Tin mới

Chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 là ai?

Thứ sáu, 09/05/2014, 11:59 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Ai sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đang đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Họ có thế mạnh, nguồn lực, mục tiêu kinh doanh ra sao?

(Tinmoi.vn) Ai sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đang đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam? Họ có thế mạnh, nguồn lực, mục tiêu kinh doanh ra sao?

Hiện tại, giàn khoan HD-981 thuộc quyền quản lý của công ty dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (gọi tắt là CNOOC).

Giàn khoan Hải Dương 981 trị giá 1 tỷ USD của Trung Quốc

Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (tên tiếng Anh: China National Offshore Oil Corporation - CNOOC) là một công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc, CNOOC chuyên tìm kiếm và khai thác dầu mỏ và khí thiên nhiên ngoài khơi Trung Quốc. CNOOC có số vốn đăng kí là 50 tỉ nhân dân tệ và với khoảng 98.750 nhân viên.

Được thành lập năm 1982, CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước (SOEs) thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC).

Theo Tạp chí Fortune, năm 2013, CNOOC có đến 102,562 nhân viên và có doanh thu lên tới 83.5 tỷ USD. Và với mức doanh thu cao như vậy, CNOOC được tạp chí này xếp thứ 93 trong số 500 tập đoàn, công ty có Doanh thu lớn nhất trên thế giới.

CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi chỉ đứng sau Sinopec. CNOOC thậm chí được xếp trên hai hãng nổi tiếng là Sony (thứ 94, doanh thu 81.9 tỷ) và Boeing (thứ 95, doanh thu 81.7 tỷ).

Về mặt lợi nhuận, CNOOC cũng không thua bao nhiêu so với Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec). Năm 2013 lợi nhuận của CNOOC là 7,7 tỷ, trong khi đó Sinopec chỉ có 8.2 tỷ dù doanh thu của tập đoàn này lên tới 428.2 tỷ và được Fortune Global 500 xếp ở vị trí thứ tư.

Trong bài “China's State-Owned Enterprises: How Much Do We Know? From CNOOC to Its Siblings” được đăng vào tháng 6/2013, của Duanjie Chen thuộc Đại học Calgary, Canada, CNOOC: COONC thời kỳ đầu chủ trương hợp tác với các công ty nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu ở ngoài khơi Trung Quốc. Điều đó không chỉ giúp CNOOC tìm nguồn vốn mà còn có thể tiếp cận, sử dụng các công nghệ tiên tiến của những công ty ấy. CNOOC cũng đã học được cách làm ăn và cạnh tranh, CNOOC đã lớn mạnh rất nhanh về nhiều mặt.

Giàn khoan HD-981

HD 981 chính thức hạ thủy vào ngày 09/05/2012 và tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên biển Đông, cách Hong Kong 320 km.

Hiện nay, CNOOC được trang bị các phương tiện, kỹ thuật hiện đại có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi. Giàn khoan HD 981 là một trong số đó.

Hải Dương 981 (HD-981) là giàn khoan nửa nổi nửa chìm, có chiều dài 114 m, chiều rộng 90 m, chiều cao 137 m và khối lượng 31.000 tấn. Diện tích mặt sàn của nó bằng một sân bóng đá tiêu chuẩn. Theo thiết kế, HD-981 có thể chống chịu sóng cao 10 m cùng sức gió lên tới 160 km/h. Được biết, CNOOC đã đầu tư đến 923 triệu USD và mất ba năm để xây dựng giàn khoan này.

Cận cảnh giàn khoan HD-981 đang hoạt động trái phép tại biển Đông. Ảnh: Xinhua

HD-981 là loại giàn khoan bán chìm thế hệ thứ 6, chuyên dụng ở vùng nước sâu đầu tiên của Trung Quốc. Nó ra đời nhằm khai thác dầu và khí đốt ở những vùng biển có độ sâu tối đa 3.000 m. Mũi khoan của HD-981 có thể tiếp cận những túi dầu ở độ sâu 10.000 m. Trước đó, các giàn khoan của Trung Quốc chỉ có thể khai thác dầu ở những vùng biển có độ sâu tối đa 500 m.

Tại sao CNOOC muốn mua bán, hợp tác với các công ty năng lượng khác?

Ngoài việc phát triển, trang bị kỹ thuật hiện đại, CNOOC còn tìm cách ký kết các hợp đồng (mua bán, hợp tác) với nhiều công ty khác trên thế giới để thăm dò, khai thác dầu khí. Tiêu biểu cho các hoạt động ấy là việc CNOOC mua Nexen – một tập đoàn năng lượng của Canada với giá 15,1 tỉ USD vào đầu năm 2013. Đây là thương vụ mua lại công ty nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc và cũng là một vụ mua bán gây nhiều tranh cãi ở Canada.

Xây dựng giàn khoan HD 981 hay bỏ hơn 15 tỷ để mua lại một công ty nước ngoài của CNOOC tất cả đều nhằm mục đích kiếm dầu để đáp ứng "cơn khát" dầu của Trung Quốc.

Với mức tăng trưởng hiện tại, ngày càng có nhiều người Trung Quốc dùng xe hơi, quốc gia này càng ngày càng cần dầu khí. Ông Tim Daiss nhận định, do không khai thác đủ dầu cho tiêu thụ nội địa một phần cũng như vì các nguồn dầu dự trữ của Trung Quốc một ngày một cạn, Trung Quốc khao khát kiếm dầu từ các nơi khác.

Tháng 9/2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo số liệu của của EIA, giờ mỗi ngày Trung Quốc cần nhập đến 6.3 triệu thùng dầu dù Trung Quốc là nước sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới (4.5 triệu thùng/mỗi ngày trong năm 2013). Trong khi con số ấy ở Mỹ là 6.1 triệu.

Ngoài ra, dầu khí còn đóng một vai trò quan trọng khác trong chiến lược phát triển, và đặc biệt tham vọng trở thành cường quốc của Trung Quốc.

Vì vậy, qua CNOOC, Bắc Kinh đã và đang tìm cách ký kết các hợp đồng mua bán, khai thác dầu khí tại nhiều nước khác nhau ở Nam Mỹ, Trung Đông hay châu Phi.

CNOOC từng bị Mỹ từ chối

Năm 2005, CNOOC đề nghị mua công ty dầu lớn thứ tám tại Mỹ, Unocal nhưng đã thất bại vì Hạ viện Mỹ không tán thành thương vụ đó. Sau đó, Unocal được bán cho công ty dầu khí lớn thứ hai tại Mỹ Chevron với giá 17.1 tỷ USD, ít hơn giá mà CNOOC đề nghị là 18.5 tỷ USD.

Lý do người Mỹ không đồng ý là do họ e ngại nó sẽ tác động xấu đến an ninh Mỹ dù Unocal chỉ chiếm 0.8% số lượng dầu sản xuất tại đây. Việc này khiến Trung Quốc và CNOOC không hài lòng vì không có thêm được một nguồn cung cấp dầu quan trọng.

Trung Quốc không từ bỏ tham vọng sở hữu nguồn năng lượng tự nhiên khi luôn nhòm ngó đến các vùng biển đang có tranh chấp hay thậm chí thuộc chủ quyền của một số nước trong khu vực, như biển Đông.

Tin tức từ trang Global Risk Insights ngày 22/01/2014 cho hay, vào tháng 11/2102, CNOOC đã ước tính khu vực này chứa khoảng 125 tỷ thùng dầu.

Vị trí khoan thăm dò của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

Khu vực dồi dào tài nguyên dầu khí có phải là một trong những nguyên nhân khiến ngày 1/5, Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và khoảng 80 tàu, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam?

Về vụ việc này, chiều qua (ngày 6/5), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Bộ Ngoại giao cũng thông cáo: “Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này."

C.K (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Sự trỗi dậy của Trung Quốc: Lý thuyết khác xa thực tế

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn kiên định thể hiện cam kết "mô hình quan hệ nước lớn" dựa trên 3 trụ cột là không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, 5 năm qua, cam kết đầu tiên - không đối đầu - dường như đã biến mất khi Trung Quốc tham gia vào những cuộc tranh cãi khác nhau và xung đột với các nước láng giềng.