Tin mới

Thế giới vượt mốc 20 triệu ca Covid-19, ba nước đứng đầu chiếm hơn một nửa

Thứ ba, 11/08/2020, 09:08 (GMT+7)

Các ca Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc hơn 20 triệu vào ngày 10/8 trong đó Mỹ, Brazil và Ấn Độ chiếm hơn một nửa số ca nhiễm.

Theo WHO, số người mắc căn bệnh đường hô hấp này đã nhiều gấp 4 lần so với số người nhiễm cúm nặng trung bình hàng năm. Số ca tử vong vì Covid-19 là hơn 728.000 ca, vượt xa con số người chết vì cúm mỗi năm.

Thống kê của Reuters dựa trên các báo cáo của chính phủ cho thấy căn bệnh đang leo thang. Phải mất gần 6 tháng để đạt 10 triệu ca Covid-19 sau khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo tại Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu tháng 1. Và chỉ mất 43 ngày để tăng gấp đôi con số đó lên 20 triệu ca.

Một nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia tin rằng dữ liệu chính thức có thể đánh giá thấp cả số ca nhiễm và tử vong, đặc biệt là ở những nước có khả năng xét nghiệm bị hạn chế. Mỹ có 5 triệu ca, Brazil 3 triệu và Ấn Độ 2 triệu. Nga và Nam Phi đã lọt vào top 10.

Theo thống kê của Reuters, đại dịch gia tăng nhanh nhất tại Mỹ Latin, nơi chiếm gần 28% số ca bệnh và 30% số ca tử vong trên toàn thế giới.

Trong làn sóng đầu tiên, virus vẫn chưa lên đến đỉnh điểm tại một số quốc gia, một số nước khác thì tái bùng phát, các chính phủ vẫn bị chia rẽ trong cách ứng phó dịch. Một số nước đã đưa ra những biện pháp y tế công cộng nghiêm ngặt trong khi các nước khác tiếp tục nới lỏng hạn chế.

Theo WHO, cuộc đua vắc xin với hơn 150 ứng viên được phát triển và xét nghiệm trên toàn thế giới với 25 loại đã được thử nghiệm lâm sàng trên người.

>> Xem thêm: Vắc xin Covid-19 có thể không hiệu quả với người béo phì

Ở Mỹ, trẻ em bắt đầu quay trở lại trường vào tuần trước ngay cả khi có sự tranh cãi về sự an toàn của trường học. Anh đã thêm Tây Ban Nha và Bỉ vào danh sách các nước mà người từ đó trở về phải cách ly 14 ngày bởi có một số điểm bùng phát mới xuất hiện.

Ở châu Á, Trung Quốc tiếp tục kiềm chế sự gia tăng bằng cách áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ nghiêm ngặt, khiến số ca nhiễm hàng ngày đã giảm xuống mức dưới 2 con số.

Australia đã ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và giới nghiêm ban đêm tại Melbourne nhằm kiềm chế sự bùng phát tại đó. Nước láng giềng New Zealand, nơi mà cuộc sống phần lớn đã trở lại bình thường đã ghi nhận 100 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng vào cuối tuần vừa rồi.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news