Tin mới

Thi tốt nghiệp 2 môn tự chọn: Thí sinh sẽ bỏ rơi môn Sử?

Thứ ba, 25/02/2014, 08:59 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Hầu hết học sinh lớp 12 đều hả hê với phương án chốt thi tốt nghiệp THPT 4 môn với 2 môn văn, toán bắt buộc và hai môn tự chọn của Bộ GD-ĐT chiều qua. Tuy nhiên, một số giáo viên, nhất là giáo viên dạy lịch sử lo ngại thí sinh sẽ bỏ rơi môn của mình.

(Tinmoi.vn) Hầu hết học sinh lớp 12 đều hả hê với phương án chốt thi tốt nghiệp THPT 4 môn với 2 môn văn, toán bắt buộc và hai môn tự chọn của Bộ GD-ĐT chiều qua. Tuy nhiên, một số giáo viên, nhất là giáo viên dạy lịch sử lo ngại thí sinh sẽ bỏ rơi môn của mình.

 

Ngay sau khi đọc được thông tin Bộ GD-ĐT thông báo môn thi tốt nghiệp THPT 2014, Nguyễn Tuấn Anh, một học sinh THPT ở quận Cầu Giấy, Hà Nội hớn hở: "Ôi may quá, thi thế này em sẽ tránh được môn tử thần. Dù biết môn học này rất thú vị nhưng trong thời gian em phải tập trung ôn thi đại học nên tránh được vẫn là tốt nhất".

Theo đó, Tuấn Anh cho biết, ngoài hai môn bắt buộc Văn, Toán, em sẽ chọn hai môn còn lại là Lý, Hóa hoặc Lý, Anh. Đây là những môn trong hai khối A và A1 mà Tuấn Anh dự kiến sẽ thi đại học.

Thi tốt nghiệp 2 môn tự chọn: Thí sinh sẽ bỏ rơi môn Sử

Thi tốt nghiệp THPT 2014: 2 môn bắt buộc, hai môn tự chọn. Nhiều thí sinh sẽ bỏ rơi môn Lịch Sử?

Né Lịch sử cũng là phán đoán của nhiều giáo viên, kể cả đối với những em dự thi ĐH khối C.

"Bộ giáo dục cho phép chọn hai môn tự chọn ắt sẽ xảy ra tình trạng thí sinh thi khối nào thì chọn hai môn tự chọn khối đó. Nếu vậy, như môn Sử của tôi may ra chỉ có thí sinh thi khối C chọn, thí sinh nào học khá môn ngoại ngữ chắc cũng không chọn môn này", một giáo viên dạy Sử ở Thái Bình chia sẻ. 

Như vậy, trong tương lai nếu chỉ có một môn tự chọn, ắt sẽ không có thí sinh nào chọn như môn Lịch sử là lo ngại của dư luận đặt ra ngay sau buổi họp thông báo phương án chốt của Bộ GD-ĐT chiều qua. Trả lời vấn đề này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng - Bộ GDĐT cho biết: Năm nay chúng ta sử dụng kết quả đánh giá tốt nghiệp theo cả quá trình học 3 năm cấp 3, vì vây để có kết quả tốt thì học sinh không thể lơ là 3 năm học tất cả các môn khác.

"Nếu xét từng học sinh thì đúng là các em chỉ chọn 2 môn theo sở thích, có thể chọn cả hai môn tự nhiên hoặc cả hai môn xã hội. Nhưng xét ở bình diện quốc gia, chúng ta có 6 môn tự chọn, nhiều hơn so với trước (chỉ có 2 môn hoặc 3 môn do Bộ chỉ định). Nhìn rộng ra thì chính xác là toàn diện hơn, đều hơn, nhìn về tổng thể thì học sinh sẽ phát huy được năng lực của mình nhiều hơn là học lệch", ông Trinh lý giải.

Về cách thức tổ chức các môn thi năm nay, ông Trinh cho biết, sẽ vẫn giữa nguyên các môn Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận còn Hóa, Sinh, Lý, vẫn thi trắc nghiệm. Riêng Ngoại ngữ hướng dần tới đánh giá những kỹ năng hoàn chỉnh vì vậy năm nay chúng ta sẽ có thêm phần tự luận. Về cách thức tổ chức thi, mỗi một học sinh sẽ có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi, phòng thi sẽ được viết theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có duy nhất một môn thi.

"Dự kiến, buổi sáng đầu tiên sẽ thi môn Văn, Hóa, buổi chiều thi môn Sử,Vật lý; hôm sau sáng thi môn Toán, Ngoại ngữ, chiều thi Sinh học và Địa lý. Sau mỗi ca thi chúng ta có 75 phút để thực hiện các thao tác kỹ thuật. Việc xen kẽ các môn tự nhiên và xã hội sẽ giúp chúng ta giảm tới mức thấp nhất khả năng một thí sinh có thể phải thi hai ca liên tục", ông Trinh cho biết thêm.

H.Minh

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news