Tin mới

Thế giới đau đầu vì Covid-19, rừng Amazon tiếp tục bị hỏa thiêu

Thứ bảy, 09/05/2020, 11:53 (GMT+7)

Khi thế giới tập trung chú ý vào đại dịch Covid-19, rừng Amazon tiếp tục bị tàn phá nhiều hơn và có thể phá vỡ kỷ lục của năm ngoái.

Phá rừng ở Amazon Brazil đã đạt môt kỷ lục mới trong 4 tháng đầu năm nay, theo dữ liệu mới công bố ngày 8/5 của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil(INPE). Tổng cộng có 1.202 km2 rừng (khu vực rộng gấp 20 lần Manhattan) đã bị xóa sổ khỏi Amazon Brazil từ tháng 1 đến tháng 4. Con số này tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 4 tháng đầu năm kể từ khi việc phá rừng được ghi nhận hàng tháng bắt đầu vào tháng 8/2015.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị chỉ trích khi để rừng Amazon bị tàn phá. Ảnh: Reuters

Những con số này đặt ra câu hỏi mới về việc Brazil đang bảo vệ phần rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới như thế nào dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro. Ông là người hoài nghi về biến đổi khí hậu, ủng hộ việc mở rộng các vùng đất được bảo vệ để khai thác và canh tác.

"Thật không may, có vẻ những gì chúng ta có thể chờ đợi trong năm nay là những vụ cháy và phá rừng kỷ lục hơn", nhà hoạt động của Greenpeace, Romulo Batista tuyên bố. Năm ngoái, khi ông Bolsonaro mới lên nắm quyền, nạn phá rừng đã tăng 85% tại Amazon Brazil, lên đến 10.123 km2. Diện tích rừng đã mất (gần bằng Lebanon) thúc đẩy báo động trên toàn thế giới về tương lai của rừng mưa nhiệt đới. Đây là cánh rừng quan trọng để kiềm chế biến đổi khí hậu.

Helio Lombardo Do Santos, một nông dân Brazil đang cùng con chó của mình đi bộ qua một khu vực rừng Amazon bị đốt cháy, gần Porto Velho, bang Rondonia. Ảnh: AFP

Rừng Amazon bị tàn phá bởi những đám cháy rừng kỷ lục xảy ra rộng khắp từ tháng 5-10, cùng với việc khai thác và canh tác bất hợp pháp trên đất được bảo vệ.

"Đầu năm không phải là thời điểm nạn phá rừng thường xảy ra bởi nó có mưa và mưa rất nhiều", Erika Berenguer, một nhà sinh thái học tại ĐH Oxford và Lancaster cho biết. "Trước đây, khi chúng tôi thấy nạn phá rừng gia tăng vào đầu năm, đó là dấu hiệu mùa phá rừng bắt đầu... bạn cũng sẽ thấy sự gia tăng này".

Trong tuần này, ông Bolsonaro đã ủy quyền cho quân đội đến Amazon để chống cháy và phá rừng từ 11/5. Năm ngoái, ông cũng đã triển khai quân sau khi bị thế giới chỉ trích gay gắt vì hạ thấp các đám cháy.

Các nhà môi trường học nói rằng cần có một kế hoạch tốt hơn để hỗ trợ cho chương trình bảo vệ môi trường của Brazil. Dưới thời ông Bolsonaro, cơ quan môi trường IBAMA bị giảm nhân sự và ngân sách. Tháng trước, chính phủ đã sa thải nhân viên thực thi môi trường hàng đầu của cơ quan này sau khi ông cho phép một cuộc đột kích nhắm vào những người khai thác bất hợp pháp. Việc này đã được đưa tin trên truyền hình.

Một vấn đề khác với chiến lược quân sự của chính phủ là họ tập trung hoàn toàn vào những vụ cháy rừng. Điều này bỏ qua thực tế là các đám cháy do nông dân, chủ trang trại ủi đất, đốt cây bất hợp pháp gây ra. Chỉ giải quyết các vụ hỏa hoạn "giống như tôi uống paracetamol vì tôi đau răng. Nó sẽ làm giảm đau nhưng nếu đó là một ổ sâu, nó không chữa được", bà Berenguer nói.

Thảm kịch kép

Đại dịch Covid-19 chỉ khiến mọi thứ phức tạp hơn tại khu vực Amazon. Brazil, nơi có hơn 60% rừng Amazon là tâm dịch Covid-19 tại Mỹ Latin với gần 10.000 người chết cho đến nay. Bang Amazon, phần lớn được bao phủ trong rừng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ với một đơn vị chăm sóc đặc biệt, bang này đang bị dịch áp đảo. Ngoài ra, người ta còn lo ngại những tác động tàn phá của virus với cộng đồng người bản địa. Thổ dân Amazon vốn dễ bị tổn thương trước với những dịch bệnh từ bên ngoài.

Khi Covid-19 thu hút sự chú ý, nguồn lực và cướp đi những sinh mạng, chính quyền, các nhà môi trường học và người dân có thể không đủ khả năng để bảo vệ rừng. Thị trưởng của thành phố Manaus, thủ phủ bang, Arthur Virgilio đã đưa ra mối liên hệ giữa 2 thảm kịch trong tuần này khi kêu gọi giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo thế giới. "Chúng tôi cần nhân viên y tế, máy thở, thiết bị bảo hộ, bất cứ cứ thứ gì có thể cứu sống những người bảo vệ rừng", ông nói.

Không rõ liệu đại dịch sẽ tác động đến nạn phá rừng như thế nào, nhưng thực tế là điều này gia tăng song song tại Brazil. "Có một mạng lưới những yếu tố (dẫn đến phá rừng) được kết nối và trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng còn trở nên đáng quan ngại hơn", phát ngôn viên Greenpeace Brazil, Carolina Marcal nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news