, ĐB Thủy dẫn số liệu tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho biết, số thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng số tiền thu về chỉ 4.676 tỷ đồng và 219 ha đất, chỉ tương đương khoảng 10%. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm với tài sản tham nhũng.

ĐB Nguyễn Thị Thủy phân tích, pháp luật chưa có cơ chế xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tiễn thời gian qua có một số trường hợp kê khai tài sản không đúng nhưng chỉ có thể áp kỷ luật với người kê khai như khiển khiển, cách cáo, thậm chí cách chức chứ không đụng với được khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ.

Muốn xử lý tịch thu được khối tài sản này phải thông qua một vụ án hình sự từ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Trải qua quá trình như vậy sẽ khó thu hồi tài sản, thậm chí tài sản đã bị tẩu tán.

Theo ĐB Thuỷ, một trong những kỳ vọng của cử tri đặt ra là việc sửa Luật lần này phải giải quyết được vấn đề nêu trên. Tuy nhiên dự thảo luật thấy vẫn chỉ xử lý với người kê khai không đúng như người sắp được dự kiến bổ nhiệm sẽ không được bổ nhiệm nữa, còn người đã được bổ nhiệm tùy theo mức độ vi phạm trong kê khai tài sản có thể bị cách chức, hạ chức, còn như khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp dự thảo luật vẫn tiếp tục để ngỏ không có cơ chế xử lý giống như hiện nay.

Lý do Ban soạn thảo giải trình không bổ sung quy định nêu trên là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, nghĩa là trách nhiệm chứng minh thuộc về nhà nước, theo đó muốn xử lý tịch thu khối tài sản này thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh chứ không phải là người có tài sản có trách nhiệm phải giải trình.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra rất lâu rồi mới bị phát hiện, độ ẩn của tội phạm rất cao, nếu như không có thủ tục tố tụng đặc biệt vượt lên những khuôn khổ pháp lý thông thường thì không thể xử lý hiệu quả được. Vì vậy, trách nhiệm và biện pháp chế tài đặc biệt cần được đặt ra. Đây cũng là cách mà các quốc gia khác tiến hành khi muốn xử lý vấn đề này.

“Hành vi tham nhũng khác với những hành vi tội phạm khác như giết người, cướp tài sản, đánh nhau gây thương tích… hành vi tham nhũng diễn biến trong thời gian dài, có cơ hội tham nhũng là còn rút tiền của ngân sách, tham nhũng được thì tiêu sài lãng phí, tặng cho tài sản dưới nhiều hình thức”, ĐB Thuỷ nhấn Mạnh và cho biết những quốc gia được coi là chống tham nhũng cũng không hy vọng 100% thu hồi được tài sản tham nhũng. Chính vì vậy trách nhiệm giải trình, biện pháp chế tài áp dụng trong trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản đã được các quốc gia đặt ra để sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.

Cũng tại buổi hội thảo, nhiều ĐBQH đồng tình việc dự thảo luật mở rộng quy định về phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước.
 
ĐB Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, luật hiện hành còn nhiều “lỗ hổng”, bất cập nên việc sửa đổi bổ sung là cần thiết. Tham nhũng ngoài nhà nước đang diễn biến phức tạp, chẳng hạn như trong hoạt động vay vốn. Vì thế, cơ chế giám sát về thực hiện công vụ phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước là rất cần thiết.
 
ĐB Trần Tất Thế cũng kiến nghị thu hẹp đối tượng phải kê khai tài sản để thực hiện cho có hiệu quả.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news