Tin mới

Thịt heo tiêm thuốc an thần gây hại thế nào? Cách nhận biết

Thứ ba, 03/10/2017, 10:18 (GMT+7)

Theo các chuyến gia, lượng thuốc an thần tồn dư trong thịt heo có thể khiến người ăn bị hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ...

Theo các chuyến gia, lượng thuốc an thần tồn dư trong thịt heo có thể khiến người ăn bị hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ... 

Mới đây, sự việc gần 4.000 con heo tại cơ sở Xuyên Á vừa bị Cục Cảnh sát môi trường phát hiện bị tiêm thuốc an thần Combistress trước khi giết mổ. Đây là cơ sở giết mổ lớn nhất ở TP HCM, chiếm hơn 50% tổng lượng heo giết mổ tại thành phố. Điều này khiến nhiều người lo lắng, hoang mang nhất là khi các chuyên gia thú y khuyến cáo loại thuốc Combistress tiêm vào heo ngay trước khi giết mổ có thể tồn dư trong thịt gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Ngày 1/10, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM, đề nghị tiêu hủy toàn bộ 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần ở lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP. HCM). Trước đó, Chi cục Thú y cho phép lưu giữ số heo này, chờ đào thải hết chất cấm, tiếp tục đem ra giết mổ. Ảnh: VNE

Trên VnExpress dẫn lời Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thọ, Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, Combistress chứa hoạt chất chính là Acepromazine. Acepromazine có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần, chống căng thẳng, giúp thú vật trấn tĩnh và giảm lo lắng, chống ói mửa. Thuốc được dùng trước khi gây mê phẫu thuật để tránh con vật bài tiết quá nhiều nước bọt và dịch tiết ở đường hô hấp do tác dụng phụ của thuốc mê.

Theo PGS.TS Thọ, trong chăn nuôi thú y, các loại thuốc an thần thường được dùng làm thuốc tiền mê khi phẫu thuật hoặc giúp con vật an thần để thực hiện tiểu phẫu. Thuốc cũng có thể dùng để trấn an heo mẹ hung dữ cắn con không cho con bú. 

Ngoài ra, loại thuốc này còn được sử dụng khi vận chuyển vật nuôi đi xa để phòng chống say tàu xe, ói mửa, giảm tử vong. Thuốc còn làm các mạch máu heo co lại khiến thịt trông hồng hào, bắt mắt hơn. Dù vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo dùng thuốc cho heo với liều lượng phù hợp, không nên lạm dụng.

Mặc dù trong lĩnh vực thú y, thuốc chứa hoạt chất Acepromazine chưa có quy định cụ thể và được bán bình thường ở các cửa hàng thuốc thú y. Tuy nhiên, theo quy định về thời gian thì phải ngưng dùng thuốc trong vòng 5 đến 7 ngày trước khi thịt con vật thì mới bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Cũng theo TS Thọ, trường hợp heo được tiêm thuốc an thần ngay trước khi giết mổ, lượng thuốc tồn dư trong thịt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn vì thuốc chưa được bài thải ra ngoài hết. Người ăn loại thịt này về lâu dài có thể bị giãn nở các mạch máu, hạ huyết áp, hô hấp chậm, rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng càng nghiêm trọng hơn đối với người già, bệnh nhân và trẻ em.

Thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải chậm. Do đó động vật giết mổ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc an thần. Mặt khác, thuốc được sử dụng bừa bãi trước giết mổ nên chắc chắn liều lượng sử dụng có thể rất cao so với chỉ định. 

Trong khi đó, trên Tuổi trẻ dẫn lời TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) cũng cho biết, rất khó xác định thịt có tiêm thuốc an thần hay không. Việc nhận định bằng cảm quan là không thể, ngoại trừ trường hợp xác nhận có vết tiêm. 

Thương lái thường kết hợp tiêm thuốc an thần kèm theo bơm nước, do vậy khi bắt gặp các loại thịt mềm, ướt, các sớ thịt căng mọng nước thì có khả năng lớn thịt chứa tồn dư của thuốc. Đối với động vật còn sống, nhân viên thú y kiểm tra tại lò mổ có thể phát hiện thông qua các biểu hiện khi khám lâm sàng. 

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news